Cụ thể, UBND TP yêu cầu NHNN chi nhánh TP. HCM theo dõi sát để xử lý nghiêm các vi phạm về thanh toán không dùng tiền mặt, không hợp pháp, bị cấm phát hành, cung ứng và sử dụng; tham mưu UBND thành phố kịp thời triển khai các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới liên quan đến quản lý và xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.
Song song đó, thành phố cũng yêu cầu các sở chức năng chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động đối với các đơn vị cung ứng dịch vụ thuộc lĩnh vực phụ trách có liên quan đến việc sử dụng tiền ảo trong thanh toán.
Nhằm hạn chế ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, Sở Thông tin và Truyền thông cần phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp về những rủi ro liên quan đến các đồng tiền ảo này.
Liên quan đến việc TP. HCM "siết" chặt quản lý tiền ảo (Bitcoin), chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ - Luật sư Bùi Quang Tín, cho biết, TP. HCM cũng chỉ làm theo quyết định, công văn của phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mà thôi, điều này hoàn toàn phù hợp với khung pháp lý hay còn gọi là quy định của pháp luật Việt Nam; kế đến là quan điểm của NHNN cũng không công nhận dùng Biscoin để thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam.
"Tất nhiên là trong thời gian mà khung pháp lý Chính phủ đưa ra, tức là lộ trình hoàn thiện khung pháp lý phải tới năm 2019-2020 mới xong, thì việc "siết" quản lý đồng Bitcoin là hoàn toàn hợp lý. Đặc biệt, Bộ luật Hình sự từ 1/1/2018 có hiệu lực rồi, trong đó quy định ngoài xử phạt hành chính những người sử dụng Bitcoin để thanh toán hàng hóa, dịch vụ hay trao đổi mua bán thì từ trước đến nay chỉ xử phạt hành chính thì nay sẽ tiến thêm một bước nữa là xử phạt hình sự. Vì vậy NHNN mới nhảy vào cảnh báo để người dân ý thức được điều này", ông Tín nói.
Trước đó, ngày 21/7/2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có công văn số 5747/NHNN-PC gửi Văn phòng Chính phủ trả lời về vấn đề Bitcoin, Litecoin với nội dung xác định các loại tiền ảo như trên không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định chung của pháp luật Việt Nam.
"Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm", công văn của NHNN nêu rõ.
Được biết, theo số liệu của Cục Hải quan TP. HCM, tính đến cuối tháng 10/2017, số máy "đào" tiền ảo được nhập về TP. HCM chỉ khoảng 1.400 máy, bao gồm 1.310 máy Bitcoin và 620 máy Litecoin thì đến trung tuần tháng 12/2017, đã có 7.005 máy đào tiền ảo được làm thủ tục nhập khẩu hải quan. Tức chỉ trong gần 2 tháng, đã có hơn 5.000 máy đào tiền điện tử được nhập về.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận