08/08/2024 11:18 GMT+7

TP.HCM mạnh tay ngăn xả rác

Năm 2018, Thành ủy TP.HCM ban hành chỉ thị 19 về cuộc vận động "Người dân TP không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước". Sáu năm qua, đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Một đoạn bờ kênh tại phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM nay sạch và xanh, không có rác thải - Ảnh: LÊ PHAN

Một đoạn bờ kênh tại phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM nay sạch và xanh, không có rác thải - Ảnh: LÊ PHAN

Nhiều giải pháp, mô hình hay từ các quận huyện. Nhiều địa phương còn quy trách nhiệm cho người đứng đầu phường, xã để tránh chuyện làm hình thức rồi bỏ ngỏ.

Mang rác lên phường, cải tạo đường kênh…

Quận 12 là một quận vùng ven với dân số đông, các điểm đen rác thải thường phát sinh ở bãi đất trống vắng người qua lại. Những năm gần đây quận này đã cải tạo hàng chục kênh rạch, biến đất trống thành công viên, mảng xanh để ngăn xả rác.

Dọc những con kênh tại phường Thạnh Xuân, Thạnh Lộc... đã vắng các loại rác bị bỏ dọc đường. Những mảng cỏ xanh được quét dọn sạch sẽ, về chiều rất nhiều người dân đi bộ tập thể dục. Hình ảnh này khác hẳn với trước đây vài năm, các con kênh với bờ đầy cỏ dại, rác thải nhiều nơi tràn lan từ bờ xuống dòng nước.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đậu An Phúc, phó chủ tịch UBND quận 12, cho biết trước đây quận có nhiều khu vực địa hình thấp với các kênh, mương, rạch tự nhiên. Tình trạng ô nhiễm do rác thải, nước thải sinh hoạt, sản xuất khá nghiêm trọng. Nhiều điểm rác hình thành trong khu dân cư, dọc các tuyến đường, trên các tuyến kênh rạch…

Từ khi triển khai thực hiện chỉ thị 19, quận đã có nhiều kết quả khả quan. Có thể kể đến các mô hình bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư được phát động như "Tuyến hẻm không rác"; Các điểm xanh về bảo vệ môi trường (vẽ tranh cổ động bảo vệ môi trường; trồng cây xanh, cây kiểng; lắp đặt dụng cụ tập thể dục, thể thao…); "Chung cư văn minh - sạch đẹp - an toàn".

Quận cũng xử lý dứt điểm 78 điểm ô nhiễm vì rác thải. Trong đó đã chuyển hóa thành khu sinh hoạt cộng đồng 53 điểm (sân bóng chuyền, công viên, vườn hoa…). Định kỳ hằng tuần quận tổ chức ra quân vệ sinh môi trường tại các phường.

"Từ năm 2019, quận 12 đã cải tạo, chỉnh trang, nạo vét, kiên cố hóa 45 tuyến kênh rạch tại các phường Thạnh Lộc, Thạnh Xuân, An Phú Đông. Việc này vừa tạo đường giao thông đi lại, vừa ngăn được nạn xả rác ra môi trường", ông Phúc nói.

Tại quận Phú Nhuận, mô hình "Mang rác lên phường, đừng mang rác ra đường" đã thành công rất lớn. Khi người dân thay mới trang thiết bị đồ đạc trong nhà, đồ dùng cũ cồng kềnh không biết bỏ đi đâu! Trước đây, quận đã có thông tin các đơn vị thu gom loại rác cồng kềnh này cho người dân nhưng vẫn còn tình trạng rác bị đổ trộm ra đường. Bây giờ, thông qua việc tổ chức ngày hội, mỗi phường sẽ có một điểm để người dân mang rác tới tập kết, lực lượng công ích quận sẽ thu gom. Từ năm 2022 tới nay mô hình này đã phát huy hiệu quả, đường phố bớt hẳn rác thải tự phát.

Mới đây, quận 10 đã có 10 tuyến đường không rác. Quận này tổ chức đội xe nhặt rác lưu động do Công ty TNHH MTV Công ích quận quản lý.

Xử phạt mạnh, quy trách nhiệm cho chủ tịch phường

Để việc đảm bảo vệ sinh môi trường được duy trì tránh làm hình thức, qua loa các quận 10, Phú Nhuận đã quy trách nhiệm cho chủ tịch phường. Đồng thời, việc xử phạt cũng được thực hiện mạnh tay đối với người dân vi phạm.

Tại quận 12 đã tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra các khu vực vắng vẻ, đất trống, kịp thời phát hiện, xử phạt các trường hợp xả rác nơi công cộng. Trong năm 2023, các phường đã nhắc nhở 173 trường hợp vi phạm, xử phạt 99 trường hợp với tổng số tiền phạt gần 155 triệu đồng. 6 tháng đầu năm nay xử phạt 35 trường hợp với tổng số tiền phạt gần 49 triệu đồng. Ngoài ra, nhiều tuyến đường đang được bố trí hệ thống camera an ninh. UBND các phường thường xuyên sử dụng hệ thống camera này để giám sát và kịp thời xử lý tình trạng trên.

Tại quận 10, quận cho các phường ký cam kết thực hiện. Lãnh đạo phường sẽ chịu trách nhiệm với lãnh đạo quận và người dân nếu không làm được. Quận Phú Nhuận cũng yêu cầu các phường phải thực hiện và có báo cáo hằng năm. Nếu để địa bàn có tình trạng rác xuất hiện ngoài đường thành các điểm đen, chủ tịch có thể bị hạ thi đua.

UBND huyện Bình Chánh đã chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập 16 tổ kiểm tra, xử lý vi phạm môi trường cùng với triển khai lắp đặt camera giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp xả rác, đổ rác không đúng nơi quy định. Các đoàn thể đã thành lập 64 câu lạc bộ ở 16 xã, thị trấn giám sát và tuyên truyền vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường khu dân cư.

Vận động người dân chung tay

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện cuộc vận động "Người dân TP không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch, xanh và thân thiện môi trường" trong năm 2024. Đây có thể xem là giai đoạn 2 của chỉ thị 19.

Việc này nhằm tuyên truyền, vận động người dân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét về vệ sinh tại các khu dân cư, cơ quan, đơn vị tại TP.

Quận 10 có thêm 8 đường không rác, phạt nặng tay người xả bậyQuận 10 có thêm 8 đường không rác, phạt nặng tay người xả bậy

Sáng 14-7, UBND quận 10 (TP.HCM) phát động người dân chung tay xây dựng thêm 8 tuyến đường không rác. Ngoài tuyên truyền, vận động, quận cũng xử phạt mạnh tay với trường hợp xả rác bậy trên đường phố.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên