26/01/2018 14:50 GMT+7

TP.HCM lập Trung tâm Quản lý giao thông công cộng

NGỌC ẨN - THU DUNG
NGỌC ẨN - THU DUNG

TTO - Trung tâm này điều hành toàn bộ hoạt động vận tải hành khách công cộng như xe buýt, taxi, đường sắt đô thị…

TP.HCM lập Trung tâm Quản lý giao thông công cộng - Ảnh 1.

Trung tâm điều hành quản lý trực tuyến xe buýt đặt tại Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM trên đường Phạm Viết Chánh, quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sáng 26-1, Sở Giao thông vận tải TP.HCM tổ chức lễ thành lập Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM. 

Theo đó, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP.HCM được thành lập trên cơ sở Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM.

Trung tâm này thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, có trách nhiệm quản lý hoạt động vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố (gồm các loại hình xe buýt, taxi, đường sắt đô thị, xe điện, buýt đường thủy, xe đưa rước học sinh, sinh viên, công nhân).

Xây dựng các đề án phát triển vận tải hành khách công cộng hàng năm, 5 năm và dài hạn trên địa bàn TP, kế hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng đến các tỉnh liền kề.

Giai đoạn trước mắt (từ năm 2018 đến 2022), hệ thống giao thông công cộng thành phố tiếp tục phát triển và bắt đầu tiếp nhận các mô hình dịch vụ mới (tuyến BRT số 1 và tuyến Metro số 1), trung tâm sẽ quản lý và điều hành toàn bộ hệ thống xe buýt, xe buýt nhanh BRT, taxi, buýt đường thủy… và một số nhiệm vụ khác theo phân cấp của Sở Giao thông vận tải.

Ngoài ra, trung tâm cũng thực hiện khai thác hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu thuộc hệ thống giao thông công cộng, dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe buýt, buýt nhanh, buýt đường thủy, đường sắt đô thị, taxi, xe khách tuyến cố định và các dữ liệu khác thuộc hệ thống giao thông công cộng.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Bùi Xuân Cường - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP cho rằng hệ thống vận tải hành khách công cộng trong tương lai của thành phố sẽ có quy mô lớn hơn hiện nay. 

Các phương thức như Metro, Tramway, Monorail, BRT, xe buýt, taxi, các tuyến xe điện, buýt đường sông… sẽ phát triển và được quản lý theo hướng tích hợp một đầu mối. 

Do đó, việc hình thành một mô hình quản lý điều hành thống nhất và đồng bộ là hết sức cần thiết.

NGỌC ẨN - THU DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên