Vào cuối năm 2019, các nhà máy tích hợp xử lý chất thải rắn Vietstar và nhà máy xử lý, đốt rác của Công ty cổ phần đầu tư - phát triển Tâm Sinh Nghĩa lần lượt được khởi công. Tuy nhiên do vướng mắc nhiều thủ tục, đến thời điểm hiện tại chỉ có nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa đã được cấp phép xây dựng.
Việc xây dựng nhà máy này nằm trong mục tiêu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Theo đó TP phấn đấu thực hiện chỉ tiêu "Tỉ lệ công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80% đến năm 2025, hướng tới năm 2030 đạt 100%".
TP cũng đã kiến nghị và được Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù về đặt hàng bổ sung khối lượng chất thải rắn sinh hoạt. HĐND TP cũng đã ban hành nghị quyết số 28 năm 2023 để khuyến khích các nhà đầu tư đang thực hiện dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt nâng công suất và chuyển đổi công nghệ xử lý sang công nghệ đốt phát điện.
Tập đoàn Bamboo Capital (chủ đầu tư dự án) cho biết ngay sau khi tiếp quản Công ty Tâm Sinh Nghĩa, tập đoàn tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để hoàn thiện thủ tục pháp lý cần thiết.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng khẩn trương làm việc với các đối tác để lựa chọn công nghệ và phương án thiết kế nhà máy tối ưu, chuẩn bị nguồn lực tài chính, dọn dẹp mặt bằng… để sẵn sàng khởi công nhà máy đốt rác phát điện ngay sau khi có giấy phép xây dựng.
Giai đoạn 1 dự án sẽ xây dựng phần móng và giằng móng của các hạng mục: Tổ hợp công trình lò đốt phát điện rác, nhà điều hành, nhà ăn và nhà nghỉ nhân viên tại dự án. Các giai đoạn sau sẽ được cấp phép cùng với tiến độ xây dựng và tiến độ hoàn thành thủ tục pháp lý.
Công suất xử lý của giai đoạn này là 2.000 đến 2.600 tấn rác/ngày đêm. Sản sinh ra lượng điện khoảng 60 MW/ngày. Dự kiến sản lượng điện phát lên lưới hằng năm khoảng 365 triệu kWh/năm.
Các nhà máy đốt rác phát điện còn lại tới đâu?
Công ty Vietstar mới đang hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục liên quan (thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy đối với thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật) để thực hiện hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng dự án nhà máy đốt phát điện.
Nhóm dự án chuyển đổi công nghệ đã nộp hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư cho Sở Kế hoạch và Đầu tư có Công ty cổ phần Tasco. Hiện nay, sở này đang xem xét và làm việc với các sở ngành liên quan để trình UBND TP cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho đơn vị này theo quy định.
Nhóm dự án chuyển đổi công nghệ còn lại (chưa nộp hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư cho Sở Kế hoạch và Đầu tư) gồm Công ty VWS và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị.
Trong đó dự án Công ty VWS đã được UBND TP chấp thuận chủ trương thực hiện. Hiện nay đơn vị này đang thực hiện hồ sơ dự án đầu tư để gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, thực hiện điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư theo quy định.
Còn với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị, ngày 23-2, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có công văn báo cáo UBND TP xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án "Chuyển đổi công nghệ xử lý rác sinh hoạt từ chôn lấp hợp vệ sinh sang đốt phát điện tại bãi chôn lấp số 3" - giai đoạn 1.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận