Sáng 31-5, Thành ủy TP.HCM có buổi làm việc với đoàn công tác Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đến nghiên cứu thực tế tại TP.HCM.
Tham dự buổi làm việc có ông Hoàng Phúc Lâm, phó giám đốc học viện, cùng nhiều thành viên khác của đoàn. Phía Thành ủy TP.HCM có Phó bí thư thường trực Thành ủy Nguyễn Hồ Hải cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố.
Báo cáo với đoàn công tác, Phó giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM Bùi Thị Ngọc Trang cho biết TP.HCM là đô thị hội tụ, tập trung nhiều tiềm năng, thế mạnh và thuận lợi so với các địa phương trong cả nước.
Quá trình lịch sử hình thành, phát triển cùng với nhiều yếu tố tác động như vị trí địa lý, nguồn lực con người, hạ tầng cơ sở… tạo cho thành phố những điều kiện, cơ sở quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển, trở thành đô thị trung tâm.
TP.HCM đã tập trung nỗ lực xây dựng mô hình chính quyền đô thị. Đây là 1 trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Đảng bộ thành phố bắt đầu thực hiện từ năm 2005.
Những vấn đề cấp thiết đặt ra trong xây dựng chính quyền đô thị sắp tới tại TP.HCM là hoàn thiện đồng bộ về thể chế và cơ chế chính sách đối với hoạt động.
Đồng thời tiếp tục phát huy tạo được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, sự đồng thuận của các bên liên quan tham gia trong quá trình xây dựng chính quyền đô thị.
Về vấn đề xây dựng mô hình chính quyền đô thị, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải cho biết trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, TP.HCM cũng mong muốn giống như các địa phương khác. Tuy nhiên, thực tiễn thành phố với địa bàn dân cư và quy mô phát triển có sự khác biệt.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu và có nhiều ý kiến kết luận ví thành phố có “chiếc áo quá chật” và kết luận đó từ thực tiễn diễn ra. Vì vậy, TP.HCM đã nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị được thí điểm mô hình chính quyền đô thị, chứ không phải cái gì thành phố cũng muốn đặc thù. Thành phố dự kiến có sơ kết nghị quyết 131 và kiến nghị trung ương xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
Lãnh đạo Thành ủy TP.HCM cho rằng với một đặc trưng là nơi hội tụ nhân dân các tỉnh thành, TP.HCM cũng là nơi sáng tạo đi đầu nên rất mong được chọn là nơi tổ chức thí điểm những cái mới. Gắn với việc tổ chức thí điểm là việc thực hiện kết luận 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Nếu gắn kết được cả hai, với truyền thống năng động, sáng tạo của nhân dân thành phố sẽ có đóng góp nhiều hơn cho đất nước.
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, riêng TP.HCM việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được thể hiện rất rõ. Như việc có dân cư đông nhất cả nước với 53 dân tộc cùng sinh sống và 12 tôn giáo lớn nhưng tất cả dân tộc đều sống đoàn kết “tốt đời đẹp đạo”, không phân biệt đối xử.
Khi có những câu chuyện liên quan tới quốc gia, tất cả đều đoàn kết đồng lòng như câu chuyện của đại dịch COVID-19 vừa qua. Các chương trình xóa đói giảm nghèo, hiến đất mở đường…, hay về thí điểm các mô hình mới như mô hình chính quyền đô thị, thành phố trong thành phố, đấy chính là bài học kinh nghiệm quý giá của việc thực hiện theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Theo ông Lâm, những ý kiến trao đổi hôm nay sẽ giúp ban chủ nhiệm đề tài làm rõ những nội dung đã đặt ra, đồng thời có những căn cứ lý luận và thực tiễn, xây dựng các báo cáo, kiến nghị gửi Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận