Thứ 4, ngày 21 tháng 4 năm 2021
TP.HCM: Đề xuất sớm thành lập ban chỉ đạo về xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử
TTO - Ngành y tế TP.HCM cho biết theo lộ trình năm 2021 sẽ thu thập dữ liệu ban đầu về tình hình sức khỏe người dân tại 24 phường, xã có trạm y tế điểm. Từ năm 2025 sẽ đạt 90% dân số thành phố được lập hồ sơ sức khỏe điện tử.

Mục tiêu của hồ sơ sức khỏe điện tử là tạo sự kết nối liên thông dữ liệu về tình hình sức khỏe, dữ liệu khám, chữa bệnh giữa các cơ sở y tế với nhau đảm bảo tính liên tục trong công tác chăm sóc hướng đến người dân đều được quản lý sức khỏe - Ảnh: T.T
Theo Sở Y tế, đến nay đơn vị đã tiếp nhận dữ liệu hành chính, mã định danh của 8,2 triệu người dân thành phố do Bộ Y tế chuyển giao và đã được Sở Thông tin - truyền thông cấp kho dữ liệu của trung tâm dữ liệu thành phố.
Ngoài việc đề xuất sớm thành lập ban chỉ đạo cấp TP về xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân (được báo cáo tại cuộc họp với lãnh đạo UBND TP.HCM mới đây), Sở Y tế kiến nghị UBND TP.HCM cho phép ứng dụng công nghệ thông tin thay cho khai báo trên giấy (tức sử dụng mã QR code).
Theo ước tính của Sở Y tế, với việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp thành phố tiết kiệm kinh phí khoảng 20 tỉ đồng (tính theo kế hoạch dự trù kinh phí thực hiện hồ sơ sức khỏe điện tử trong năm 2021). Về lộ trình đơn vị này cho biết năm 2021 sẽ thực hiện thu thập dữ liệu ban đầu về tình hình sức khỏe người dân tại 24 phường, xã có trạm y tế điểm. Từ năm 2025 sẽ đạt 90% dân số thành phố được lập hồ sơ sức khỏe điện tử.
Trước đó, cuối năm 2019, bộ trưởng Bộ Y tế đã ký quyết định phê duyệt kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử cho toàn dân, với mục tiêu chung bảo đảm mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử, từng bước hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân tại Trung tâm dữ liệu y tế quốc gia.
Để thực hiện kế hoạch này, UBND TP.HCM ban hành kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử giai đoạn 2019 - 2025, với yêu cầu phải đảm bảo chính sách bảo mật, chính sách sao lưu dự phòng, quy định khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu phục vụ người dân và công tác quản lý; tích hợp dữ liệu ngành y tế vào kho dữ liệu dùng chung của TP.HCM.
Dữ liệu bắt buộc phải có khi lập hồ sơ sức khỏe điện tử là gì?
Các dữ liệu bắt buộc phải có khi lập hồ sơ sức khỏe điện tử, bao gồm: dữ liệu hành chính (họ tên, giới tính, ngày sinh, địa chỉ, số CMND/căn cước công dân, mã định danh hồ sơ sức khỏe điện tử...); dữ liệu tiền sử và các yếu tố liên quan sức khỏe (tiền sử bệnh tật, dị ứng...); dữ liệu chỉ số sinh tồn, chỉ số nhân trắc học (cân nặng, chiều cao, BMI, huyết áp...).
Từ hồ sơ sức khỏe điện tử theo đánh giá của các chuyên gia sẽ mở ra cơ hội phân tích, giám sát chỉ số sức khỏe người dân. Từ đó có đánh giá về mô hình bệnh tật, tình hình sức khỏe để đề ra các giải pháp, chiến lược can thiệp phù hợp nhằm cải thiện sức khỏe, đáp ứng những nhu cầu mới về chăm sóc sức khỏe nhân dân.
-
TTO - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất ngày lễ giỗ Tổ đã mở 100% cổng soi chiếu, tăng thêm lực lượng hỗ trợ, hành khách đi lại bắt đầu thông thoáng hơn.
-
TTO - Ngày 21-4, Thái Lan tăng thêm 1.458 ca COVID-19, trong khi Campuchia tăng 303 ca. Trong khi dịch bệnh ở Thái Lan vẫn đang rất nóng, tình hình tại Campuchia đã xuất hiện những tín hiệu khả quan hơn.
-
TTO - Cát đỏ tại dự án Goldsand Hill Villa ở phường Mũi Né, TP Phan Thiết, Bình Thuận lại đổ tràn như thác lũ từ đêm 20 đến rạng sáng 21-4 khiến đường sá, xe cộ, nhà dân, nhà hàng cạnh đó ngập lênh láng.
-
TTO - Theo thống kê của Sở Du lịch Kiên Giang, hiện mỗi ngày có khoảng 54 chuyến bay đến Phú Quốc với khoảng 20.000 lượt khách/ngày. Dự báo dịp lễ 30-4 và 1-5 có thể lên đến 80 chuyến bay/ngày đến đảo ngọc.
-
TTO - Ông Nguyễn Ngọc Đông - chủ điểm check-in có bức tượng 'Nữ thần Tự do' ở Sa Pa bị cộng đồng hài hước gọi là ‘phiên bản lỗi’ - cho biết ông như ông bố nghèo khó mãi mới sinh được đứa con trai, cũng mong con ngoan con đẹp, đâu mong con là quỷ sứ.
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận