10/06/2021 08:52 GMT+7

TP.HCM đề xuất giảm thuế VAT do doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19

NHƯ BÌNH - NGỌC HIỂN
NHƯ BÌNH - NGỌC HIỂN

TTO - Hội nghị gặp gỡ lãnh đạo TP.HCM và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tổ chức sáng 10-6, nhằm kịp thời ghi nhận khó khăn và lắng nghe những kiến nghị của doanh nghiệp với 23 đầu cầu khắp TP.

TP.HCM đề xuất giảm thuế VAT do doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp kiến nghị hàng loạt giải pháp đối với lãnh đạo TP.HCM - Ảnh: CTV

Theo báo cáo tổng hợp từ các cơ quan quản lý, từ đầu năm đến nay đã có 1.365 doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19, 42.500 công nhân, người lao động mất việc làm, 410 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để trả lương cho công nhân, 2.274 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, 9.308 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động...

"TP không thể đứng ngoài cuộc"

Ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định sự phát triển của TP không thể tách rời sự phát triển của doanh nghiệp, TP không thể đứng ngoài cuộc.

Ngay từ đầu năm 2021, TP đã chủ động đẩy mạnh các giải pháp xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, với mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Nhiều đề án được xây dựng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của dân.

Thực tế, trước làn sóng dịch COVID-19, kinh tế TP.HCM đã có những tín hiệu khởi sắc. Tuy nhiên từ ngày 27-4, dịch bùng phát trở lại ở TP, xuất hiện nhiều chùm lây bệnh và hiện TP vẫn tiếp tục ghi nhận các trường hợp lây nhiễm gia tăng. Dù không mong muốn, TP phải thực hiện giãn cách xã hội.

"Với nỗ lực lớn đến nay, TP cơ bản đã kiểm soát được đợt lây nhiễm thứ 4. Tuy nhiên, tình hình diễn biến phức tạp, kinh tế TP cũng như cộng đồng doanh nghiệp vẫn bị ảnh hưởng nặng nề", ông Phong cho biết.

TP.HCM đề xuất giảm thuế VAT do doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp dệt may gặp khó do đơn hàng xuất sang các nước châu Âu vẫn chưa phục hồi. Trong ảnh: công nhân sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Việt Thắng Jean (TP.HCM) - Ảnh: NGỌC HIỂN

Kiến nghị xem xét giảm thuế VAT từ 10% xuống 5%

Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai - giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM - 5 tháng đầu năm 2021, có 6.461 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 89,69% so với cùng kỳ 2020. Tổng thu ngân sách nhà nước 174.608,470 tỉ đồng, đạt gần 48% dự toán, tăng 22,8% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, thời gian qua các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, trong đó có 2.458 doanh nghiệp giải thể, tăng 5% và 9.849 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng gần 24% so với cùng kỳ 2020. 

Để tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, TP dự kiến kiến nghị Chính phủ điều chỉnh mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khi doanh nghiệp thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại trong nước; chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu, đề xuất thực hiện một loạt giải pháp hỗ trợ trọng tâm. 

Về tài chính, TP sẽ kiến nghị xem xét giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021, xem xét kéo dài giảm tiền thuê đất đối với doanh nghiệp du lịch 2021; xem xét tiếp tục gia hạn giảm phí thẩm định hồ sơ cấp phép kinh doanh lữ hành và cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch đến hết năm 2021. 

Đồng thời, phối hợp Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất Chính phủ cho phép doanh nghiệp lữ hành được giảm 80% số tiền ký quỹ của doanh nghiệp trong 2 năm.

Đối với lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, xem xét cho phép kéo dài thời gian tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuất, lùi thời hạn đóng kinh phí công đoàn... Tăng mức trợ cấp thất nghiệp từ bằng 60% lên 80% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm.

TP.HCM đề xuất giảm thuế VAT do doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 - Ảnh 3.

Ông Chu Tiến Dũng đề xuất hàng loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh - Ảnh: CTV

"Gói hỗ trợ chưa tác động rõ nét đến doanh nghiệp"

Phát biểu tại hội nghị, ông Chu Tiến Dũng - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) - cho biết vừa qua, HUBA đã khảo sát nhanh trên 100 doanh nghiệp, cho thấy trên 84% các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn do tái dịch lần thứ 4.

Trong đó, thiếu vốn kinh doanh chiếm 40%, thị trường bị ảnh hưởng, thu hẹp chiếm 80%, phải cắt giảm lao động chiếm 52%, bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu chiếm 14%, bị cản trở hoạt động kinh doanh do biện pháp cách ly xã hội phòng dịch chiếm trên 50%. 

Theo ông Dũng, áp lực lớn nhất với doanh nghiệp hiện nay là thiếu vốn và giá nguyên liệu tăng chưa biết điểm dừng, chi phí sản xuất tăng cao làm sức cạnh tranh thị trường giảm. Gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động lần thứ nhất tuy kịp thời nhưng thực thi "chưa có tác động rõ nét đến doanh nghiệp, mức độ hấp thụ của doanh nghiệp rất thấp".  

Để hỗ trợ doanh nghiệp, theo ông Dũng, cần triển khai nhanh các gói hỗ trợ Chính phủ ban hành theo nghị định 52, đồng thời cần khắc phục các rào cản các gói hỗ trợ an sinh xã hội do Bộ LĐ-TB&XH ban hành. 

Ngân hàng tiếp tục xem xét nới lỏng thêm các điều kiện khoanh nợ, giãn nợ, điều chỉnh giảm lãi suất nợ cũ và xem xét cho vay mới theo lãi suất ưu đãi, khuyến khích ngân hàng cho vay bằng hình thức tín chấp đối với một số ngành khó khăn do dịch bệnh.

Theo ông Dũng, cần có gói hỗ trợ riêng, đặc thù cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, phải ngừng sản xuất như ngành du lịch, dịch vụ. Bên cạnh đó, cần sớm ban hành gói hỗ trợ riêng của TP. 

Lo dịch bùng phát trong khu công nghiệp

Theo ông Trần Việt Anh - chủ tịch công ty Nam Thái Sơn, phó chủ tịch HUBA - kinh nghiệm từ Bắc Ninh và Bắc Giang cho thấy các khu công nghiệp rất đáng lo ngại, cần phải có sự chuẩn bị để tránh bùng phát dịch. Do đó, cần ưu tiên tiêm vắc xin cho cộng đồng doanh nghiệp ở khu công nghiệp.

Chủ tịch HUBA cũng kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế, kế hoạch và lộ trình thật cụ thể cho công nhân, người lao động và tạo điều kiện và hướng dẫn các doanh nghiệp có điều kiện có thể chủ động mua sớm vắc xin tiêm phòng cho công nhân của mình.

Kịch bản tăng trưởng nào cho kinh tế TP?

Theo ông Trần Hoàng Ngân - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - các tổ chức tài chính quốc tế đều dự báo kinh tế thế giới năm nay sẽ đạt mức tăng trưởng 5,6-6%. Tại Việt Nam, dù dịch bệnh đang hoành hành nhưng vẫn được đánh giá lạc quan.

"Tôi có tiếp cận các doanh nghiệp dệt may, nhiều đơn vị cho biết các đơn hàng may mặc đang dồn dập từ đây đến cuối năm, không lo thiếu đơn hàng chỉ lo thiếu công nhân vì dịch", ông Ngân nói.

Đối với TP.HCM, ông Ngân đã đưa ra các kịch bản phát triển khác nhau trong năm 2021. Theo đó, kịch bản thấp là đến tháng 8-2021, TP mới kiểm soát được dịch, lúc này tăng trưởng kinh tế của TP 9 tháng đầu năm sẽ đạt 5,02% so với cùng kỳ, đưa tăng trưởng kinh tế TP cả năm 4,9%.

Với kịch bản trung bình, nếu khả năng kiểm soát được dịch trong tháng 7 thì dự báo kinh tế TP 5,26% và cả năm tăng trưởng gần 5,53%. Kịch bản tốt nhất là TP kiểm soát dịch thành công trong tháng 6.

Tuy nhiên, ông Ngân khẳng định dù ở mức tăng trưởng nào cũng cần điều kiện triển khai được việc tiêm vắc xin COVID-19 trên diện rộng trong năm và quý 1-2022.

Doanh nghiệp muốn Chính phủ tiếp tục giảm thuế, tăng cường gói hỗ trợ Doanh nghiệp muốn Chính phủ tiếp tục giảm thuế, tăng cường gói hỗ trợ

TTO - Tốc độ tăng trưởng doanh thu kép (CAGR) của khu vực kinh tế tư nhân đạt mức trung bình cao nhất và để tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định, hoạt động tốt hơn sau đại dịch, họ cần được hỗ trợ giảm thuế, lãi suất tín dụng...

NHƯ BÌNH - NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên