29/08/2024 12:19 GMT+7

Chống dịch sởi ở TP.HCM, bệnh viện dồn hết nguồn lực cứu sống bệnh nhi

Hiện đang trong dịch sởi, mùa bệnh sốt xuất huyết nhưng Bệnh viện Nhi đồng 1 lại đang thiếu những loại thuốc cấp cứu cho trẻ, trong đó có trẻ mắc bệnh sởi, sốt xuất huyết nặng như thuốc Dopamine…

TP.HCM: Chống dịch sởi, bệnh viện than thiếu thuốc cấp cứu những ca nặng - Ảnh 1.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương làm trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra công tác phòng, chống dịch sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 - Ảnh: HỮU HẠNH

Sáng 29-8, đoàn Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương làm trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra công tác phòng, chống dịch sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM).

Báo cáo với Bộ Y tế, TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh - phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cho biết từ tháng 6-2024, số ca nội trú do sởi nhập viện tăng rất cao, cao nhất là từ đầu tháng 8-2024.

Bệnh viện ghi nhận 368 trường hợp nhập viện, trong đó có hơn 11% là ca nặng phải nằm phòng hồi sức. 

Đáng nói trẻ có địa chỉ tại TP.HCM chiếm 34%, còn lại hơn 65% từ các tỉnh khác chuyển đến.

Theo bác sĩ Minh, từ đầu mùa dịch sởi từ tháng 6-2024 có đến 42 bệnh nặng, bệnh nhân ở tỉnh chiếm 73%. 

Đáng lo tỉ lệ chích ngừa đủ 2 mũi ở những bệnh nhi bị nặng là 0%, chưa chích ngừa đủ là 85%.

Trong 42 bệnh nhân nặng là có 28% thở máy, có bệnh nền là 60% bệnh viện.

Rất nhiều ca bệnh viện dồn hết nguồn lực cứu sống bệnh nhi.

TP.HCM: Chống dịch sởi, bệnh viện than thiếu thuốc cấp cứu những ca nặng - Ảnh 3.

TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 - báo cáo với Bộ Y tế - Ảnh: HỮU HẠNH

Bác sĩ Minh cho biết thêm với hoạt động thu dung, điều trị, bệnh viện đã lập kế hoạch ngay từ đầu năm như: lên phương án chi tiết cho tất cả các tình huống, chuẩn bị dự trù nhân sự, thuốc, vật tư…

Đồng thời phân luồng các bệnh nhi có triệu chứng sốt, ho sẽ được đưa vào khu vực khám sàng lọc sởi, nếu suy hô hấp lập tức được đưa vào phòng cách ly ở khoa cấp cứu, khu điều trị nhiễm riêng biệt…

"Bây giờ IVIG (immunoglobulin therapy) còn nhưng không biết trong thời gian tới khi dịch bệnh lan rộng hơn hoặc có những bệnh dịch khác như tay chân miệng thì nguồn cung có thể tiếp tục ổn định hay không.

Đặc biệt là các thuốc cấp cứu, lúc nào các bệnh dịch cũng rất cần. Hiện giờ tại bệnh viện đang khó khăn, không có một số thuốc cấp cứu trong điều trị sốt xuất huyết, kể cả sởi, tay chân miệng như thuốc Dopamine.

Chúng tôi phải tìm một thuốc thay thế, dĩ nhiên không thể nào hiệu quả 100% như Dopamine được. Bộ Y tế cần hỗ trợ không chỉ cho Bệnh viện Nhi đồng 1, mà cho tất cả các bệnh viện trong cả nước để có nguồn thuốc chống dịch, thuốc cấp cứu ổn định", bác sĩ Minh nói.

Do vậy, ông Minh đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ đảm bảo nguồn cung ổn định vật tư, thuốc chống dịch (IVIG), thuốc cấp cứu (Dopamine)…

Đồng thời tiếp tục tăng cường năng lực tuyến trước, hạn chế chuyển tuyến. Cập nhật các phác đồ sởi (Bộ Y tế) từ năm 2014 cụ thể hơn một số nội dung nhằm đáp ứng thực tế lâm sàng.

TP.HCM: Chống dịch sởi, bệnh viện than thiếu thuốc cấp cứu những ca nặng - Ảnh 4.

PGS.TS Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - Ảnh: HỮU HẠNH

PGS.TS Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết tỉ lệ trẻ có kháng thể phòng bệnh sởi từ tháng 9-2022 đến tháng 4-2024 luôn thấp dưới 95%. Mẫu khảo sát mới nhất của Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) chỉ có 71% trẻ kháng thể phòng sởi.

Cuối năm 2023 tỉ lệ kháng thể từ 44% đến 59%, cộng với hậu quả do COVID-19 nên ngành y tế rất lo và đã chủ động nhiều giải pháp để phòng chống dịch sởi, trong đó có tiêm vắc xin cho trẻ.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết khi nhận thông tin TP.HCM công bố dịch thì Bộ Y tế lập đoàn vào TP để kiểm tra công tác phòng, chống dịch sởi.

Chiều nay, Bộ Y tế sẽ tiếp tục có buổi làm việc với UBND TP.HCM về công tác phòng chống dịch sởi.

TP.HCM đã công bố dịch sởi

Trước đó ngày 27-8, UBND TP.HCM đã chính thức công bố dịch sởi trên toàn thành phố trước bối cảnh ca sởi tăng nhanh và đã có ba trẻ tử vong vì sởi.

Theo quyết định của UBND TP.HCM, thời gian xảy ra dịch là tháng 8-2024 với quy mô toàn thành phố, nguyên nhân do vi rút sởi gây ra.

Thành phố sẽ thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin bổ sung sởi - rubella không kể tiền sử tiêm chủng vắc xin này trước đó cho tất cả trẻ từ 1 - 5 tuổi đang sống tại thành phố.

Đồng thời tổ chức thu dung, điều trị, chăm sóc, cách ly y tế và kiểm soát dịch tại cộng đồng theo đúng các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.

TP.HCM: Chống dịch sởi, bệnh viện than thiếu thuốc cấp cứu những ca nặng - Ảnh 4.Dồn lực tiêm vắc xin để dập dịch sởi

Ngày 28-8, ngay sau khi UBND TP.HCM công bố dịch sởi trên toàn địa bàn thành phố, người dân đã đưa con đi tiêm vắc-xin sởi với mong muốn bảo vệ sức khỏe cho con em mình, và góp phần cùng thành phố nhanh chóng khống chế dịch bệnh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên