Phóng to |
Ông Ahmadinejad dự kiến sẽ gặp Tổng thống Venezuela Hugo Chavez trong chặng dừng chân đầu tiên của chuyến công du năm ngày. Chuyến thăm của ông Ahmadinejad đến Venezuela đáng lý đã diễn ra vào tháng 9-2011 nhưng bị hoãn lại do Tổng thống Chavez điều trị ung thư. Ông Chavez đã tuyên bố mình hết bệnh. Ngày 10-1, ông Ahmadinejad sẽ dự lễ nhậm chức của nhà lãnh đạo vừa đắc cử của Nicaragua Daniel Ortega. Ông cũng sẽ tới Cuba và Ecuador. Đây là chuyến đi thứ 2 của ông Ahmadinejad tới Ecuador kể từ khi dự lễ nhậm chức của Tổng thống Rafael Correa năm 2007.
Như vậy cả bốn nước tổng thống Iran tới đều có mối quan hệ ngoại giao đang ở tình trạng băng giá với Mỹ, và các nhà lãnh đạo của bốn nước này cũng đã liên tục tới Iran để tăng cường ngoại giao và hợp tác kinh tế khi quan hệ với chính quyền Mỹ xấu đi.
Cố vấn các vấn đề quốc tế của Tổng thống Ahmadinejad, ông Mohammad Reza Forqani, cho biết chuyến thăm tới “nơi từng là sân sau của Mỹ cho thấy sự năng động của ngoại giao Iran trên trường quốc tế”, và khiến “những tuyên bố của các kẻ thù trở nên vô hiệu”. Tháp tùng chuyến công du của tổng thống Iran sẽ có các lãnh đạo của bộ ngoại giao, thương mại, mỏ và năng lượng. Tổng thống Ahmadinejad dự kiến thảo luận về “quan hệ song phương và các vấn đề khu vực và quốc tế”.
Mỹ đã lên tiếng thúc giục các nước Mỹ Latin không nên thắt chặt hơn quan hệ với Iran. "Chế độ Iran đang cảm thấy áp lực lớn và cần có bạn, đang đi khắp nơi để kiếm bạn mới” - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói khi được hỏi về chuyến công du của ông Ahmadinejad.
Đáng chú ý chuyến thăm lần này của Iran tới Brazil, nền kinh tế lớn của khu vực. Chuyên gia về vấn đề Mỹ Latin ở ĐH Brasillia cho rằng điều đó chứng tỏ Tổng thống Dilma Rousseff đang có cách tiếp cận mềm dẻo hơn với người tiền nhiệm Luiz Inacio Lula da Silva về vấn đề Iran.
Cơ quan thanh sát hạt nhân của LHQ tháng 11-2011 đã đưa ra báo cáo về quan ngại lớn đối với chương trình hạt nhân của Iran, dù chính phủ nước này khẳng định đó là báo cáo “cổ lỗ sĩ”. Liên minh châu Âu (EU) hi vọng sẽ thực hiện được cấm vận dầu khí với Iran vào cuối tháng 1-2011, và tìm nguồn cung thay thế cho các nước đang phụ thuộc vào dầu nhập khẩu từ Iran.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận