Tuy nhiên, trái với sự trông đợi của dư luận, kết quả của thượng đỉnh Mỹ - Hàn lần này lại cho thấy những tính toán thận trọng từ cả hai phía.
Trong đó, dường như cả hai nước đều cùng hướng đến mục tiêu tận dụng lợi thế của bên còn lại trong thế trận phòng vệ mới mà mỗi bên đều có quyền chủ động riêng biệt.
Ba điểm thận trọng của Seoul
Thứ nhất, Hàn Quốc hợp tác có giới hạn trong việc chia sẻ "chiếc ô hạt nhân" của Mỹ. Trong đó, sự chia sẻ này chỉ bao gồm: (i) việc thiết lập nhóm tham vấn hạt nhân (NCG) để chia sẻ sâu hơn các thông tin tình báo về năng lực hạt nhân của Triều Tiên cũng như chương trình hạt nhân của Mỹ,
(ii) tăng cường các khóa đào tạo cho quân đội Hàn Quốc về những phương án răn đe hạt nhân cũng như mô hình tích hợp giữa lực lượng thông thường và lực lượng hạt nhân, và (iii) tiếp nhận việc triển khai luân phiên các nền tảng có năng lực hạt nhân của Mỹ đến Hàn Quốc.
Mỹ - Hàn đều cam kết sẽ tuân thủ Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), và ông Yoon trước đó cũng đã rút lại đề nghị "hạt nhân hóa" Hàn Quốc của mình. Phía Mỹ cũng khẳng định sẽ không triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật nào đến bán đảo Triều Tiên.
Thứ hai, Hàn Quốc vẫn duy trì hỗ trợ vũ khí phòng thủ gián tiếp cho Ukraine thông qua các quốc gia láng giềng của nước này. Ngay trước chuyến thăm Mỹ, phía Hàn Quốc vào tháng 3-2023 đã xác nhận phê duyệt việc cho phép Ba Lan được cung cấp cho Ukraine các khẩu lựu pháo Krab tiêu chuẩn NATO được gia công bởi nhiều linh kiện từ Hàn Quốc.
Đến giữa tháng 4, Hàn Quốc tiếp tục xuất khẩu đạn súng máy, đạn xe tăng chiến đấu và giáp phản ứng nổ sang Ba Lan đi kèm với nhiều khí tài bộ binh đã chuyển đến theo thỏa thuận từ trước.
Đây là động thái được đánh giá là khéo léo, trong bối cảnh Hàn Quốc vừa muốn tranh thủ được thiện cảm với Mỹ, đồng thời vẫn giữ lập trường không cung cấp trực tiếp vũ khí sát thương cho Ukraine.
Điều này nhằm giữ quan hệ với cả Nga và cả sự "mơ hồ chiến lược" nổi tiếng của Hàn Quốc đối với Trung Quốc.
Thứ ba, Hàn Quốc đẩy mạnh đầu tư công nghệ cao những lĩnh vực có lợi thế so sánh trên lãnh thổ Mỹ nhưng giữ lại các công nghệ cốt lõi.
Ví dụ, gói đầu tư lớn nhất của Tập đoàn Samsung được tăng từ 17 tỉ lên đến 25 tỉ USD vào nhà máy sản xuất linh kiện bán dẫn ở thành phố Taylor thuộc tiểu bang Texas (Mỹ) nhưng thực tế lại chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với tổng gói đầu tư gần 230 tỉ USD của tập đoàn này tại Hàn Quốc.
Ngoài ra, công nghệ mà Samsung chia sẻ cho nhà máy ở Mỹ chỉ có thể sản xuất chip 4 nanomet trong khi tập đoàn này đã sản xuất thương mại được chip 3 nanomet tiên tiến hơn từ tháng 6-2022.
Tính toán của ông Biden
Sự thận trọng trong chuyến thăm Mỹ của ông Yoon không chỉ đến từ phía Hàn Quốc, mà còn từ chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Việc không nhắc gì đến kế hoạch triển khai thêm một tổ hợp tên lửa phòng thủ tầm cao THAAD, đồng thời liên tục nhấn mạnh sự từ chối để Hàn Quốc gia nhập khối đồng minh Tứ giác kim cương (QUAD) trước đó là những chỉ dấu quan trọng cho thấy lập trường của Mỹ không muốn leo thang hơn nữa căng thẳng với trục Nga - Trung.
Không chỉ vậy, trong Tuyên bố Washington, vấn đề hợp tác về linh kiện bán dẫn vốn có liên quan đến chiến lược "phân tách" giữa Mỹ với hệ sinh thái bán dẫn ở Đông Á gắn kết với Trung Quốc đã được ông Biden khéo léo gia giảm xuống thành đối thoại thương mại và chuỗi cung ứng Mỹ - Hàn Quốc (SCCD).
Động thái này né tránh hoàn toàn việc nhắc đến liên minh Chip 4 giữa Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan vốn mang tính đối trọng với Trung Quốc rõ nét. Ngay cả trong buổi họp báo sau cuộc gặp thượng đỉnh, ông Biden thậm chí còn nhấn mạnh cụm từ "không phải về Trung Quốc", "không quan tâm đến Trung Quốc".
Tuy nhiên, phía Mỹ đã khéo léo phát triển trục Mỹ - Hàn thành hình mẫu đi đầu trong các sáng kiến do Mỹ điều phối như Đối tác An ninh khoáng sản (MSP), Đối thoại Chính sách năng lượng (EPD), Đối thoại Không gian dân sự (CSD), Đối thoại An ninh không gian (SSD).
Cùng với sự hiện thực hóa các dự án Hành lang vận tải biển xanh Mỹ - Hàn, Nhóm công tác hợp tác khu vực (RCWG)… nhằm phối hợp chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của mỗi nước cả về nhận thức hàng hải lẫn hợp tác quốc phòng, có thể thấy chính quyền Biden đã kiện toàn được trục hợp tác đa lĩnh vực theo trọng tâm hàng hải với Hàn Quốc.
Kết hợp cùng các con số lên đến 100 tỉ USD đầu tư và 40.000 việc làm được các công ty Hàn Quốc tạo mới ở Mỹ dưới thời ông Biden, có thể thấy cả phía Mỹ lẫn Hàn Quốc đều đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận sau chuyến thăm lần này.
Sự thận trọng bao trùm có định hướng "kinh tế hóa" đã giúp giảm thiểu sự phát triển "quân sự hóa" quá mức liên minh Mỹ - Hàn, tạo nên chỉ dấu quan trọng thế trận ổn định chiến lược mà cả hai bên đều mong muốn củng cố ở khu vực Đông Bắc Á nói riêng và trên thế giới nói chung.
Kêu gọi đẩy mạnh hợp tác Mỹ - Nhật - Hàn
Phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào ngày 27-4 (giờ địa phương), Tổng thống Yoon Suk Yeol khẳng định mối quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn bắt đầu 70 năm qua đang "mạnh hơn bao giờ hết".
Cũng trong bài phát biểu, ông Yoon kêu gọi đẩy mạnh hợp tác ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc để đối phó với mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên. Trước đó, trong cuộc gặp giữa ông Yoon và người đồng cấp Mỹ Joe Biden, cả hai đã cảnh báo Triều Tiên sẽ đối mặt với hậu quả thảm khốc nếu sử dụng vũ khí hạt nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận