01/09/2016 06:58 GMT+7

​Tổng thống Brazil bị phế truất

M. TRUNG
M. TRUNG

TTO - Thượng viện Brazil ngày 31-8 đã quyết định phế truất tổng thống Dilma Rousseff, chấm dứt quá trình luận tội dài hơi vốn gây chia rẽ quốc gia lớn nhất Mỹ Latin.

Bà Dilma Rousseff tươi cười trong một cuộc họp báo tháng 10 - 2014 sau khi nhận được kết quả bầu cử thắng lợi - ảnh: Reuters

Theo Reuters, với kết quả 61 phiếu thuận và 21 phiếu chống, Thượng viện Brazil chính thức kết tội “vi phạm luật ngân sách” đối với tổng thống Dilma Rousseff. Việc bà Rousseff ra đi cũng chấm dứt 13 năm cầm quyền của Đảng Công nhân Brazil.

Trong một động thái khá bất ngờ, Thượng viện Brazil bỏ phiếu với tỉ lệ 42-36 cho phép bà Rousseff giữ lại quyền tham gia chính trị - trái ngược với quy định một tổng thống bị bãi nhiệm sẽ không thể tham gia chính trường trong tám năm.

Điều này cho thấy một số thượng nghị sĩ Brazil vẫn còn cảm thấy “lăn tăn” về quyết định kết tội bà Rousseff.

Các đối thủ của cựu tổng thống Rousseff hoan nghênh quyết định phế truất bà này và cho rằng nó sẽ thay đổi vận mệnh của Brazil.

Tuy nhiên, người kế nhiệm bà Rousseff - phó tổng thống Michel Temer – kế thừa một đất nước bị chia rẽ sâu sắc, trong đó cử tri chẳng còn tâm trạng nào ủng hộ các biện pháp thắt lưng buộc bụng để cứu lấy công quỹ.

Chỉ mới cách đây vài năm, kinh tế Brazil phát triển bùng nổ và vị thế trên trường quốc tế cũng theo đó vươn lên. Nhưng sau đó kinh tế nước này lại lâm vào cuộc suy thoái chưa từng có trong nhiều thập kỉ, trong khi vụ tham nhũng ở tập đoàn dầu khí nhà nước Petrobras làm tan nát uy tín của liên minh cầm quyền.

Ông Temer, người sẽ dẫn dắt Brazil ở cương vị tổng thống đến cuối 2018, khả năng sẽ phải đối mặt với thái độ tẩy chay từ Đảng Công nhân cả trong quốc hội lẫn ngoài đường phố về kế hoạch tư nhân hóa và cải tổ luật hưu trí, phúc lợi xã hội.

Về phần mình, bà Rousseff vẫn một mực khẳng định mình vô tội và cho rằng hành động phế truất của quốc hội là “một cuộc đảo chính” được tầng lớp tinh hoa kinh tế chống lưng, những người muốn hủy bỏ các chương trình xã hội giúp hàng triệu người Brazil thoát nghèo.

“Họ nghĩ đã đánh bại chúng tôi nhưng họ đã lầm. Tôi sẽ không nói lời tạm biệt các bạn bây giờ. Tôi chắc chắn mình có thể nói: Hẹn sớm gặp lại các bạn” – bà Rousseff khẳng định.

Việc Đảng Công nhân Brazil mất quyền lực cũng khiến nhiều chính phủ cánh tả ở Mỹ Latin phản ứng giận dữ. Venezuela, Bolivia, Ecuador… tuyên bố sẽ triệu hồi đại sứ về nước, trong khi Cuba gọi việc phế truất tổng thống Rousseff là đòn tấn công của “chủ nghĩa đế quốc chống lại các chính phủ tiến bộ của Mỹ Latin”

Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố tự tin rằng quan hệ song phương với Brazil sẽ tiếp tục mạnh mẽ, và các cơ quan dân chủ của nước này đã hành động đúng theo khuôn khổ của hiến pháp.

M. TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên