Theo báo cáo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, năm 2021 tổng số tiền thu tăng 121% so với dự toán nhưng chỉ đạt 99% so với năm 2020.
Tại Hội nghị Ban chấp hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ 11 (khóa XII), ngày 14-7, ông Nguyễn Minh Dũng, trưởng ban tài chính Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết hai cấp công đoàn cơ sở và công đoàn cấp quận, huyện và công đoàn ngành đều tăng chi để chăm lo cho đoàn viên người lao động trong bối cảnh ảnh hưởng của COVID-19.
Cụ thể, cấp công đoàn cơ sở chi 12.810 tỉ đồng (tương ứng 123% so với dự toán năm 2021), công đoàn cấp quận, huyện và tương đương là 3.157 tỉ đồng (111% dự toán năm 2021 và 160% so với năm 2020).
"Hai cấp đều tăng chi do liên quan đến chăm lo cho đoàn viên người lao động trong bối cảnh ảnh hưởng của COVID-19. Trong khi, tổng số tiền thu trong năm 2021 tăng 121% so với dự toán nhưng chỉ đạt 99% so với năm 2020", ông Dũng nói.
Để hạn chế tác động của đại dịch, các cấp công đoàn đã đẩy mạnh chi tiền chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động thông qua gói hỗ trợ người lao động bị tử vong, nhiễm, cách ly, phong tỏa, giãn việc, mất việc do COVID-19; tăng cường dinh dưỡng cho lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch; tặng sổ tiết kiệm công đoàn cho con công nhân lao động bị mồ côi do COVID-19…
Để đảm bảo cân đối quỹ công đoàn, năm 2022, các đơn vị đã xây dựng kế hoạch tăng thu công đoàn phí. Dự toán toàn quốc 4.854 tỉ đồng, số này tương đương 115% so với dự toán năm 2021. Tính rộng ra tổng các khoản thu của Công đoàn Việt Nam dự kiến là 12.495 tỉ đồng (tương ứng với 113% so với dự toán năm 2021).
Báo cáo kết luận hội nghị, ông Trần Thanh Hải, phó chủ tịch thường trực Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, chia sẻ tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn diễn ra dù Công đoàn và Bảo hiểm xã hội tích cực tuyên truyền.
Ông Hải nêu rõ, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã nhiều lần ý kiến với các cơ quan chức năng để hạn chế vấn đề này. Về lâu dài, Công đoàn Việt Nam đề nghị công đoàn tỉnh, ngành vào cuộc để người lao động hiểu được chính sách an sinh xã hội của Nhà nước đảm bảo quyền lợi cho chính người lao động khi về hưu có thêm thu nhập.
Ông Trần Thanh Hải cũng cho ý kiến về nhận định chăm lo Tết Nhâm Dần 2022 được đầu tư lớn nhưng so với cùng kỳ thì số lượng người và số tiền chăm lo thấp hơn. Dịp Tết Nhâm Dần 2022, các cấp công đoàn chăm lo cho hơn 9 triệu đoàn viên lao động với số tiền 5.850 tỉ đồng, giảm 786 tỉ đồng so với Tết Tân Sửu 2021.
Phó chủ tịch thường trực Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng cần chỉ rõ nguyên nhân, vì Công đoàn đã nỗ lực chăm lo cho người lao động và đặt câu hỏi "phải chăng doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch nên kinh phí chăm lo hỗ trợ cũng thấp hơn?".
Tại hội nghị, ông Trần Thanh Hải cũng nêu ý kiến về việc đấu thầu mua sắm các gói an sinh chăm lo cho đoàn viên lao động còn khó khăn, giám sát doanh nghiệp thực hiện nghị định tăng lương tối thiểu vùng, không dùng kinh phí công đoàn để chi phụ cấp cho cán bộ công đoàn...
Về kiến nghị cho rằng nhiều sáng kiến khó định lượng trong chương trình "1 triệu sáng kiến", nhất là khối doanh nghiệp FDI thường có cải tiến làm lợi hàng trăm tỉ đồng nhưng không được công bố do yêu cầu bí mật công nghệ, Đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ghi nhận, tiếp thu để có hình thức khen thưởng kịp thời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận