14/02/2022 09:20 GMT+7

Tổng lãnh sự Canada 'mách nước' cho các bạn trẻ

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TTO - Buổi trò chuyện của chúng tôi ở một quán cà phê sát bờ sông Sài Gòn, thỉnh thoảng cả hai dừng lại để tán gẫu về đàn cá, một chiếc thuyền nhỏ đang rẽ sóng yên bình lướt qua.

Tổng lãnh sự Canada mách nước cho các bạn trẻ - Ảnh 1.

Ông Behzad Babakhani tâm sự với Tuổi Trẻ về tuổi trẻ - Ảnh: GIA HOÀNG

"Vài tháng trước thôi, thật khó để hình dung chúng ta có những khoảnh khắc sum vầy này", ông Behzad Babakhani (tổng lãnh sự Canada tại TP.HCM) mở đầu câu chuyện.

* Sau hơn một năm sống ở Việt Nam và chứng kiến những thăng trầm do COVID-19, ông có những suy nghĩ gì?

- Tháng 11-2020, tôi chính thức nhận vị trí mới tại Việt Nam. Có thể nói đây là một giai đoạn, nhiệm kỳ vô cùng đặc biệt vì đại dịch. Mọi thứ trở nên thử thách hơn khi hầu hết mọi người đều chuyển qua hình thức làm việc từ xa. 

Công việc của tôi lại khá đặc thù và nhạy cảm nên lúc đầu cũng gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, người lãnh đạo không chỉ làm chuyên môn mà còn phải chăm sóc tinh thần, hỗ trợ nhân sự của mình… trong khi những hành động đơn giản như cái bắt tay, choàng vai lúc đó vốn đã là điều xa xỉ.

Nhưng tôi nhận thấy cuối cùng chúng ta cũng nhanh chóng điều chỉnh và thích nghi, vượt qua với những giải pháp hiệu quả.

Dĩ nhiên chúng ta không thể quên được những mặt tiêu cực, bi thảm của đại dịch nhưng ở một góc độ khác, đại dịch cũng đem lại nhiều bài học giá trị cho mỗi người.

* Ông có thể chia sẻ thêm?

- Chẳng hạn hệ thống y tế, công nghệ, thuốc men… đã được cải thiện đáng kể, thậm chí có những cái vượt xa mong đợi ban đầu.

Kế đến, cả gia đình chúng tôi đều có thời gian nhiều hơn dành cho nhau.

Chúng ta dần có ý thức và tâm thế luôn chuẩn bị cho những thay đổi lớn.

* Vậy theo ông, những kỹ năng cần thiết mà giới trẻ cần có trong các giai đoạn đầy biến động như đại dịch vừa qua?

- Tôi không phải là chuyên gia nhân sự nên những chia sẻ chỉ mang góc nhìn cá nhân. 

Nhưng tôi nghĩ các bạn trẻ cần phải có khả năng làm việc độc lập, thích nghi, hòa nhập nhanh bởi mọi thứ luôn thay đổi rất nhanh, cần học cách dùng thành thạo các thiết bị online và hãy luôn nghĩ một bước xa hơn…

Sự phát triển của công nghệ đem lại cho các bạn trẻ nhiều cơ hội hơn nhưng đồng thời cũng nhiều căng thẳng hơn so với những thế hệ trước đây. 

Các bạn có thể ngồi ở Việt Nam nhưng làm việc cho công ty ở Canada, nhưng ngược lại các bạn cũng phải cạnh tranh việc làm với những lao động đang ngồi ở Ấn Độ, Trung Quốc... Đây cũng là điều tôi thường hay nhắn nhủ với con mình.

Một điểm tôi muốn đề cập nữa là các bạn trẻ hãy tận dụng tối đa công nghệ phục vụ sự học. Giáo dục là "chìa khóa" để chúng ta có cuộc sống tốt hơn, công việc tốt hơn. 

Như đứa con gái 14 tuổi của tôi thích báo chí và con hiện theo học một khóa báo chí do trường đại học tại thành phố New York (Mỹ) giảng dạy, trong lớp đó có những bạn trẻ đến từ Iran, Nigeria…

Hiện có rất nhiều khóa học miễn phí trên mạng nhưng có một điểm bất lợi là các khóa đó đa số bằng tiếng Anh.

* Ông có ấn tượng gì về giới trẻ Việt?

- Tôi có hai đứa con đang ở độ tuổi thanh thiếu niên đang học tại TP.HCM nên tôi nghe các con kể khá nhiều về những bạn học người Việt. Trong mắt con tôi, giới trẻ Việt ham học hỏi, năng động và trân trọng các giá trị gia đình.

Có một câu chuyện vui mà con tôi kể lại. Khi một cô giáo của lớp con tôi nói là học sinh nào có thắc mắc về bài giảng thì có thể quay lại lớp vào giờ nghỉ trưa để hỏi, khi con tôi đến thì nó nghĩ sẽ chỉ có mỗi mình con thôi, nào ngờ có đến gần 80% số học sinh lớp có mặt. Tôi nghĩ đó là hình ảnh sẽ khó bắt gặp ở Canada.

Cá nhân tôi rất ấn tượng với nhiều bạn trẻ Việt bởi họ nói tiếng Anh xuất sắc dù chưa từng đặt chân ra nước ngoài.

* Ông nghĩ gì khi văn hóa Á Đông luôn quan điểm thất bại là điều tuyệt đối phải tránh?

- Tôi không nghĩ đó là vấn đề của các quốc gia Á Đông, nhiều quốc gia phương Tây cũng có khuynh hướng thích nói và nghe những câu chuyện thành công hơn. 

Vấn đề là hầu hết những câu chuyện đó thường chỉ được kể một phần, hiếm khi trọn vẹn. Khi nghe một câu chuyện, chúng ta nên tiếp cận, tìm hiểu từ nhiều chiều để có thông tin chính xác nhất.

Sự thật là chúng ta khó thể thành công nếu chưa từng trải qua thất bại. Cá nhân tôi nghĩ nói về thất bại là điều vô cùng cần thiết, để giới trẻ biết là không có "quả ngọt" nào dễ đạt được, từ đó biết trân quý mọi thứ hơn.

* Vậy ông có ngại chia sẻ về thất bại?

- Trước tiên, tôi muốn nói là có sự khác nhau giữa lầm lỗi và thất bại. Sai lầm thường đến từ bên trong, còn thất bại lại thường có sự tác động ngoại cảnh. 

Dĩ nhiên chúng ta có thể học được từ cả hai, nhưng nhận thức được đâu là sai lầm của bản thân rất quan trọng vì thừa nhận sai lầm là điều khó vô cùng. Không nhận ra sai lầm thì chúng ta dễ phạm lỗi lần nữa hoặc có khuynh hướng đổ lỗi cho người khác.

Nói về câu chuyện của bản thân, tôi muốn mượn bộ CV (hồ sơ ứng tuyển) của mình. 

Nếu nhìn vào sự hào nhoáng trong đó với những vị trí lãnh đạo hay quản lý, việc tốt nghiệp từ những ngôi trường danh tiếng nhất… hầu hết mọi người đều sẽ nghĩ tôi là một người luôn dễ dàng đạt được điều mình muốn. Nhưng sự thật không phải vậy.

Ít ai biết thời tốt nghiệp trường luật, tôi nộp đơn vào gần 200 nơi nhưng chẳng nhận được bất cứ cái gật đầu nào. 

Hay ngay cả giai đoạn sau đó, khi tôi đã có sự nghiệp tốt, giải thưởng danh giá… nhưng chẳng qua tôi muốn "thử lửa" ở các vị trí thử thách hơn trong chính quyền thì sau 28 bộ hồ sơ, tôi chỉ nhận được một lời đề nghị duy nhất! 

Các thông tin này tôi không bỏ vào CV nhưng đó là những điều tôi nghĩ giới trẻ cần biết. Tôi thậm chí cũng nói câu chuyện này với hai đứa con của mình.

Thất bại không xấu vì cuộc sống chẳng phải lúc nào cũng đúng hoặc sai tuyệt đối, sẽ có những lúc liên quan yếu tố phù hợp hay chưa phù hợp. Điều quan trọng là chúng ta học được gì từ chúng, và có trưởng thành hơn không.

Ông Behzad Babakhani tốt nghiệp cử nhân khoa học tại ngôi trường danh tiếng hàng đầu Canada là ĐH McGill, sau đó ông lấy thêm bằng cử nhân luật tại ĐH Manitoba.

Ông từng làm việc ở Bộ Ngoại giao và thương mại quốc tế Canada, Văn phòng Hội đồng cơ mật (lực lượng đặc nhiệm Afghanistan), các cơ quan đại diện ngoại giao của Canada tại Hàn Quốc, Malaysia, Mexico… trước khi chính thức trở thành tổng lãnh sự Canada tại TP.HCM vào cuối năm 2020.

Canada là Canada là 'cửa ngõ' để Việt Nam tiếp cận thị trường Bắc Mỹ

TTO - Với Hiệp định CPTPP, theo phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Nguyễn Hữu Nghiệp, Canada là 'một cửa ngõ' để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Bắc Mỹ, giúp phát triển kinh tế và thương mại của Việt Nam, bao gồm cả TP.HCM.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên