Chiều 9-1, phiên tòa xét xử hai cựu bộ trưởng cùng 36 người trong vụ án Việt Á tiếp tục phần tranh luận, các bị cáo tự bào chữa, viện kiểm sát đưa ra quan điểm đối đáp.
Tổng giám đốc Việt Á: "Nếu không sai phạm không thể đóng góp"
Bị cáo Phan Quốc Việt, cựu tổng giám đốc Việt Á, là một trong số ít bị cáo giơ tay xin được tự bào chữa trước tòa.
Đứng trước bục khai báo, Phan Quốc Việt thừa nhận sai phạm, nói "án xuất phát từ tôi mà ra" và cho hay bản thân hai năm trực tiếp tham gia chống dịch nhưng có nhiều điều mọi người chưa biết.
Nói về quá trình tham gia chống dịch ở Hải Dương, bị cáo Việt cho biết thời điểm xảy ra dịch, Bộ Y tế đã cử năm đội quân về địa phương này chống dịch, tính cả Việt Á là sáu.
Lúc này, bị cáo gặp cựu bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng và hứa sẽ dập dịch trong hai tuần. Sau đó trong bốn tuần đã khống chế, dập dịch thành công.
Bị cáo nói nhớ mãi câu nói của ông Thăng: "Anh phê bình chú, vì nếu anh gặp chú sớm hơn tầm 10 ngày thôi để anh đỡ vất vả như thế này", Việt nhắc lại câu nói của cựu bí thư Tỉnh ủy Hải Dương.
Không chỉ hỗ trợ địa phương về sản phẩm, Việt cho rằng kit Việt Á còn giúp giảm nhiều về chi phí.
Tại Hải Dương, Việt Á đã hoàn thành hơn 750.000 mẫu xét nghiệm chỉ với chi phí 131 tỉ đồng. Như vậy, một lượt người xét nghiệm chưa đến 20.000 đồng.
Cùng lúc đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cũng đang làm xét nghiệm ở tỉnh này với hợp đồng 17 tỉ đồng, tuy nhiên số lượng mẫu đạt được rất ít.
Tổng giám đốc Việt Á khẳng định đã "nghiên cứu" ra cách xét nghiệm mẫu gộp với máy móc, thiết bị, kit xét nghiệm tối ưu.
"Chính điều này đã làm giảm chi phí đến vài nghìn tỉ đồng", Việt nói và mong hội đồng xét xử xét rõ giữa công và tội, "đừng lấy công buộc tội".
Cựu bí thư Tỉnh ủy Hải Dương: "Chúng tôi không còn gì nhưng cũng thấy thỏa đáng"
Tự bào chữa, cựu bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng xin trình bày ba nội dung chính.
Về tội danh, ông Thăng nói không ý kiến nhưng đề nghị tòa "đánh giá đúng công, tội".
Theo ông Thăng, Hải Dương với dân số hơn 2 triệu người có nền kinh tế đứng thứ 11 cả nước. Bởi thế chống dịch "rất quan trọng, cấp thiết".
"Mỗi ngày bị cách ly, Hải Dương bị thiệt hại hơn 300 tỉ đồng nhưng có lần phải giãn cách xã hội đến 16 ngày.
Nhưng với sự quyết tâm cao độ, toàn tỉnh đã khống chế dịch chỉ sau 64 ngày. Hội đồng xét xử cứ cộng ra mà tính xem chúng tôi đã có công với nền kinh tế địa phương như thế nào", ông Thăng nêu quan điểm bào chữa.
Về thiệt hại, ông Thăng cho rằng Hải Dương thiệt hại thứ ba trong các tỉnh bị cáo buộc sai phạm nhưng ông thấy mức án các bị cáo ở Hải Dương bị viện kiểm sát đề nghị lại cao nhất, chỉ một người được đề nghị án treo.
"Tôi xin nhận trách nhiệm người đứng đầu, mong tòa giảm nhẹ hình phạt cho tôi cùng các bị cáo khác tại Hải Dương, những người đã kề vai sát cánh cùng tôi trong lúc chống dịch căng thẳng nhất", cựu bí thư Tỉnh ủy Hải Dương trình bày.
Cuối phần trình bày, ông Thăng cho hay trong vụ án này ba ủy viên Trung ương Đảng (gồm ông Thăng, Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh) đều đã bị khai trừ ra khỏi Đảng nên đây đã là hình phạt nặng nề nhất, đau xót nhất.
"Chúng tôi không còn gì cả nhưng cũng thấy thỏa đáng, không thắc mắc. Sắp tới, chúng tôi lại phải nhận án phạt hình sự nên đau lắm, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ", ông Thăng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận