22/04/2020 10:47 GMT+7

Tổng đài cấp cứu 115: Những vấn đề cần xem lại

Bác sĩ VÕ PHẠM TRỌNG NHÂN (Bến Tre)
Bác sĩ VÕ PHẠM TRỌNG NHÂN (Bến Tre)

TTO - Vụ việc ngày 17-4 tại Quảng Ngãi, một nạn nhân được cho là tử vong vì không được cấp cứu kịp thời đã làm nóng lại chuyện bàn cãi bấy lâu nay, đó là việc phân công đơn vị chịu trách nhiệm trực tổng đài cấp cứu 115.

Tổng đài cấp cứu 115: Những vấn đề cần xem lại - Ảnh 1.

Xe cấp cứu 115 tại một giao lộ ở Q.5, TP.HCM tháng 4-2020 - Ảnh: T.T.D.

Cũng làm nhiệm vụ trực cấp cứu tương tự như hai tổng đài 113 và 114, nhưng 115 có "số phận hẩm hiu" hơn rất nhiều.

Quá tải!

Ngoại trừ vài thành phố lớn thành lập được trung tâm cấp cứu 115 và một đội ngũ chuyên biệt để sơ cấp cứu tại hiện trường, phần lớn các tỉnh thành trao nhiệm vụ trực tổng đài này cho bệnh viện đa khoa các tuyến.

Trong tình hình nhân lực hiện tại, các bệnh viện đa khoa sẽ giao luôn tổng đài này cho đơn nguyên trực cấp cứu của đơn vị. Như vậy, kíp trực cấp cứu của bệnh viện sẽ chịu trách nhiệm cấp cứu ngoại viện trong địa bàn được phân công khi nhận được cuộc gọi. Có nhiều hệ lụy phát sinh từ việc phân công nhiệm vụ như thế, mà sự việc vừa qua tại Quảng Ngãi là một điển hình.

Đơn nguyên cấp cứu của một bệnh viện đa khoa tỉnh sẽ khám, sơ cứu, điều trị khoảng 100-150 bệnh nhân mỗi ngày trong điều kiện bình thường. Vào những dịp lễ, tết, ngày nghỉ… con số này có thể tăng lên đến hơn 200 và có thể tập trung vào thời điểm nào đó chứ không rải đều suốt 24 giờ. 

Với một kíp trực cấp cứu khoảng 10-12 người, đây là khối lượng công việc rất lớn, dễ xảy ra sai sót, đòi hỏi một sự tập trung cao độ. 

Khi có một bệnh nhân nặng nhập viện, toàn bộ nhân lực của kíp trực đều được huy động, nhất là trong trường hợp cấp cứu ngưng tuần hoàn hô hấp. Vì vậy, tình huống bỏ qua khi chuông điện thoại reo là chuyện rất dễ xảy ra.

Bên cạnh đó, một trong những điều phiền toái nhất của người trực tổng đài 115 là việc phải đối phó với các cuộc gọi quấy rối hoặc báo động giả. 

Người trực tổng đài phải thật tỉnh táo mới có thể phân biệt tính xác thực của cuộc gọi để có phản ứng thích hợp. Tuy nhiên, với tinh thần "thà đi nhầm còn hơn để sót", rất nhiều lần người - xe cấp cứu của đơn vị phải chạy về không vì những cuộc gọi vô ý thức. Mỗi lần như thế, cơ hội của những nạn nhân khác cùng thời điểm đó thật sự lại bị giảm đi.

Tổng đài cấp cứu 115: Những vấn đề cần xem lại - Ảnh 2.

Nhân viên cấp cứu nạn nhân bị tai nạn giao thông ở Q.1, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Cần nhiều thay đổi

Để sự việc đau lòng như trên không còn xảy ra trong tương lai, cần phải có những thay đổi mang tính hệ thống và triệt để. Bộ Y tế cần có một quy định rõ ràng, mang tính pháp quy, hướng dẫn và trao nhiệm vụ cụ thể cho các tỉnh thành. 

Trong đó nhất thiết phải tách bạch hẳn nhiệm vụ cấp cứu ngoại viện ra khỏi cơ sở điều trị nội trú ở mọi tuyến. Tuyến quận huyện, nhiệm vụ này có thể trao cho các trung tâm y tế không điều trị nội trú. 

Tuyến tỉnh và thành phố cần thành lập các trung tâm cấp cứu 115 trực thuộc sở y tế với đầy đủ nhân lực và phương tiện để đảm nhận nhiệm vụ sơ cấp cứu tại hiện trường, vận chuyển bệnh nhân đến đúng cơ sở điều trị trong địa bàn.

Khi đó, tổng đài 115 sẽ là một bộ phận cấu thành của trung tâm này, chịu trách nhiệm nhận các cuộc gọi, phân tích và điều phối các đội cấp cứu. Nhân viên trực tổng đài 115 phải là người được đào tạo chuyên ngành, đủ kiến thức để có thể phân tích các tình huống và đề xuất phương án phù hợp.

Tiếp đến, cần có các biện pháp xử lý hành chính và chế tài một cách nghiêm khắc với những hành vi quấy rối các tổng đài cấp cứu nói chung, tổng đài 115 nói riêng. 

Không thể để hành động vô ý thức của một vài cá nhân ảnh hưởng đến sự vận hành của cả một hệ thống kéo dài trong nhiều năm mà không có một biện pháp thích đáng. Việc cài đặt chức năng chặn cuộc gọi chỉ mang tính tạm thời chứ không giải quyết gốc rễ của vấn đề.

Cuối cùng, cần có một cơ chế tài chính rõ ràng cho việc vận hành hoạt động của các trung tâm 115. Bởi lẽ, với đặc thù công việc như vậy, đây không thể là một cơ sở tự chủ tài chính hoàn toàn. 

Lại càng không thể để cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả cho những chi phí này. Nếu cần thiết, nên phát hành thêm gói bảo hiểm với hạn mức hợp lý dành cho các trường hợp vận chuyển cấp cứu. Thiết nghĩ, phần lớn cộng đồng sẽ tham gia, vì lợi ích không thể chối cãi của gói bảo hiểm như vậy.

Chuông điện thoại reo nhưng không kịp nghe

Trưa 21-4, ông Huỳnh Giới, giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, cho biết đã có báo cáo về vụ việc một thanh niên bị tai nạn giao thông, người dân gọi vào đầu số 115 nhưng không ai nghe máy.

Theo giải trình, khoảng 19h tối 17-4, khi đang cấp cứu cho bệnh nhân khác, 2 điều dưỡng có nghe máy 115 đổ chuông, khi chạy đến máy đã tắt chuông. Ca trực cấp cứu đêm 17-4 gồm 2 bác sĩ, 6 điều dưỡng và 1 hộ lý.

Từ 18h45-19h50 tối, ca trực tiếp nhận và cấp cứu cho 17 người bệnh, trong đó 12 người mới nhập viện.

Đội cấp cứu 115 của Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi gồm 13 thành viên (6 bác sĩ, 7 điều dưỡng), chia làm 2 ca trực. Số máy 115 được đặt tại buồng hồi sức cấp cứu (khoa khám bệnh và cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi).

Khoảng 19h tối 17-4, tại đường Hoàng Sa (đoạn qua xã Tịnh An, TP Quảng Ngãi) xảy ra vụ tai nạn giao thông, anh V. bị thương nặng. Người dân gọi 115 nhưng không ai nghe máy. Sau đó, xe cá nhân chở bệnh nhân đi viện. Được một đoạn, xe cấp cứu tư nhân đến tiếp nhận đưa anh V. đi cấp cứu nhưng anh V. đã tử vong khi đến bệnh viện.

TRẦN MAI

Gặp tai nạn nguy kịch nhưng gọi 115 không ai nghe máy? Gặp tai nạn nguy kịch nhưng gọi 115 không ai nghe máy?

TTO - Vụ tai nạn giữa xe máy và ôtô khiến một nam thanh niên bị thương nặng. Người dân sơ cứu và gọi 115 nhưng không ai nghe máy.

Bác sĩ VÕ PHẠM TRỌNG NHÂN (Bến Tre)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên