18/12/2020 20:25 GMT+7

Tôn vinh báo Giải Phóng - tờ báo trên tuyến lửa

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Theo phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, báo Giải Phóng - tờ báo chỉ tồn tại hơn 10 năm nhưng từng con chữ thấm máu góp phần không nhỏ vào sự nghiệp thống nhất đất nước năm 1975 - xứng đáng được tôn vinh anh hùng.

Tôn vinh báo Giải Phóng - tờ báo trên tuyến lửa - Ảnh 1.

Các cựu phóng viên báo Giải Phóng năm xưa được tôn vinh cùng với tờ báo Giải Phóng - Ảnh: T.ĐIỂU

Ngày 18-12, Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với báo Đại Đoàn Kết, báo Sài Gòn Giải Phóng, Hội Nhà báo TP.HCM và Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM tổ chức sự kiện Trưng bày và trình chiếu bộ phim tài liệu Giải Phóng - Tờ báo trên tuyến lửa.

Sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và kỷ niệm 56 năm ngày báo Giải Phóng ra số đầu, có sự tham gia của các nhà báo lão thành, các vị là cựu phóng viên báo Giải Phóng như nhà báo Thái Duy, nhà báo Nguyễn Hồ, nhà báo Cao Kim, nhà báo Phương Hà…

Tôn vinh báo Giải Phóng - tờ báo trên tuyến lửa - Ảnh 2.

Báo Giải Phóng được trưng bài tại sự kiện - Ảnh: T.ĐIỂU

Năm 1960, sau khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, yêu cầu thực tế đặt ra là phải có cơ quan ngôn luận để tập hợp, tổ chức nhân dân miền Nam đứng lên kháng chiến chống Mỹ. Tháng 7-1964, chủ trương xuất bản báo Giải Phóng đã được Đoàn chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam thông qua.

Ngày 20-12-1964, số báo Giải Phóng đầu tiên đã xuất hiện trong vùng giải phóng, chuyển tới vùng ven, đưa lên Phnôm Pênh, ra Hà Nội và đưa bí mật vào Sài Gòn.

Từ năm 1964 đến 1976, báo Giải Phóng đã phát hành 375 số báo trong điều kiện đặc biệt khó khăn, gian khổ, hiểm nguy.

Bộ phim tài liệu Giải phóng - Tờ báo trên tuyến lửa do Bảo tàng Báo chí Việt Nam sản xuất, có nhiều tư liệu được công bố lần đầu.

Qua ký ức của các nhân chứng là những lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên của báo Giải Phóng, người xem thấy được một lịch sử rất đáng tự hào của tớ báo mà từng con chữ như thấm máu, âm thầm góp một phần không nhỏ vào chuyển biến của tình thế cách mạng miền Nam, vào sự nghiệp thống nhất đất nước.

Tôn vinh báo Giải Phóng - tờ báo trên tuyến lửa - Ảnh 3.

Một số hiện vật là dụng cụ tác nghiệp của các phóng viên báo Giải Phóng xưa tặng lại cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Ảnh: T.ĐIỂU

"Đây là một tờ báo anh hùng dù chưa được phong anh hùng. Lịch sử báo chí Việt Nam sẽ định vị lại, dành một vị trí xứng đáng cho tờ báo này", ông Hồ Quang Lợi - phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - nói.

Tại sự kiện, các cựu phóng viên của báo Giải Phóng như nhà báo Nguyễn Hồ, nhà báo Hà Phương… đã hiến tặng cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam rất nhiều tư liệu, hiện vật quý và kể câu chuyện về lịch sử báo Giải Phóng.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên