18/05/2013 06:20 GMT+7

Tokyo chìa bàn tay với Bình Nhưỡng

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TT - Ngày 14-5, sân bay Bình Nhưỡng đón vị khách đặc biệt đến từ Tokyo. Đầu trọc, áo comlê cà vạt xanh đậm, tay cầm cặp táp dày, vị khách này là ông Isao Iijima, cố vấn đặc biệt về chính trị của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.

B3C2sXXt.jpgPhóng to
Ông Isao Iijima (bìa trái) trong cuộc hội đàm với ông Kim Yong Nam hôm 16-5 tại Bình Nhưỡng - Ảnh: KCNA/AFP

Trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên bế tắc, Bình Nhưỡng liên tiếp bác đề nghị nối lại đàm phán về Kaesong của Seoul, Mỹ bế tắc trong việc “nhờ” Bắc Kinh gây ảnh hưởng với chính quyền Kim Jong Un, thì chuyện Tokyo đưa được đặc phái viên của ông Abe tới gặp lãnh đạo Bình Nhưỡng có thể coi là đột phá bất ngờ lớn.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe thậm chí còn để ngỏ khả năng sẽ gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Kim Jong Un nếu các vấn đề con tin Nhật và chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng có giải pháp.

Theo Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA, ngày 16-5, ông Iijima đã gặp nhà lãnh đạo số 2 của Triều Tiên là ông Kim Yong Nam, chủ tịch Đoàn chủ tịch Hội nghị nhân dân tối cao nước này, và người phụ trách đối ngoại Đảng Lao động Triều Tiên là ông Kim Yong Il.

Báo giới Nhật đồn đoán ngoài chuyện ông Iijima tìm kiếm thông tin về những con tin Nhật bị bắt cóc những năm 1970, 1980 còn ở Triều Tiên, ông có thể làm tiền trạm cho ông Abe tới thăm trực tiếp Bình Nhưỡng. Ông Iijima từng là trợ lý của thủ tướng Nhật Koizumi, hai lần tiền trạm đàm phán cho thủ tướng Koizumi gặp lãnh đạo Kim Jong Il vào năm 2002 và 2004.

Cả Mỹ lẫn Hàn Quốc đều bất ngờ trước chuyến đi của ông Iijima khi không nước nào được thông báo trước. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tai Young thậm chí còn chỉ trích chuyến đi là “không hữu ích” vì làm ảnh hưởng đến nỗ lực gây sức ép của Seoul và Washington đối với Bình Nhưỡng.

Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Triều Tiên Glyn Davies hôm 15-5 đã phải vội bay tới Tokyo. Một ngày sau đó, ông tuyên bố Tokyo, Seoul và Washington cần phải “đoàn kết” trong đối phó với CHDCND Triều Tiên.

Việc Nhật quyết định bước đi đơn phương có thể thấy xuất phát từ nhiều lý do. Trong bối cảnh Tokyo còn vướng bận vào cuộc tranh chấp biển đảo với Bắc Kinh, việc chủ động giải quyết căng thẳng với Bình Nhưỡng sẽ giúp chính quyền Abe bớt đi một mối lo an ninh.

Giới phân tích còn cho rằng Tokyo cảm thấy bị “bỏ rơi” từ phía đồng minh Mỹ trong liên tiếp các cuộc khủng hoảng gần đây nên đã quyết định tự bước đi lần này. Dù Mỹ nhiều lần khẳng định tiếp tục chính sách tái cân bằng ở châu Á, nhưng các động thái của Washington chưa thật sự làm các đồng minh của Mỹ hài lòng.

Chỉ sau khi có thông tin về chuyến đi tới Bình Nhưỡng của ông Iijima một ngày, Tổng thống Mỹ Obama mới chỉ định ông Danny Russel làm tân trợ lý ngoại trưởng phụ trách khu vực Đông Á sau khi vị trí này bị bỏ trống hơn ba tháng giữa lúc liên tiếp diễn ra các cuộc khủng hoảng.

Vị trí này bị bỏ trống trong thời gian dài đã khiến nhiều nước đặt dấu hỏi về sự quan tâm thật sự của Mỹ đối với khu vực. Bên cạnh lý do này, theo Reuters, ông Abe còn muốn ghi điểm ngoại giao lớn trước thềm cuộc bầu thượng viện vào tháng 7.

Ông Alexandre Mansourov, học giả tại Viện Mỹ - Hàn của Trường quan hệ quốc tế Johns Hopkins, nói với Yonhap rằng Bình Nhưỡng cũng đang muốn quay sang ấm lại hơn với Nhật vì Bắc Kinh đang có động thái cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng trong cuộc khủng hoảng lần này. Có thể CHDCND Triều Tiên hủy vụ thử tên lửa Musudan “vì các hoạt động hậu trường và đàm phán với Tokyo về khả năng ông Isao Iijima thăm Bình Nhưỡng để sắp xếp cuộc gặp thượng đỉnh Kim - Abe”.

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên