03/03/2021 14:50 GMT+7

'tôi viết (tiếng Việt)/ i write (in Vietnamese)': Khi tiếng Việt và thơ cựa quậy...

TIẾU TÙNG
TIẾU TÙNG

TTO - Một nhóm hơn 20 bạn trẻ làm thơ và làm nghệ thuật ở Việt Nam gặp nhau trong triển lãm "tôi viết (tiếng Việt)/ i write (in Vietnamese)", diễn ra từ ngày 1 đến 5-3 tại Viện Goethe và từ ngày 15 đến 20-3 ở tổ Chim Xanh, ngõ 19 Đặng Dung, Hà Nội.

tôi viết (tiếng Việt)/ i write (in Vietnamese): Khi tiếng Việt và thơ cựa quậy... - Ảnh 1.

Đông đảo bạn trẻ xem triển lãm “Tôi viết (tiếng Việt)” - Ảnh: TIẾU TÙNG

Theo ban tổ chức, đây là một triển lãm của các sinh thể, vật thể chữ, tạo ra từ sự chơi giữa văn bản và hình ảnh, âm giọng trên nhiều chất liệu và phương tiện, với ấn phẩm thơ của những người viết (tiếng Việt) và người trẻ làm nghệ thuật ở Việt Nam.

Trong những ngày giãn cách xã hội vì dịch COVID-19, Lan Anh viết "bà còng đi chợ" trên giấy dó. Sau đó cùng với Bông Nguyễn, họ ngâm văn bản thơ trong các dạng nước muôn nơi: nước hồ, nước sông, nước mưa; bia, rượu, nước vo gạo, nước chè, cà phê...; nước sông Đuống, sông Hồng, sông Sài Gòn, nước hồ Gươm, nước hồ Tây... và hình thành nên tác phẩm sắp đặt "Âm nước".

tôi viết (tiếng Việt)/ i write (in Vietnamese): Khi tiếng Việt và thơ cựa quậy... - Ảnh 2.

Triển lãm giới thiệu một cách đọc tiếng Việt khác - Ảnh: Tiếu Tùng

Ở đó, tiếng Việt và thơ không chỉ nằm yên, bất động hay được đọc lên một cách đơn thuần mà cựa quậy, mờ nhòe, rữa tan, thấm trong, khô đi và hiện - diện - khác.

"Bà còng đi chợ trời mưa/ chợ ướt/ vàng đỏ trắng xanh/ những con sứa dềnh/ sóng xô bờ, sóng xô bà/ một cú vặn ga/ biển trong lòng phố/ nước/ ngâm câu đồng dao/ rã từng chữ nổi/ những dáng nổi trôi/… bà còng đi/ chợ trời mưa/ tôi theo cái tôm cái tép".

Những câu đồng dao xúc xắc, những nhịp đương đại va đập cắt xẻ trong bài ca bốn mùa gắn với thân phận con người ở nhiều chiều không gian khác nhau.

tôi viết (tiếng Việt)/ i write (in Vietnamese): Khi tiếng Việt và thơ cựa quậy... - Ảnh 3.

Tác phẩm sắp đặt “Âm nước” của Lan Anh và Bông Nguyễn - Ảnh: Tiếu Tùng

Hay như Linh San - tác giả của "nhà mình ở chốn nao" - lại có một trải nghiệm với gốm. Chọn điểm tựa đất đai, Linh San bắt đầu câu chuyện của mình với "mùi hương, cỏ, mùi cây, những tiếng nói trong thế giới".

Với cô, tác phẩm gốm - thơ không chỉ là đất, nước, mà còn là vùng sống, vùng văn hóa, địa vực mà nó gắn liền với thời gian và ngôn ngữ của mình.

Qua việc thực hành thơ trên gốm, người đi tìm hình/tiếng của tiếng Việt nhận ra quá trình làm gốm cũng giống như xây dựng bản thảo. Bản thảo nhiều khi cũng là để vỡ, thậm chí vỡ rất nhiều lần. "ra khỏi cát này tôi biết đi đâu, nước chảy từ ngực xuống đùi, tóc, những búi tóc cuộn vào nhau những trái dâu chín sậm. Tôi gục xuống khi nhận ra không có mình nào hết chỉ có tôi".

tôi viết (tiếng Việt)/ i write (in Vietnamese): Khi tiếng Việt và thơ cựa quậy... - Ảnh 4.

Thơ trên gốm của Linh San - Ảnh: Tiếu Tùng

Sắp đặt chữ và ảnh của Thu Uyên và Kai Ng như một mùa ảo giác; hay của Hương Trà và Kai Ng như một niềm phong kín. Nhã Thuyên viết thơ trên lá.

Nguyễn Thùy Dương hiện diện với một vật thể làm bằng tay. "Một ngày bị đảo lộn trong một đêm không trăng không sao" qua phim ngắn của Red. Còn là một ảnh phim in màu kỹ thuật số tráng gương: "Trên đỉnh Lang Biang" của Thùy Dương...

Để rồi, đọng lại một khúc "tảo mộ nàng: một bản tình ca" của Nguyễn Hoàng Quyên với giọng đọc của chính tác giả thông qua màn hình zoom.

tôi viết (tiếng Việt)/ i write (in Vietnamese): Khi tiếng Việt và thơ cựa quậy... - Ảnh 5.

Thơ trên lá của Nhã Thuyên - Ảnh: Tiếu Tùng

Những giọng đọc trực tiếp; những giọng đọc qua nền tảng trực tuyến; những sắp đặt ngẫu hứng... cùng tạo nên một tiếng Việt phong nhiêu. Những chiếc khẩu trang kín mít trong này, dịch giã, hoang mang... ngoài kia, cũng không ngáng cản được độ mở của các sinh thể chữ (tiếng Việt).

Nhã Thuyên đặt câu hỏi: "Tôi có thể viết một thứ tiếng (Việt) nào và thế nào?". Câu hỏi này thiết thân đặc biệt với những người viết trẻ, những người viết đã - đang dùng không chỉ tiếng Việt trong đời sống và viết, những người viết tiếng Việt không bắt rễ địa lý, những người viết không có lựa chọn nào ngoài tiếng Việt, những người muốn ăn đời ở kiếp với tiếng Việt... Một câu hỏi về rễ, về nguồn...

tôi viết (tiếng Việt)/ i write (in Vietnamese): Khi tiếng Việt và thơ cựa quậy... - Ảnh 6.

Sự kiện diễn ra từ ngày 1 - 5-3, tại Viện Goethe Hà Nội, 56-58 Nguyễn Thái Học và từ ngày 15 - 20-3 tại tổ Chim Xanh, ngõ 19 Đặng Dung, Hà Nội - Ảnh: Tiếu Tùng

tôi viết (tiếng Việt)/ i write (in Vietnamese): Khi tiếng Việt và thơ cựa quậy... - Ảnh 7.

Vũ Anh Vũ với phần đọc trích đoạn “một bài luận về tử cung” - Ảnh: Tiếu Tùng

tôi viết (tiếng Việt)/ i write (in Vietnamese): Khi tiếng Việt và thơ cựa quậy... - Ảnh 8.

Triển lãm tập hợp hơn 20 các bạn trẻ làm thơ và làm nghệ thuật ở Việt Nam: Linh San, Châu Hoàng, Thu Uyên, Kai Ng, Sơn Ca, Lan Anh, Bông Nguyễn, Hương Trà, Hải Anh, Nguyễn Quang Kiếm, Nguyễn Thùy Dương, Nguyễn Lâm Thảo Thi, Thùy Dương @popusvine, Nhi Đàm, Mai Duy Quang, Nguyễn Khánh Duy, Red, Lượng Trần, Vũ Anh Vũ, Nhã Thuyên, Nguyễn Hoàng Quyên - Ảnh: Tiếu Tùng

TP.HCM tổ chức triển lãm ảnh TP.HCM tổ chức triển lãm ảnh 'Mừng xuân Tân Sửu - Mừng Đảng quang vinh'

TTO - Triển lãm diễn ra tại công viên Lam Sơn, đường Đồng Khởi và đối diện công viên Chi Lăng với hơn 200 bức ảnh, tạo không khí phấn khởi, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân thành phố trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

TIẾU TÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên