Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội NGUYỄN ANH TRÍ (đoàn Hà Nội) sau khi kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đồng ý bổ sung dự án Luật Chuyển đổi giới tính do ông đề xuất sẽ được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2024).
Đại biểu Nguyễn Anh Trí chia sẻ rằng việc trình dự án luật sau khi hiểu về cộng đồng chuyển đổi giới tính ở Việt Nam không phải bệnh lý mà là cảm xúc về giới tính do chính họ nhận ra. Đây là vấn đề rất chính đáng nhưng lâu nay chưa thực sự coi đó là quyền cá nhân. Đồng thời cần trao cho họ quyền công dân đầy đủ trong cộng đồng chuyển đổi giới tính.
Việc Quốc hội thông qua đưa vào chương trình, cho phép xây dựng dự án luật rất đáng mừng. Tuy nhiên, vấn đề này rất mới, khó nên nếu không cập nhật kiến thức, giàu lòng nhân ái và trách nhiệm sẽ không làm được.
Đổi tên giúp làm nhanh, dễ dàng hơn
* Là một trong số ít đại biểu có sáng kiến lập pháp được Quốc hội thông qua, đưa vào chương trình xây dựng pháp luật, ông có cảm xúc gì?
- Tôi là người thứ hai trong hai khóa liên tiếp của đoàn Hà Nội có sáng kiến lập pháp được Quốc hội thông qua đưa vào chương trình xây dựng pháp luật. Được Quốc hội thông qua như vậy, tôi thấy rất vui, vinh dự. Tôi đặt quyết tâm từ giờ cho đến hết khóa Quốc hội XV sẽ tập trung cao độ để làm dự luật này.
Nhìn chung, đến nay tôi nhận được sự ủng hộ của tuyệt đại đa số cá nhân đại biểu và các ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Điều này cho thấy sự tiến bộ, đổi mới của Quốc hội.
* Ban đầu ông đề xuất dự án luật này là Bản dạng giới nhưng vì sao lại đổi tên thành Chuyển đổi giới tính?
- Việc đổi tên này không phải sự thoái trí. Lúc đầu tôi đề xuất sáng kiến luật là Bản dạng giới, qua nhiều bộ, ban ngành, nhất là Bộ Tư pháp, Ủy ban Pháp luật đều đánh giá đây là vấn đề rất đúng. Nhưng để làm được lại khó, bởi nó mới quá. Nhiều vấn đề khoa học có thể có 80% người đồng ý song 20% chưa đồng ý, chưa tin.
Ngay chính tôi là giáo sư y khoa nhưng cách đây 4 năm về trước vẫn suy nghĩ đây là nhóm người bệnh tật, bệnh hoạn. Tuy nhiên, sau khi theo đoàn của Quốc hội đi nghiên cứu ở Mỹ, Argentina về vấn đề này tôi mới nhận rõ, hóa ra vấn đề không phải như vậy.
Họ hoàn toàn không phải là bệnh lý mà đây là câu chuyện khoa học, đồng thời là cảm nhận rất đúng của họ mà chúng ta phải tôn trọng. Đây là những công dân có tất cả trí tuệ, sức khỏe hoàn toàn bình thường.
Thêm vào đó, với các văn bản pháp quy, Bộ luật Dân sự của Việt Nam lâu nay đã đề cập đến vấn đề này và cho phép cần tôn trọng những người này.
Song điều quan trọng cần làm thủ tục để cho họ được sống đúng nghĩa và đảm bảo các quyền công dân thực thụ, được pháp luật bảo hộ.
Cụ thể, người này nếu có can thiệp y khoa để trở thành như là một giới nào đó, nam hoặc nữ thì pháp luật sẽ cho phép làm các thủ tục để trở thành công dân chính thức.
Việc đổi tên Luật Chuyển đổi giới tính nhằm thu hẹp phạm vi, sẽ làm nhanh và dễ dàng hơn. Quan trọng nhất cần có một luật cụ thể để quy định vấn đề này, đồng thời giải quyết được vấn đề này thôi đã thành công lắm rồi. Như nhiều cán bộ có trách nhiệm và chuyên gia có kinh nghiệm nhận xét, nếu Việt Nam làm được là bước tiến rất dài.
Thực hiện dự án luật chuyển đổi giới tính khó nhất chính là nhận thức
* Theo ông, điều khó khăn nhất trong quá trình thực hiện dự án luật này là gì?
- Điều khó khăn nhất chính là nhận thức. Như tôi đã nói, soi vào chính bản thân tôi là nhà khoa học, thậm chí là y khoa, nhưng trước đây có nhận thức rất khác về cộng đồng này. Trong đó nghĩ họ là bệnh hoạn, đua đòi.
Công bằng để nói đây là khoa học khó và để hiểu cho được nó cũng khó. Bởi ở đây có phần thấy được là bộ phận sinh dục ngoài hay nhiễm sắc thể nhưng các gene trong con người thì khoa học vẫn chưa thực sự sáng tỏ.
Thậm chí dù biết là gene đó, cấu trúc đó nhưng vẫn chưa sáng tỏ, không bắt ra được như nhiễm sắc thể X là thế này, Y là thế kia…
Cần lưu ý, với cộng đồng người chuyển giới hiện nay có hai chỉ số mà mọi người cần lưu ý bởi hay bị nhầm.
Trong đó, nhóm chỉ số thứ nhất là những người có can thiệp để chuyển đổi giới tính.
Theo số liệu tôi có được thì mỗi quốc gia hiện nay số này chiếm từ 0,3 - 0,5% dân số. Nhưng ở Việt Nam hiện nay chưa có con số này và không thể có được. Bởi đây là vấn đề bí mật, rất khó điều tra, thậm chí mình đứng ngay cạnh người đã chuyển giới nhưng họ vẫn giấu.
Chỉ số thứ hai rất quan trọng là cộng đồng người chuyển giới mà trong đó cảm giác của họ tự nhận ra, theo một số nghiên cứu ở nước ngoài, chiếm bình quân từ 3-7%. Có nghĩa có rất nhiều người chưa đi làm, chưa can thiệp chuyển giới bởi còn liên quan sức khỏe, tiền bạc, quy định pháp luật. Nhiều trường hợp con đòi đi chuyển giới nhưng bố mẹ không cho, người xung quanh dè bỉu…
* Đến nay đã có cá nhân hay tổ chức của cộng đồng chuyển giới nào ở Việt Nam gửi gắm hay chia sẻ với ông chưa?
- Khi biết tôi đề xuất dự án luật này, nhiều người trong cộng đồng này đã nhắn tin, gọi điện, viết thư mong muốn được gửi gắm nhiều điều song tôi chưa tiếp xúc với ai. Bởi lúc đó tôi suy nghĩ đã chắc gì Quốc hội đồng ý cho làm và dù đồng ý thì chắc gì mình đã được cử làm.
Tuy nhiên, từ nay trở đi, tôi sẽ có tiếp xúc và có những hội nghị, hội thảo sẽ phải mời họ đến để cùng thảo luận, nêu ý kiến. Quan điểm, tinh thần phải xây dựng luật phù hợp, gần, sát, đúng nhất với cộng đồng này.
* Dự kiến tiếp theo ông sẽ thực hiện các công việc gì?
- Cả đời tôi đến nay mới làm dự án luật này là duy nhất. Qua các cơ quan của Quốc hội, nhất là Ủy ban Pháp luật, cho biết sẽ còn nhiều công việc phải làm, song tựu trung lại có ba khối công việc chính sẽ thực hiện.
Cụ thể, thứ nhất là khối công việc mang tính hành chính, thủ tục gồm cách làm, tài chính, tổ chức hội nghị, hội thảo… phải làm đúng quy định.
Thứ hai là các nội dung cần phải tổ chức hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý… nhằm làm sáng tỏ những điểm còn tranh luận, ý kiến khác nhau.
Thứ ba, cần tổ chức đội ngũ gồm ban soạn thảo, tổ biên tập.
Nhìn thấy chặng đường phía trước như vậy đúng là quá khó khăn nhưng tôi không hề nao núng. Tôi sẽ rút kinh nghiệm từ các sáng kiến lập pháp của các đại biểu đi trước và cố gắng làm thật tốt. Trong đó, phải có một tổ biên soạn thực sự tinh nhuệ.
Tôi hứa sẽ luôn luôn có mặt trong tất cả các khâu, công đoạn xây dựng dự luật với quyết tâm làm tốt nhất công việc có ích này. Chưa kể, là một đại biểu Quốc hội tự ứng cử, vì vậy tôi mong muốn sẽ có đóng góp xứng đáng cho đến khi kết thúc khóa XV này.
Đại biểu PHẠM TRỌNG NGHĨA (ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội):
Bước cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, Bộ luật Dân sự
Tôi rất kính trọng tâm huyết và nỗ lực của đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí trong việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng dự án luật.
Tờ trình của đại biểu đề nghị xây dựng dự án luật gồm bốn nhóm chính sách. Cụ thể là điều kiện để công dân được chuyển đổi giới tính; thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân; xác nhận giới tính đối với các trường hợp đã thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính trước ngày luật có hiệu lực; thẩm quyền, thủ tục công nhận giới tính của người chuyển đổi giới tính.
Đây là các chính sách liên quan chặt chẽ đến quyền con người và quyền công dân, là một bước để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và Bộ luật Dân sự. Bên cạnh đó, cần quy định rõ trách nhiệm các cơ quan hữu quan trong việc hỗ trợ đại biểu soạn thảo luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đại biểu THÁI THỊ AN CHUNG (Nghệ An):
Sớm xây dựng luật để đảm bảo quyền con người
Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có quyết định việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Tuy nhiên, khi Bộ luật Dân sự có hiệu lực đến nay vẫn chưa có văn bản nào quy định về việc chuyển đổi giới tính. Do đó, cần thiết phải nhanh chóng xây dựng luật chuyển đổi giới tính để khẳng định, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân của người chuyển đổi giới tính.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận