Nhưng điều đáng nói và đáng tiếc ở đây là giới trẻ đang được nuôi dưỡng, chăm sóc, học tập đầy đủ, trong những gia đình kiểu mẫu cũng có nguy cơ trở thành tội phạm. Việc các em đang dần xa rời gia đình, rời xa những điều được giáo dục trong nhà trường, có biểu hiện vô đạo đức, tiêm nhiễm những thói hư tật xấu và tham gia những hoạt động tệ nạn xã hội, trở thành những tội phạm trẻ... là trách nhiệm không của riêng ai. Vì vậy, mỗi người trong chúng ta phải cùng nhau hợp tác để mổ xẻ nguyên nhân từ chính mình mới mong tìm ra giải pháp khắc phục.
Đứng ở góc độ là người công tác trong ngành giáo dục, tôi chỉ xin kiến giải một số nội dung từ phía nhà trường.
Nhà trường đúng nghĩa sẽ là nơi có nhiều điều kiện thuận lợi (thời gian, nội dung, chương trình giáo dục, giáo viên được đào tạo cùng các phương pháp giảng dạy, trang thiết bị, phương tiện dạy học hiệu quả...) để giáo dục, hoàn thiện nhân cách thế hệ trẻ, nhưng cũng chính tại đây đã làm không ít học sinh thất vọng vì cảm thấy không ai hiểu mình, thiếu cảm thông và được đối xử như một thành viên của xã hội.
Vì sao như vậy? Câu trả lời không có gì mới, vì nội dung, chương trình vẫn không thay đổi, vẫn nặng về cung cấp kiến thức. Và do vậy, nhà trường theo đó vẫn chú trọng về kiến thức, sao cho các em phải đạt kết quả cao trong thi cử, có thành tích để báo cáo.
Nội dung môn đạo đức có biên soạn dựa theo một số câu chuyện sưu tầm nhằm giới thiệu cho học sinh đọc, yêu cầu học sinh chỉ nói miệng, chỉ cần nêu được sự việc thấy hoặc nghe lại về ai đó làm việc tốt, không cần trải nghiệm thực tế, người thật, việc thật... cũng được đánh giá là tốt.
Chương trình hoàn toàn không có thời gian cho hoạt động trải nghiệm thực tế và mang tính bắt buộc. Vì vậy khi đánh giá nhận xét học sinh có đạt yêu cầu đạo đức hay chưa, thầy cô cũng chỉ dựa trên cách trình bày của học sinh (nghe lại, thấy, đọc trong sách...), có khi học sinh nói dối hay lại được tán thưởng.
Nhiều người thầy dạy đạo đức lối sống, kỹ năng sống cũng chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng để giảng dạy, chưa được trải nghiệm, cảm xúc thực tế... mà chỉ dạy lý thuyết sách vở, bằng kinh nghiệm chủ quan... Nếu có tổ chức hoạt động cho học sinh cũng là những phong trào thi đua dành cho một số học sinh học giỏi, có năng khiếu để lấy thành tích, còn lại số đông học sinh thì bị bỏ quên...
Với quan điểm thay đổi nửa vời, cách sắp xếp chương trình chắp vá như trên, bộ môn giáo dục đạo đức chưa được thật sự chú trọng, chưa có vị trí chính thức, thời lượng cần và đủ để giảng dạy có hiệu quả. Hệ quả là học sinh được dạy nhớ giỏi, bịa chuyện giỏi, không có trải nghiệm thật, cảm xúc thật, không có thói quen và hành vi thực, không có kinh nghiệm ứng xử, vượt qua những khó khăn, trở ngại đời thường và dễ bị lôi cuốn vào những cái xấu, hành xử theo bản năng, không cần biết hậu quả là chuyện bình thường, tất yếu phải xảy ra.
Kiến thức nhân loại là vô hạn, việc học tập để tiếp thu kiến thức là việc làm cả đời, không thể một, hai bậc học là học sinh có thể nhớ được hết kiến thức (thật ra có nhiều kiến thức chỉ cần tra trên mạng là có đầy đủ, nhưng chúng ta vẫn bắt học sinh học, nhớ, trả bài). Vì lẽ đó, việc giảm bớt một số kiến thức không cần thiết (có thể bù đắp trong những bậc học cao hơn hoặc học suốt cuộc đời) không ảnh hưởng lớn đến giới trẻ và xã hội. Nhưng chính sự thiếu hụt, lệch lạc trong đạo đức, hành vi, nhất là hành vi, thói quen đã được định hình theo hướng tiêu cực (bạo lực, tội phạm) thì khó mà điều chỉnh, nếu làm được cũng rất mất thời gian, công sức, chưa kể có những hành vi bạo lực nhất thời gây tổn hại đến xã hội, người khác và chính bản thân giới trẻ cũng mất cả tuổi trẻ, tương lai.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1:Gia đình và nguồn gốc tội ácKỳ 2: Em tôi thành tội phạmKỳ 3: Ghét là ra tay, bất cần hậu quả!Kỳ 4: Họ coi thường mạng sống con ngườiNhiều người trẻ phạm trọng tội vì thiếu sự giáo dụcXây dựng giá trị sống từ gia đìnhGia đình và nhà trường là nguyên nhân chính?Trẻ chưa được học kỹ cách làm người
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận