30/12/2018 09:51 GMT+7

Tội phạm thẻ Trung Quốc, Malaysia đổ bộ VN, làm gì để tránh mất tiền?

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TTO - Tết sắp đến, hàng loạt vụ mất tiền trong tài khoản thẻ đã xảy ra. Nhiều chủ thẻ phải chờ đến qua tết mới có thể biết kết quả tra soát. Nhiều trường hợp cho thấy tội phạm thẻ Trung Quốc, Malaysia đã đổ bộ VN.

Tội phạm thẻ Trung Quốc, Malaysia đổ bộ VN, làm gì để tránh mất tiền? - Ảnh 1.

Các ngân hàng khuyến cáo khách hàng cần cẩn trọng khi giao dịch, che tay khi nhập mật khẩu để tránh bị lộ mã PIN - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều ngân hàng (NH) thừa nhận thời điểm cuối năm khi các doanh nghiệp chi trả lương, thưởng tết cũng là "mùa" mà tội phạm thẻ hoạt động mạnh nhất. Do đó, không chỉ các NH phải tìm biện pháp đối phó, bản thân các chủ tài khoản hay chủ thẻ cũng phải đề cao cảnh giác.

Chờ qua tết mới biết kết quả

Khoảng tối 15-12, chị Trúc (P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM) bị rút mất hơn 11 triệu đồng trong tài khoản thẻ ATM. Thấy tin nhắn báo bị trừ tiền, chị Trúc đã gọi điện thoại đến tổng đài NH yêu cầu khóa thẻ. Sáng hôm sau chị đến khiếu nại nhưng NH hẹn sau 5 ngày sẽ trả lời. 

Một ngày sau đó, nhân viên NH gọi điện thoại thông báo lại là sau 60 ngày mới có kết quả vì chị bị rút tiền tại ATM của NH khác. "Như vậy có nghĩa là sau Tết Nguyên đán tôi mới biết kết quả có đòi được tiền hay không. Tôi không hiểu quy trình thế nào mà bắt khách hàng chờ đợi quá lâu như vậy trong khi tôi rất cần khoản tiền này để chi tiêu, mua sắm tết" - chị Trúc bức xúc.

Trước đó, một trường hợp tại Củ Chi nhận được số điện thoại lạ gọi, thông báo chị đang nợ số tiền lớn tại một NH ở Hà Nội, công an Hà Nội sẽ gửi lệnh bắt chị trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Do bị gọi liên tục, chị hoảng sợ nên đã nộp vào tài khoản của họ số tiền 200 triệu đồng. Sau khi biết bị lừa, chị báo công an nhưng tiền đã bị rút khỏi tài khoản.

Phản ảnh đến Tuổi Trẻ, chị T.D. (TP.HCM) cho biết chị gửi tiết kiệm trực tuyến với tổng số tiền là 48 triệu đồng, qua kênh NH số của một NH lớn có trụ sở tại Hà Nội với 4 tài khoản tiết kiệm. Sau đó, chị T.D. bị rút mất số tiền trên trong tài khoản, dù thẻ ATM chị vẫn giữ trong người và không tiết lộ mật khẩu cho bất kỳ ai.

Sau hai lần khiếu nại, chị T.D. được NH trả lời là "không chịu trách nhiệm vì khoản tiền bị mất không xác minh được là lỗi của NH, nên khoản tiền sẽ không được bồi hoàn", đồng thời hướng dẫn chị T.D. yêu cầu công an giải quyết, bên NH sẽ "hỗ trợ". 

Không đồng ý, chị T.D. tiếp tục khiếu nại và được NH bồi hoàn 50% số tiền bị mất với lý do không xác định được mất tiền do lỗi của ai, phải "cưa đôi" số tiền bị mất, đồng thời đề nghị chuyển vụ việc qua cơ quan điều tra. 

Nếu có kết luận của cơ quan điều tra, hai bên sẽ tuân theo kết luận đó. Ngược lại, nếu cơ quan điều tra không kết luận thì xem như đây là mức bồi hoàn cuối cùng.

Tội phạm Trung Quốc, Malaysia đổ bộ Việt Nam

Ông Lê Huỳnh Hà - trưởng phòng quản lý dịch vụ ATM, NH Vietcombank chi nhánh TP.HCM - cho biết thủ đoạn của các đối tượng tội phạm thẻ ngày càng tinh vi. Để lấy được dữ liệu của chủ thẻ nhanh và nhiều nhất, chúng thường chọn giờ tan tầm, từ 17h-18h hằng ngày. 

Đây cũng là khung giờ mà NH đã nghỉ và nhu cầu rút tiền để chi tiêu nhiều nhất trong ngày để lắp thiết bị. Chúng thường chỉ lắp khoảng 30 phút đến 1 giờ rồi thu hồi lại.

Theo ông Hà, đối tượng tội phạm phổ biến nhất là người Trung Quốc và Malaysia. Thường lấy dữ liệu xong chúng sẽ chế tạo thẻ giả, sau đó ra các địa phương giáp biên giới Trung Quốc như Hà Giang, Quảng Ninh, Móng Cái... rút tiền vào ban đêm, xong "chuồn" về Trung Quốc nhằm tránh bị phát hiện, bắt giữ.

Cuối tháng 10 vừa qua, VietinBank từng bắt được một đối tượng người Trung Quốc lấy trộm tiền trong thẻ khách hàng tại Ninh Bình, nhưng đến các cây ATM ở Lào Cai để rút tiền nhằm đánh lạc hướng và tiện bề tẩu thoát về nước sau khi thực hiện trót lọt phi vụ.

Mới đây nhất, ngày 20-12, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cùng với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an vừa triệt phá ổ nhóm gồm 22 người Trung Quốc. Qua đấu tranh, khai thác, các đối tượng khai nhận sang Việt Nam để thực hiện việc làm thẻ NH giả và đánh bạc trên mạng. 

Ngoài máy tính, công an đã tạm giữ 13 token key (mật khẩu động), một bộ máy đọc thẻ, dập thẻ, dập chữ số để làm thẻ NH giả, 33 thẻ NH do NH Trung Quốc phát hành và hơn 200 thẻ trắng.

Phó tổng giám đốc một NH lớn tại TP.HCM cho hay khác với trước, thiết bị dùng để đánh cắp dữ liệu của tội phạm thẻ cũng ngày càng tinh vi hơn. Thay vì dùng thiết bị gắn ở ngoài đầu đọc thẻ để lấy cắp thông tin như trước, hiện nay các đối tượng dùng loại thiết bị gắn sâu bên trong nên khó phát hiện. 

Để vô hiệu hóa thiết bị này, các NH gắn thêm thiết bị để máy ATM sẽ tự động treo khi phát hiện có thiết bị lạ gắn vào máy. Có NH "bịt" chỗ có thể gắn thiết bị lạ của tội phạm.

Lãnh đạo Sacombank cho biết NH này đang áp dụng phương thức xác thực mới khi giao dịch bằng thẻ ATM. Theo đó, ngoài mã PIN, người rút tiền phải nhập dãy số ngẫu nhiên là một trong những thông tin cá nhân mà chủ thẻ đã đăng ký với NH như số CMND (hoặc thẻ căn cước, hộ chiếu), số điện thoại hoặc ngày tháng năm sinh. 

"Nếu nhập sai quá 3 lần, thẻ sẽ bị khóa và chủ thẻ sẽ phải liên hệ tổng đài, đến trực tiếp NH hoặc nhắn tin theo cú pháp quy định... để mở khóa thẻ. Sau một thời gian áp dụng, cách này cho thấy đã phát huy hiệu quả" - vị này nói.

Chiêu cũ vẫn "câu" được nạn nhân mới

Theo nhiều NH, chiêu mà tội phạm "diễn đi diễn lại" nhiều lần nhưng nhiều người vẫn lọt bẫy là gọi điện dọa công an sẽ gửi lệnh bắt vì nợ tiền, giả nhân viên NH thông báo những khoản nợ lạ, đánh cắp tài khoản Facebook người quen rồi chat nhờ nhận tiền từ nước ngoài chuyển về...

Cũng theo các NH, tên đăng nhập, mật khẩu đăng nhập, mã OTP là các tài sản của khách hàng để thực hiện các giao dịch trên tài khoản thanh toán.

Do đó, người dùng cần giữ bí mật tuyệt đối. Khách hàng không chụp hình các mặt của thẻ hay các thông tin về mã thẻ để gửi qua email, đưa lên các trang mạng xã hội. Kẻ gian khi có các thông tin này sẽ lợi dụng sơ hở để tìm cách chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Phải giữ thẻ ATM như tiền

Chuyên gia thẻ Trần Quang Thoại cho rằng thời điểm giáp tết cũng là cao điểm hoạt động của tội phạm. Do vậy người dùng cần cẩn trọng hơn nữa. Trước khi giao dịch cần quan sát kỹ ATM xem có bị gắn thiết bị lạ hay không, phải che tay khi nhập mã PIN, đặt mã PIN có các ký tự lạ, khó đoán, không dùng ngày tháng năm sinh hay biển số xe để đặt mã PIN.

"Cần bảo quản thẻ ATM như tiền và tuân theo các hướng dẫn cũng như cảnh báo sử dụng thẻ an toàn của NH. Khi sử dụng các dịch vụ trực tuyến, tuyệt đối không thực hiện gián tiếp thông qua các đường link nhận được từ email, tin nhắn hoặc trên trang web nào đó tạo ra mà phải truy cập trực tiếp vào trang chủ của NH" - ông Thoại khuyến cáo.

Chưa đến tết ATM đã lỗi, hết tiền, ngưng hoạt động Chưa đến tết ATM đã lỗi, hết tiền, ngưng hoạt động

TTO - Chưa vào mùa cao điểm trả lương thưởng cuối năm nhưng nhiều ATM đã trục trặc thời gian gần đây, khiến chủ thẻ có nhu cầu rút tiền chi tiêu không thể thực hiện được.

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên