27/11/2013 07:41 GMT+7

Tội nghiệp rau sạch!

TRẦN MẠNH 
TRẦN MẠNH 

TT - Trong khi người tiêu dùng đang lúng túng trong việc tìm mua rau và thịt sạch, nhiều nông dân sản xuất rau và chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt) lại khó tìm đầu ra, chưa kể sản phẩm được bán với giá hàng chợ.

QKyIWbgJ.jpgPhóng to
Nhiều HTX trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại TP.HCM khó mở rộng diện tích vì giá bán không khác rau thông thường. Trong ảnh: các xã viên của HTX rau an toàn Phước An sơ chế rau trước khi giao cho siêu thị Co.op Mart - Ảnh: Trần Mạnh

Tiêu chuẩn VietGAP là bộ tiêu chuẩn hoàn chỉnh nhất của VN nhằm hướng ngành nông nghiệp đến việc sản xuất thực phẩm thân thiện môi trường, truy nguyên được nguồn gốc và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn. Tuy nhiên, với đầu ra khó khăn và giá cả không thuận lợi, nhiều nông dân không còn mặn mà với việc sản xuất sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.

Giá chợ cũng khó tiêu thụ

Ông Đặng Văn Được (xã Nhuận Đức, Củ Chi, TP.HCM) tham gia dự án chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP quy mô nông hộ (VietGAHP) từ năm 2011 đến nay cho biết nuôi theo quy trình này khá vất vả. Heo phải được kiểm tra sức khỏe định kỳ, dùng các loại thức ăn và thuốc thú y được kiểm định, hằng ngày phải ghi chép nhật ký chăn nuôi. Tuy nhiên, hiện heo tại trại bán ra vẫn thông qua hệ thống thương lái và bán bằng giá heo thường.

"Chúng tôi nuôi heo sạch nhưng bán bằng giá heo thường trong khi công sức bỏ ra nhiều hơn"

Ông Đặng Văn Được

Ông Phạm Việt Sơn, HTX chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong (Củ Chi) nói mỗi tháng HTX cung cấp ra thị trường 3.800-4.500 con heo thịt đạt chuẩn VietGAHP, nếu tính cả heo nuôi thường thì lên đến 7.000 con. Tuy nhiên đến nay chưa có sản phẩm thịt heo VietGAP nào đến tay người tiêu dùng với chứng nhận thịt sạch, chưa kể việc tiêu thụ cũng rất khó khăn. Chẳng hạn, HTX Tiên Phong đã ký với Công ty Vissan ba hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhưng Vissan mua chưa đến 1% lượng heo của HTX bán ra hằng tháng. “HTX Tiên Phong cũng đã hợp tác với chợ đầu mối Hóc Môn nhưng chưa bao giờ chúng tôi bán được vào chợ bằng với giá bán cho thương lái bên ngoài” - ông Sơn cho biết.

Tương tự, các sản phẩm rau quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn được bán cho các hệ thống phân phối với giá không khác gì rau thường. Ông Võ Thành Dương, phó chủ nhiệm HTX rau an toàn Phước An (Bình Chánh), cho biết khả năng cung cấp của Phước An hiện nay là 6 tấn/ngày, trong đó cung cấp cho các siêu thị một nửa, phần còn lại phải bán ra ngoài thị trường. “Chúng tôi có thể tăng gấp đôi sản lượng nhưng giá bán cho siêu thị thấp hơn giá thị trường thì rất khó. Không những vậy, giá rau VietGAP, rau an toàn và rau trôi nổi bình bình nhau thì tư tưởng của người nông dân rất ngán ngại. Mình làm cực hơn mà giá bằng người ta dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu vô tội vạ sao được” - ông Dương cho biết.

Sẽ có hệ thống phân phối thực phẩm sạch

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Saigon Co.op cho biết đã đưa thực phẩm VietGAP vào các siêu thị và cửa hàng Co.op Food, trong đó lượng rau củ sản xuất tại TP là 30-40 tấn/ngày, bằng 30% tổng lượng rau củ tiêu thụ.

Theo vị này, do các nhà cung cấp tại Lâm Đồng đa dạng mặt hàng hơn, sản phẩm được người tiêu dùng ưa thích hơn nên phải theo thị hiếu khách hàng. Trong khi đó, các HTX trên địa bàn trồng những sản phẩm trùng lắp nhau, phần lớn là bầu, bí, dưa leo, khổ qua, dền, rau muống, cải... “Ngay những sản phẩm mà TP.HCM có thể sản xuất và đã sản xuất rồi như bông cải trắng, cà chua, rau bó xôi, hành lá, ngò rí, đậu cô ve, xà lách lá nhỏ... nhưng các HTX lại không trồng” - đại diện Saigon Co.op nói.

Bà Lê Ngọc Đào, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, thừa nhận hiện các hệ thống phân phối tại TP.HCM bán lượng rau củ từ các tỉnh ngoài như miền Đông Nam bộ, Đà Lạt chiếm tới 60% lượng bán ra. “Chúng tôi đang có kế hoạch phối hợp với ngành nông nghiệp triển khai các giải pháp hỗ trợ các nhà sản xuất tiêu thụ hàng VietGAP” - bà Đào nói.

Cụ thể, Sở Công thương TP.HCM sẽ kết hợp với các đơn vị liên quan để hình thành một chuỗi cửa hàng tiện lợi chuyên bán sản phẩm sạch đạt chuẩn VietGAP. Theo bà Đào, bước đầu sẽ xây dựng sáu cửa hàng Agrifood của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, sau đó mở rộng ra các siêu thị. “Tới đây, tại các chợ và siêu thị sẽ có riêng khu vực bán sản phẩm VietGAP, giá bán khác với sản phẩm rau thường” - bà Đào cho biết.

Trong khi đó, ông Trần Phương Đông, phó giám đốc dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết đến nay có 446 hộ dân tham gia VietGAHP chăn nuôi tại Củ Chi và Hóc Môn với quy mô trên 50.000 con, chưa kể heo VietGAHP của các HTX. Tuy nhiên, cái khó cho người chăn nuôi là đến nay chưa có điểm nào bán thịt heo có chứng nhận VietGAP. Theo ông Đông, hiện dự án đang phối hợp với các nhà cung cấp, giết mổ và chợ đầu mối Tân Xuân (Hóc Môn) để thí điểm chế biến và tiêu thụ heo VietGAHP.

“Chúng tôi cũng đang làm việc với Vissan, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn xây dựng những mô hình thí điểm kinh doanh thịt heo VietGAP tại các chợ đầu mối, siêu thị, điểm kinh doanh thực phẩm có bảng hiệu, đảm bảo nguồn gốc thật sự có gắn nhãn hiệu, logo, nhận diện thương hiệu các sản phẩm này” - ông Đông khẳng định.

Sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao “bí” đầu ra

Tại hội thảo “Phát triển và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp xanh vùng ĐBSCL” diễn ra ở Vĩnh Long ngày 26-11, hầu hết ý kiến đều cho rằng sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng cao và an toàn chưa được nhiều người dân tham gia do đầu ra sản phẩm không ổn định, giá thấp.

Ông Nguyễn Văn Hòa (viện phó Viện Cây ăn quả miền Nam) cho rằng các mặt hàng lúa gạo, trái cây, cá... sản xuất theo quy trình VietGAP, Global GAP... đều không có kênh riêng tiêu thụ, chưa có mối liên kết chặt chẽ giữa các địa phương sản xuất cùng ngành hàng và giữa người sản xuất với doanh nghiệp. Hậu quả là nhiều mô hình bị chết yểu. Chẳng hạn, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang) dù đi tiên phong trong việc xây dựng mô hình canh tác Global GAP nhưng cuối cùng đã “chết” vì giá bán không cao hơn vú sữa thường và hợp tác xã không có tiền để tái chứng nhận tiêu chuẩn này. Bưởi Năm Roi ở Bình Minh (Vĩnh Long) cũng sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP một thời gian rồi chỉ còn cái tiếng.

Theo một số chuyên gia, thời gian qua các mô hình này chỉ mới tập trung các giải pháp kỹ thuật chứ chưa tính tới chuyện tiếp cận thị trường và thu nhập của nông dân nên khó duy trì bền vững và mở rộng. Các sản phẩm đạt chuẩn GAP vẫn chưa được đánh giá tương xứng, đầu ra sản phẩm còn bấp bênh, sản phẩm chưa có kênh tiêu thụ riêng. Chưa được hưởng lợi từ GAP trong khi phải đầu tư thêm nhiều chi phí, nên không có gì đảm bảo người nông dân sẽ không bỏ GAP mà trở về lối sản xuất nông nghiệp truyền thống.

TRẦN MẠNH 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên