Phóng to |
“Truyền miệng tầm phào”
Dường như đã tiên liệu sẵn sẽ bị chất vấn về việc có hay không hứa sẽ hết quá tải bệnh viện vào cuối nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đã mang sẵn phần bóc băng trả lời chất vấn Quốc hội vào kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 12 để chứng minh.
Ông Triệu nói: “Vấn đề này là chuyện truyền miệng tầm phào. Năm 2009 Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bộ Thông tin - truyền thông và trên 200 báo rằng chưa khi nào trước cuộc họp Quốc hội, Chính phủ, Ban Bí thư, bộ trưởng Bộ Y tế nói sẽ giảm tải trong 2, 3 hay 4 năm. Bộ Y tế chỉ nói cố gắng quyết tâm được bao nhiêu đỡ khổ cho dân bấy nhiêu, còn 2, 3 hay... 10 năm mới giảm quá tải là tùy bệnh viện”.
Vấn đề giá thuốc và chuyện bác sĩ kê đơn hưởng hoa hồng hãng dược cũng được nhiều đại biểu đặt ra. Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho rằng: “Nhiều lần bộ trưởng đã trả lời sẽ giải quyết chuyện giá thuốc tăng. Nhưng thời gian qua vấn đề này vẫn tồn tại, vẫn khiến người dân bức xúc”.
Ông Triệu cho rằng mười tháng đầu năm 2010, 11 mặt hàng thiết yếu tăng 8,6%, chỉ số giá thuốc chỉ tăng 3,2%. “Tổng cục Thống kê ký tên đóng dấu, các đồng chí chịu trách nhiệm trước pháp luật. Theo tôi, 95% số mặt hàng thuốc thuộc nhóm thị trường hoàn hảo, tức đủ số lượng mặt hàng, cạnh tranh minh bạch, 95% này kéo 5% còn lại là nhóm mặt hàng bị độc quyền, làm giá, gây bức xúc”.
Theo ông Triệu, Luật dược 2005 mới quan tâm điều chỉnh nhóm thị trường hoàn hảo, chưa quan tâm nhóm còn lại. “Ý kiến đại biểu phản ánh thực tiễn. Nhóm phần trăm mặt hàng thuốc hay tăng giá, cơ chế phải khác”- ông Triệu khẳng định.
Đại biểu Nguyễn Đình Liêu (Ninh Thuận) bức xúc đặt câu hỏi: “Một vấn đề không phức tạp nhưng lại kéo dài, cử tri quá bức xúc, liên tục kiến nghị mà chưa thấy chuyển biến, trong khi tai nạn giao thông diễn ra hằng ngày mà người có bảo hiểm y tế bị tai nạn giao thông vẫn mòn mỏi chờ thanh toán chi phí do thủ tục không rõ ràng, không thống nhất giữa Bảo hiểm xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính”.
Ông Triệu cho rằng Bộ Y tế đã nhận phần khó về cơ quan quản lý nhà nước, đưa phần dễ về phía người dân, tức là bị tai nạn giao thông bệnh viện cứ khám chữa bệnh, nếu không vi phạm Luật giao thông thì bảo hiểm thanh toán chi phí, phạm luật thì phải hoàn trả chi phí kèm theo chế tài.
“Nhưng thông tư này lại là liên tịch với các bộ ngành bảo hiểm, tài chính... Có ý kiến khác nhau nên chúng tôi đã xin ý kiến thường trực Chính phủ. Chắc là trong thời gian sớm nhất, Thủ tướng, phó thủ tướng có ý kiến thì bộ sẽ ký”- ông Triệu hứa.
Cử tri giám sát
Trong suốt phần trả lời của mình, ông Triệu luôn cho rằng những điều ông nói ra là trực tiếp, nhiều người xem, cử tri giám sát... Bộ trưởng cho rằng đất nước mới thoát nghèo, mới khỏi đói thôi thì ngành y cũng không thể vượt trên đó quá được.
Ông Triệu cũng dẫn một số thành tựu như tuổi thọ tăng, tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi, sản xuất được hầu hết văcxin trong chương trình tiêm chủng, có hệ thống y tế đến tuyến xã... và cho rằng tuy không tự mãn nhưng cũng có nhiều cái ngành y tế làm tốt.
Tuy nhiên, qua phiên chất vấn có cảm giác rằng những vấn đề còn tồn tại, những cái “chưa tốt lắm” vẫn chưa có biện pháp gì giải quyết thấu đáo, có trách nhiệm, như quá tải bệnh viện, giá thuốc, thủ tục bảo hiểm y tế rườm rà, thiếu nhân lực y tế... vẫn phải chờ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận