09/06/2019 11:45 GMT+7

Tôi không dùng túi nhựa, còn bạn?

X.L. - T.MAI
X.L. - T.MAI

TTO -"Chống rác thải nhựa" không còn là khẩu hiệu mà trở thành nguyên tắc sống của nhiều người. Không chỉ vậy, những người này còn truyền lửa để thói quen này phổ biến sâu rộng hơn trong cộng đồng. Dưới đây là một số kinh nghiệm chống rác thải nhựa.

Tôi không dùng túi nhựa, còn bạn? - Ảnh 1.

Hành khách ngồi bên đống rác tại trạm đón xe buýt ở quận Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

* Chị Nguyễn Thu Trang (35 tuổi, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội):

Không lệ thuộc vào túi nhựa

Một lần tôi xem phim về rác thải nhựa, thật khủng khiếp bởi mình cũng góp phần tạo ra sự khủng khiếp đó. Từ đó, tôi xác lập nguyên tắc từ bỏ sự lệ thuộc vào túi nhựa, kể cả giảm bớt lượng rác thải sinh hoạt trong gia đình.

Tôi không dùng túi nhựa, còn bạn? - Ảnh 2.

Chị Nguyễn Thu Trang

Từ năm 2017, tôi hạn chế dùng đồ nhựa, bắt đầu từ việc không mua những nước uống đóng chai nhựa và chuyển sang dùng bình inox đựng nước lọc. Rồi trong túi xách luôn có muỗng, ống hút inox cho bản thân và cả hai con nhỏ.

Ra chợ, các chị bán hàng thoải mái dùng túi nilông. Không, tôi đưa ra túi dùng nhiều lần của riêng tôi, vậy là bớt đi một chiếc túi nilông vứt ra môi trường. Họ hiểu nguyên tắc và thói quen của tôi. Cứ thế, tôi nghĩ những chị bán hàng một ngày nào đó cũng suy nghĩ và làm như tôi.

Tương tự, với người quen, bạn bè, tôi không ép buộc nhưng cố gắng chia sẻ nguyên tắc của mình. Chẳng hạn như bạn đến nhà mang theo đồ uống đựng trong ly nhựa dùng một lần, tôi không dùng với lý do gia đình từ lâu đã quen không còn dùng đồ nhựa một lần. Vậy là bạn hưởng ứng.

* Chị Nguyễn Thị Mai (khu chung cư Hoàng Anh, Thảo Điền, quận 2, TP.HCM):

Tôi làm được, anh chị cũng làm được

Gia đình tôi từ năm 2018 đã triệt để không dùng đồ nhựa một lần, không dùng túi nilông. Vì ở trong chung cư, khu nhà tôi ở có lập ra những nhóm Viber, Zalo, Messenger thông tin về những vấn đề trong khu, trong đó có kêu gọi mọi người hạn chế dùng đồ nhựa một lần, túi nilông và đều được mọi người trong chung cư hưởng ứng thực hiện. 

Thậm chí chủ nhà còn "truyền lửa" cho người giúp việc khi dặn dò mang theo hộp, túi sử dụng nhiều lần, không mang túi nilông về. Và đến nay, nhiều chị giúp việc đã ra chợ với túi vải, có chị cầm làn, hộp nhựa dùng nhiều lần...

Tôi không dùng túi nhựa, còn bạn? - Ảnh 3.

Chị Nguyễn Thị Mai

Để "lửa lan rộng", chúng tôi chọn những slogan tuyên truyền chống rác thải nhựa, đồ nhựa dùng một lần, túi nilông để mọi người cùng tham gia. Dự kiến in tờ rơi cho các con phát tại chợ, còn người lớn tặng túi vải, túi thân thiện với môi trường cho người đi chợ. Một số siêu thị có bán túi thân thiện với môi trường giá từ 10.000 - 12.000 đồng/chiếc. 

Chúng tôi sẽ đặt may túi vải hoặc làm việc với quản lý ở siêu thị để họ chung tay bảo vệ môi trường, bán lại giá thấp hơn. Khi có túi, chúng tôi sẽ cùng con em tới chợ Thảo Điền ở gần nhà để tặng hoặc vận động họ tự trang bị túi. Nếu hiệu quả tốt, chúng tôi sẽ làm tiếp ở những khu chợ lân cận.

* Chị lê Thị Thanh Huyền (khu đô thị Mễ Trì Hạ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội):

Thử đi, đâu có gì khó!

Ở nước ngoài họ cũng xả nhiều rác, nhưng họ có công nghệ tái chế và xử lý triệt để. Còn ở Việt Nam, phần lớn rác được thải ra môi trường. Chúng ta cũng dùng túi nilông, đồ nhựa nhưng khi thải ra bỏ lẫn lộn nên khó tái chế.

Tôi không dùng túi nhựa, còn bạn? - Ảnh 4.

Chị Lê Thị Thanh Huyền

Ngày trước, khi tìm kiếm cách thay thế đồ nhựa, túi nilông, lúc đầu cũng bỡ ngỡ nhưng rồi thấy hoàn toàn tiện lợi. Đi chợ, mang theo túi xách vải với 2-3 cái hộp nhựa loại dùng nhiều lần để đựng thịt cá, thật sạch nhưng chẳng xả cái túi nhựa nào. Xem ra hạn chế rác thải nhựa, nói to tát nhưng lại đơn giản nếu mỗi người chịu khó thay đổi ở những lần đầu, sau đó tạo thành thói quen.

Tạo thói quen, nên bắt đầu từ những chuỗi nhà hàng, nơi bán đồ uống đựng trong đồ nhựa dùng một lần. Một khi chủ kinh doanh thay đổi chuyển sang dùng ly thủy tinh, túi giấy, rác thải phát sinh ra môi trường sẽ giảm đi rất nhiều.

* GS.TS Đặng Huy Huỳnh (phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN):

Đeo túi vải đi họp

Bao năm qua tôi vẫn đi làm, họp hành với chiếc túi vải, cũng không dùng túi nilông, đồ nhựa một lần lại càng không. Nhiều bạn bè quốc tế biết tôi đam mê đa dạng sinh học, họ tặng tôi quà làm từ chất liệu thiên nhiên. 

Khi có thêm những túi vải tôi lại mang về cho con cháu, rằng cứ bỏ vào cốp xe, khi đi chợ thì dùng đựng đồ, con tôi cũng làm như vậy. Đi chợ với những chiếc làn tre, giỏ tre, đồ dùng gói bằng các loại lá tự nhiên có sao đâu.

Tôi không dùng túi nhựa, còn bạn? - Ảnh 5.

GS.TS Đặng Huy Huỳnh

Để bớt rác thải nhựa, cơ quan, doanh nghiệp phải tiên phong. Ví dụ trong phòng họp, bỏ hẳn đồ uống đựng trong chai nhựa. Rồi doanh nghiệp may mặc, vải lành thì may sản phẩm chính, vải thừa có thể ghép thành túi vải bán rẻ hoặc tặng các bà nội trợ. Hãy làm như ở nước Nga mà tôi đã chứng kiến, mua một món hàng, họ đưa hàng, nếu muốn có túi nhựa để đựng, phải đưa thêm tiền. Vậy là bớt xài túi nhựa.

* Ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường:

Chống xả rác thải nhựa ngay trong khu dân cư

tranhongha-hopbaocp-2-1507034014233 3(read-only)

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà

Thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Giảm thiểu chất thải từ nhựa, nilông đã trở thành yêu cầu cấp bách. Tuy nhiên, ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề có tính liên vùng, vì thế muốn giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của các các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và từng người dân.

Cùng với các giải pháp về quản lý, từ cuối năm 2018 Bộ TN-MT đã phát động phong trào "chống rác thải nhựa" nhằm kêu gọi có những hành động thiết thực, thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, bao gồm cả túi nilông khó phân hủy, ngay hôm nay và ngay bây giờ.

Phong trào "chống rác thải nhựa" rất cần sự tham gia trực tiếp của cộng đồng, của đông đảo người dân. Vì thế tôi kêu gọi người tiêu dùng từ bỏ hành vi, thói quen sử dụng túi nilông khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần, khuyến khích sử dụng các sản phẩm dễ phân hủy, có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường. Các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

Ngay lúc này, trước hết bắt đầu từ việc giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa và nilông khó phân hủy, đặc biệt là các sản phẩm nhựa dùng một lần. Rất mong có nhiều hơn những mô hình "chống rác thải nhựa" hiệu quả, lan tỏa trong từng khu dân cư và thêm nhiều người dân cùng hưởng ứng. Bộ TN-MT sẽ có nhiều giải pháp quản lý để đối phó với ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa và túi nilông khó phân hủy gây nên.

XUÂN LONG

Tôi không dùng túi nhựa, còn bạn? - Ảnh 8.

Nguồn: X.LONG - Đồ họa: V.CƯỜNG

Xấu hổ vì đã xả rác ra biển

* Sáng nay (9-6) tại Hà Nội, Bộ TN-MT, UBND TP Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức lễ ra quân toàn quốc thực hiện phong trào chống rác thải nhựa.

* Sáng 8-6 tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên VN phối hợp với chính quyền tỉnh Quảng Ngãi tổ chức chiến dịch "Hãy làm sạch biển" với chủ đề "Tử tế với đại dương".

Rất nhiều bạn trẻ trước khi dọn rác đã chụp ảnh bờ biển với rác thải ngổn ngang và bờ biển sạch đẹp sau khi dọn đăng lên mạng xã hội kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường. Nhiều người nhìn thấy những người trẻ vã mồ hôi dọn dẹp đã xấu hổ vì rác thải họ xả ra biển. Lời hứa "không xả rác thải ra biển" của người dân khiến những người trẻ cảm thấy ấm lòng.

Gánh nặng rác thải nhựa đang đè nặng Việt Nam Gánh nặng rác thải nhựa đang đè nặng Việt Nam

TTO - Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia hàng đầu phải chịu trách nhiệm cho khoảng 13 triệu tấn nhựa được thải ra đại dương/năm.

X.L. - T.MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên