13/02/2018 15:43 GMT+7

'Tôi không có nhu cầu trốn Tết!'

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - 'Như nhiều ông 60 khác, tôi chẳng có nhu cầu trốn Tết. Tết là thời gian để sống chậm', họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ.

Họa sĩ "U60" Lê Thiết Cương có một cuộc đời bận rộn. 

Đầu anh lúc nào cũng tràn ngập ý tưởng cho các sự kiện triển lãm tranh quanh năm, suốt tháng. 

Gallery 39A Lý Quốc Sư, đồng thời cũng là ngôi nhà mẹ con anh đang ở là điểm đến yêu thích của bạn hữu văn nghệ.

Tôi không có nhu cầu trốn Tết! - Ảnh 1.

Họa sĩ Lê Thiết Cương và mẹ - bà Đỗ Phương Thảo

Mẹ của Lê Thiết Cương là bà Đỗ Phương Thảo - nữ quay phim truyện đầu tiên của điện ảnh Việt Nam là một phụ nữ nấu ăn rất ngon. Bà là một trong những lý do khiến bạn hữu của Lê Thiết Cương năng lui tới chơi, bởi ai cũng muốn thưởng thức những món ăn bà nấu.

Năm ngoái bà đã ra cuốn sách Bếp ấm của mẹ, kể lại những hồi ức gia đình, tràn ngập hương vị của những món ăn được người bác nấu bằng tất cả sự khéo léo và tình yêu thương.

Phóng viên đã trò chuyện với Lê Thiết Cương và mẹ của anh vào những ngày giáp Tết, để tìm hiểu xem gia đình làm nghệ thuật này chuẩn bị Tết như thế nào.

Bà Đỗ Phương Thảo cho biết bà cũng đứng về "phe" bảo vệ Tết Nguyên đán.

Dù việc chuẩn bị nấu nướng vào dịp Tết đôi lúc khiến bà mệt mỏi, nhưng bà vẫn muốn giữ được nếp nhà nên không tiếc công nấu ăn. Bà người rất cầu kì trong nấu nướng vì mong những người thân trong gia đình được ngon miệng.

Ngày Tết bà lại lui cui trong bếp chuẩn bị các món ăn để dâng lên tổ tiên. Bà cho biết mâm cỗ tất niên ngày Ba Mươi Tết của gia đình luôn là những món ăn truyền thống.

Mâm cỗ này gồm có bốn bát chứa đựng những thức ăn từ rừng, biển, từ những sản vật do con người làm ra. Đó là bát canh măng, bát mực, bát bóng và bát miến. Ngoài ra sẽ có sáu hoặc tám đĩa đựng: bánh chưng, giò, chả, nộm, nem chua, hạnh nhân (để uống rượu).

Ngoài ra bà thường tự tay làm bánh chả, bánh dừa để thết đãi khách ngày Tết.

Riêng ngày mùng Một và mùng Hai gia đình bà chỉ cúng bánh, mứt kẹo, dâng trà "để các cụ đi du xuân có đảo về nhà cũng có đồ ăn thức uống".

Ngày mùng Một cả gia đình sẽ ăn chay. Bà Đỗ Phương Thảo sẽ tụng kinh Di Lặc, để cầu bình an, cầu niềm vui cho mọi người.

Ngày mùng Ba hóa vàng, bà sẽ làm món cuốn ngỏ gia truyền để dâng lên tổ tiên.

Món này gồm 7 đĩa: bún; tôm đồng tươi hấp nhạt; đĩa thịt ba chỉ luộc cắt khổ nhỏ và thái mỏng; đĩa rau thơm; đĩa lạc rang; đĩa dưa góp; đĩa rượu nếp cái và đặc biệt là bát nước chấm đặt ở giữa bàn.

Sau ba ngày Tết ăn nhiều món, ăn món cuốn thanh cảnh này rất hợp bụng.

* Giờ thì nhà nhà, người người trốn Tết. Anh có bao giờ có ý định đó không?

 - Tôi chẳng bao giờ trốn Tết. Tôi không thích đi mua vé máy bay đi du lịch nước ngoài vào ngày Tết. 

Người trẻ họ thấy thế là hay, còn tôi thì Tết nhất chỉ thích ở nhà ăn Tết truyền thống.

* Lê Thiết Cương nổi tiếng kĩ tính, cầu kì, không biết anh chuẩn bị Tết có gì khác các gia đình bình thường không?

- Tôi thường thích uống trà mộc của Thái Nguyên, tức là loại trà không ướp các loại hương hoa, chỉ có vị trà. 

Ở Hà Nội có một địa chỉ bán loại trà Thái Nguyên rất ngon, phải đến đó mới mua được.

Tôi thích đọc sách nên Tết sẽ bỏ xuống khỏi giá những cuốn sách mình yêu thích. Tết nhất yên tĩnh rất thích hợp cho việc đọc sách.

Tôi cũng chuẩn bị một cái toan lớn, đã vẽ phác thảo sẵn rồi, và chuyển nó vào trong phòng vẽ. Tôi sẽ vẽ vào mùng Một hoặc mùng Hai.

Mẹ tôi là một người rất cẩn thận, cầu kì trong nấu nướng. 

Điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến tôi. Nhưng tôi nghĩ đó là những phẩm chất phù hợp với người làm nghệ thuật.

* Anh có phải người cầu kì về chơi hoa?

- Tôi không thích những cành đào to, lênh khênh và càng không thích những cành chặt trên rừng, trên núi mang về đây bán.

Tôi sẽ mua một cành đào phai, thật nhỏ thôi, hoặc một cây quất nhỏ xíu có thể để trên cái kệ. 

Dù ở gần nhà cũng có hoa, nhưng vì là người phố cổ nên tôi vẫn giữ thói quen đi ra chợ hoa Hàng Lược.

* Anh nghĩ thế nào về ý kiến sáp nhập kỳ nghỉ tết âm lịch vào dương lịch?

- Chị Nguyễn Thị Minh Thái bạn thân của tôi mới đây có trả lời trên báo là nên bỏ Tết cổ truyền để ăn theo Tết dương lịch. 

Tôi phải nói thẳng là tôi không thích ý kiến này. Khi nào có dịp tôi sẽ phải trao đổi lại với chị ấy.

Slogan của tôi là: Tại sao không làm việc ít đi để sống chậm lại một chút. 

Người trẻ thì cần làm việc nhiều hơn và nhanh hơn cũng là lẽ thường. 

Nhưng còn ở tuổi tôi và tuổi của chị Minh Thái thì nên sống chậm lại để sống được nhiều hơn.

Tết là trạm nghỉ của thời gian, là quy luật nằm trong sự vận hành của vũ trụ, là xuân hạ thu đông, là tứ quý bốn mùa, là giai đoạn để chúng ta nghỉ ngơi trước khi bước vào một năm bận rộn mới.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ!

"Tôi kì cạch nấu nướng cũng là vì muốn duy trì truyền thống. Đất nước mình bao nhiêu năm chiến tranh, có còn gì nhiều đâu, nên còn cái Tết thì phải giữ. Tết là dịp để gia đình gặp mặt, để ôn lại truyền thống. Mình cầu kì chuẩn bị cho con cháu, sau này đến đời con nó lại có trách nhiệm truyền lại cho con của nó. Tết là cội nguồn văn hóa, là điều làm sức mạnh của dân tộc."à Đỗ Phương Thảo.

Tôi không có nhu cầu trốn Tết! - Ảnh 4.

Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo ngày 23 tháng Chạp do mẹ của họa sĩ Lê Thiết Cương chuẩn bị - Ảnh: NVCC

Tôi không có nhu cầu trốn Tết! - Ảnh 5.

Món bún thang do bà Đỗ Phương Thảo thực hiện - Ảnh: NVCC

Tôi không có nhu cầu trốn Tết! - Ảnh 6.

Món cuốn ngỏ bà Đỗ Phương Thảo thường làm vào mùng Ba Tết - Ảnh: NVCC

Tôi không có nhu cầu trốn Tết! - Ảnh 7.

Món kẹo lạc, bánh chả do chính tay bà Đỗ Phương Thảo làm - Ảnh: NVCC

Tôi không có nhu cầu trốn Tết! - Ảnh 8.

Cành đào phai của nhà họa sĩ Lê Thiết Cương - Ảnh: NVCC

Tôi không có nhu cầu trốn Tết! - Ảnh 9.

Một cành bích đào nhỏ được cắm ở góc phòng - Ảnh: NVCC

Tôi không có nhu cầu trốn Tết! - Ảnh 10.

Lọ hoa violet tại Gallery 39 - Ảnh: NVCC

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên