13/11/2020 15:48 GMT+7

Tôi đi làm công nhân - Kỳ 5: Những nỗi lòng sau giờ làm

TÂM LÊ
TÂM LÊ

TTO - Có việc làm giúp người lao động phổ thông có được lương tháng, trang trải được cuộc sống. Nhưng áp lực giờ giấc và cảnh xa nhà, xa con cái khiến đời sống nhiều công nhân rơi vào cảnh vợ chồng ly tán, gánh nặng đè lên vai bố mẹ già.

Tôi đi làm công nhân - Kỳ 5: Những nỗi lòng sau giờ làm - Ảnh 1.

Xa nhà và nặng nỗi niềm riêng, các công nhân nữ gắn bó, ủi an nhau - Ảnh: TÂM LÊ

Mỗi người một cảnh vào đời thợ

Đợt tuyển dụng mới này ở KCN Vsip Bắc Ninh, số lượng các bạn trẻ 9X, 2K (sinh từ năm 2000) chiếm đa số, 8X như tôi đã thuộc độ tuổi "hiếm". Chỉ khi vào nhà máy hay ở xóm trọ, tôi mới gặp những công nhân có thâm niên ba năm, bảy năm.

Cùng công đoạn dây chuyền "check on power" - kiểm tra phần bật nguồn sản phẩm điện tử của tôi có Phan Thanh Nam, 25 tuổi, quê ở Sóc Sơn, Hà Nội. Nam có một cửa hàng nội thất gỗ nhưng vừa rồi dịch phải đóng cửa, nợ ngân hàng hơn 200 triệu đồng. "Tôi không nghĩ sẽ làm công nhân, nhưng kiếm công việc khác lúc này tiền bữa có bữa không thì nguy" - Nam tâm sự.

Còn Nguyễn Như Hùng quê ở Thanh Chương, Nghệ An, đang phụ trách một nhóm làm nghề xây dựng tại Hà Nội. Dịch Covid-19 đến làm cả nhóm mất việc, Hùng phải "cắm" (thế chấp) hai xe máy để lấy tiền trả nợ và lương cho công nhân. Bây giờ còn nợ tiền lãi của ông chủ tiệm cầm đồ, Hùng cho biết: "Làm việc ở đây tôi sẽ cố dành trả nợ". Anh hi vọng hết dịch bệnh, công việc cũ sẽ ổn định trở lại để về Hà Nội làm tiếp.

Vợ chồng Ngô Văn Tùng và Nguyễn Thị Mơ quê ở Diễn Châu, Nghệ An, đang làm công nhân ở Malaysia được 5 năm. Dịch bệnh phải về quê, nhưng họ chưa thể trở lại. "Vợ chồng chỉ làm tạm ở đây, hết dịch chúng tôi sẽ bay sang Malaysia. Công việc bên đó đang tốt" - Tùng trải lòng.

Một bạn nam tên Cường làm cạnh dây chuyền của tôi có gia đình ở gần KCN, thuộc làng gỗ Đồng Kỵ của thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh. Cường vừa tốt nghiệp cấp III, là con trai duy nhất trong gia đình làm gỗ truyền thống nên được cha mẹ cho kế thừa xưởng gỗ. Nhưng "cậu ấm" không thích cái nghề mà cậu cho là "nhàm chán", lại đang thời kỳ làm ăn khó khăn nên muốn tự tìm nghề theo đam mê.

Ước mơ của Cường là học đồ họa vi tính, sợ cha mẹ không đồng ý chu cấp học phí nên Cường đi làm công nhân để gom tiền. Quả là một mục tiêu lớn lao!

Thế hệ 8X như tôi thì có Bùi Thị Hiền, ở huyện Lạc Sơn, Hòa Bình, là công nhân lâu năm. Hiền nghỉ việc ở công ty may để về quê xây lại nhà bếp và công trình phụ cho gia đình. Chồng vẫn làm ở KCN nên hết việc nhà, Hiền lại xuống làm cùng. Vì không muốn làm ở công ty cũ chế độ thấp, Hiền nộp hồ sơ ở công ty mới có chế độ tốt hơn.

Tôi đi làm công nhân - Kỳ 5: Những nỗi lòng sau giờ làm - Ảnh 2.

Chị Bùi Thị Vy gọi video về cho con mỗi ngày để đỡ nhớ - Ảnh: TÂM LÊ

Nhiều gia đình tan vỡ!

Tôi có đủ thời gian để làm quen với nhiều cảnh đời công nhân và điều ngạc nhiên nhất là khá nhiều nữ công nhân cho biết đã ly hôn chồng.

Sau thời gian ở cùng xóm trọ đến mức thân quen, các chị mới trải lòng với tôi về chuyện riêng tư. "Mình xa nhà, công việc vất vả nhưng có ai hiểu cho mình đâu" - chị Bùi Thị Vy (39 tuổi, quê ở Lạc Sơn, Hòa Bình) thở dài, cúi vuốt ống quần đang mặc nhăn nheo, cũ kỹ.

Chị làm công nhân được 7 năm thì vợ chồng ly hôn đã 3 năm. Tôi gặp lần nào, chị cũng bảo làm công nhân chán, chắc đi xin làm phụ hồ. Có bữa tôi thấy chị mua nguyên liệu, dụng cụ về học làm bánh gato, tính về quê mở tiệm làm bánh.

Chồng chị ở quê làm ruộng và làm thêm thợ hồ, nhưng lúc nào cũng nghi ngờ vì chị đi làm xa. "Ở nhà lấy đâu ra lương, đi làm thì xin được làm chủ nhật để có thêm tiền nhưng anh ấy bảo ngày nghỉ cũng không về quê, ở dưới đó mà hú hí" - chị Vy buồn kể.

Đúng là công nhân đi làm, ai cũng mong được làm ngày chủ nhật để được lương gấp đôi ngày thường. Tôi chợt nhớ những công nhân mới hay than vãn: "Chưa được làm chủ nhật thì lương sẽ không được 9-10 triệu/tháng đâu, cao lắm 7 - 8 triệu là cùng".

Hai con chị Vy đã lớn, chi tiêu càng tăng. Mỗi lần về quê thăm con, chồng cũ và gia đình bên chồng lại đánh tiếng: "Cần mua gì, cần đóng tiền học, cần đi công viên thì đi mà hỏi mẹ mày ấy". Nhưng không phải lần nào chị cũng có lương để mang về, mà không về thì nhớ con.

Cạnh phòng trọ của tôi có Bùi Thị An, quê ở Như Thanh, Thanh Hóa. Mọi người hay trêu An là "người đẹp buồn". An ít tiếp xúc, ít cười nói, về phòng lại đóng kín cửa. Phải mất đến hơn mười ngày tôi mới bắt chuyện được. An năm nay 36 tuổi, đã ly hôn nhiều năm, giờ một nách nuôi hai con nhỏ.

"Mệt mỏi lắm! Con cái họ bỏ bê, không chu cấp đồng nào" - An than thở. Đợt dịch covid-19, lương mỗi tháng bấp bênh, hai tuần nay lại hết việc, An phải tạm nghỉ nên chỉ có lương cơ bản 70% của 4,5 triệu đồng. "Hai đứa nhỏ đang học, bà ngoại đau ốm suốt, tôi vừa nhờ người mua được thuốc. Sáng mai chạy xe máy về thăm nhà, đợi khi nào có việc công ty mới gọi", An nói.

Đào Thị Chính, 26 tuổi, ở vùng quê ven TP Tuyên Quang, là người phụ nữ trẻ tôi gặp những ngày nộp đơn xin việc. Dáng người cô đậm, thấp, nước da ngăm đen nhưng nét duyên ở khuôn mặt, đôi mắt và cách kể chuyện khiến người đối diện bị thu hút.

Con gái 5 tuổi của Chính đang ở cùng bà ngoại, vợ chồng Chính ly hôn đã gần một năm. Mối quan hệ vợ chồng rạn nứt từ khi có con gái đầu lòng, người chồng ngoại tình, bố chồng lại thường yêu cầu gửi tiền về quê.

Chính và chồng cũ từng làm cùng KCN. "Bọn em yêu nhanh, cưới nhanh, mẹ giục cưới sớm để khỏi có chửa trước như chị gái, dân làng sẽ dị nghị" - Chính kể chị gái mình cũng làm công nhân, sinh con xong mới tổ chức đám cưới.

Những tháng đầu mới về làm dâu, bố chồng đã ra "chỉ tiêu" cho hai vợ chồng Chính mỗi tháng phải gửi tiền về 3-4 triệu đồng để ông tiêu. Trong khi ông còn trẻ, khỏe, còn sức lao động. "Vợ chồng làm mỗi tháng chi tiêu xong còn 7 triệu để phòng lúc ốm đau, sinh con cái, nhưng ông vẫn cứ bắt gửi tiền về mỗi tháng" - Chính trải lòng.

Áp lực công việc, gia đình, tiền bạc, tình cảm vợ chồng khiến Chính rơi vào trầm cảm. Ngày Chính làm đơn ly hôn, bố chồng tìm mọi cách cản trở, ông bảo vệ con trai, giành quyền nuôi cháu gái. Đến khi con gái ôm chặt mẹ không rời, bố chồng mới hạ sách bằng một quyết định: "Nếu chị giữ con thì tự mà lo liệu". Và Chính phải tự chăm sóc con mà không có trợ cấp của chồng.

Mấy năm qua, Chính vẫn nuôi con nhờ đồng lương công nhân cần mẫn của mình và may mắn được bà ngoại giúp sức. Lúc công việc khó khăn, Chính phải chạy xe đến nhiều KCN để tìm việc mới. "Đi làm xa nhớ con lắm, nhưng không có tiền gửi về càng lo hơn" - cô thở dài.

Chính còn trẻ, có nam công nhân sẵn sàng dang tay đón hai mẹ con. Nhưng cô băn khoăn: "Người cha mới có thực sự yêu thương con gái mình không?". Chính thương con, sợ con khổ, và cô lại cặm cụi làm thân cò một mình nuôi con...

Chị Hoàng Thị Yên, sinh năm 1983, quê ở Tuyên Quang, trong xóm hay gọi "bà béo vui tính" cũng đã ly hôn chồng 2 năm trước. Anh chồng "công tử" của chị đi lên bản rồi phải lòng cô gái vùng cao, sống với nhau như vợ chồng. Ngày chị biết tin đã dứt khoát nói lời chia tay, rồi về gia đình mẹ một mình. Từng là y tá ở trạm y tế xã, nhưng nhiều năm không được vào biên chế, lương ba cọc ba đồng nên chị bỏ đi làm công nhân.

Vợ chồng, anh em, thậm chí mấy mẹ con cùng đi làm nhà máy, vì quê thiếu việc...

Kỳ tới: Cả nhà làm công nhân

Tôi đi làm công nhân - Kỳ 4: Tôi đi làm ca đêm Tôi đi làm công nhân - Kỳ 4: Tôi đi làm ca đêm

TTO - Đầu óc trống rỗng, người lơ ngơ như chân không chạm đất, mắt khô khốc, cay xè. Ngày trằn trọc không ngủ được, khi chợp mắt lại mơ màng, mệt lả không muốn dậy… Đó là trạng thái của tôi những ngày đầu làm ca đêm.

TÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên