16/04/2017 16:46 GMT+7

Tôi đi dự lễ duyệt binh

TRỌNG THÙY (từ Bình Nhưỡng, CHDCND Triều Tiên)
TRỌNG THÙY (từ Bình Nhưỡng, CHDCND Triều Tiên)

TTO -Bình Nhưỡng mấy bữa nay chộn rộn hẳn. Đặc biệt chính lễ 15-4 với hàng loạt sự kiện kỷ niệm sinh nhật lần thứ 105 cố chủ tịch Kim Nhật Thành.

Tôi cũng có tâm trạng chờ đón ngày này, kể từ khi nhận được thông báo của phía chủ nhà một tuần trước đó: sẽ có giấy mời dự lễ duyệt binh. Vậy mà phải mãi 23h đêm 14-4 giấy mời mới tới. Nói theo cư dân mạng, có một sự thấp thỏm không hề nhẹ.

Đại lễ 15-4. Người dân Triều Tiên được nghỉ làm, trẻ con được nghỉ học.

Tôi đã sẵn sàng cho một ngày mới hứa hẹn đầy lý thú. 7h dậy, ăn sáng và 8h leo lên xe. 8h20 đến điểm tập trung thứ nhất ở tháp kỷ niệm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên: kiểm tra an ninh lần một. Sau đó di chuyển đến điểm “check in” quảng trường Kim Nhật Thành: kiểm tra an ninh lần hai. Cửa vào số 1 tương tự cửa an ninh sân bay. Rồi tới máy dò kim loại số 2. Tất cả điện thoại, thiết bị điện tử đều được yêu cầu bỏ lại bên ngoài. Để “chắc cú”, tôi đã để chúng lại ôtô trước khi bước xuống.

9h40, tôi mới lên được khán đài ngồi đợi. 10h, lễ duyệt binh, diễu hành bắt đầu. Một sự kiện hoành tráng với cả triệu người.

Tôi để ý thấy khách mời như mình chừng 1.000 người, bao gồm cán bộ nhân viên ngoại giao, bà con Triều kiều từ các nước và lưu học sinh đang học tập, nghiên cứu tại Bình Nhưỡng. Nghe nói phóng viên quốc tế chừng 200 người. Không rõ các vị khách nghĩ gì nhưng nếu bạn ở đó, tôi tin bạn cũng như tôi cảm nhận rõ niềm hãnh diện trên gương mặt, trong đôi mắt của người Triều Tiên dự lễ. Dường như họ không biết (hay không quan tâm) những gì được gọi là “nóng hừng hực” ngoài biên giới.

Từ khi xảy ra chuyện và mọi thứ căng như dây đàn, người thân và bạn bè tìm cách liên lạc hỏi thăm suốt. Mọi người sốt ruột cũng phải. Hỏi tôi có lo lắng không? Không, chắc chắn câu trả lời là không. Và cũng chẳng có đồng nghiệp nào của tôi có tâm trạng đó.

Tình hình có nóng, nhưng chưa thấm gì so với hồi năm 2013. Khi ấy Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân. Căng thẳng tột độ. Bộ Ngoại giao Triều Tiên gọi cơ quan ngoại giao các nước tới thông báo tình hình: có khả năng chiến tranh, chúng tôi không đảm bảo an toàn cho các bạn. Ít nhất có một đại sứ quán đã cho “rút quân”. Sinh viên một nước khác nhao nhao đòi về. Tôi cũng nhận được lệnh sẵn sàng hành lý, tư trang. Rốt cuộc quyết định được đưa ra: vẫn ở lại.

Còn nay chúng tôi vẫn chưa hề nhận được thông báo nào tương tự năm 2013 từ phía Triều Tiên. Có chăng là những thông báo về kế hoạch và các sự kiện chuẩn bị lễ duyệt binh, dạ hội thanh niên học sinh... kỷ niệm sinh nhật cố chủ tịch Kim Nhật Thành.

Báo, đài Triều Tiên cũng tràn ngập thông tin tưng bừng phấn khởi. Nào là khánh thành khu phố mới Bình Minh (Ryomyong). Nào là mittinh báo cáo đại hội, các đại hội báo cáo cấp địa phương. Nào là những lời hay ý đẹp từ du khách nước ngoài khi đặt chân tới Triều Tiên. Và tất nhiên, không thể thiếu bài vở ca ngợi công lao của các vị lãnh tụ Kim Nhật Thành, Kim Jong Il và thể hiện lòng trung thành với lãnh tụ hiện nay.

Thế còn “yếu tố” Mỹ ở đâu trong dòng thông tin ấy? Xin thưa, nằm rất khiêm nhường trên trang báo. Như tờ Lao Động Triều Tiên số ra 15-4 chỉ dành một góc nhỏ phía dưới của trang 5. Đó là bản tin dẫn lời người phát ngôn của Bộ Tổng tham mưu trưởng với tựa đề: “Triều Tiên sẽ đập tan không thương tiếc mọi khiêu khích nào của Mỹ”.

Giờ Bình Nhưỡng đã tối. Tôi lại tới dạ hội thanh niên học sinh cũng tại quảng trường Kim Nhật Thành. Thú thực, đây là sự kiện mà suốt hơn sáu năm ở bên này tôi chưa từng được dự.

Ảnh: T.P.
Ảnh: T.P.

Đây là tấm ảnh chụp tại sân bay Thẩm Dương (Trung Quốc) đầu giờ chiều 15-4. Cửa E10 đang làm thủ tục đi Bình Nhưỡng. Mỗi tuần có hai chuyến bay như vậy vào thứ tư và thứ bảy, do Hãng hàng không duy nhất của Triều Tiên Air Koryo thực hiện.

Tương tự cửa ngõ Đan Đông vào Triều Tiên bằng đường bộ - đường sắt, mọi hoạt động tại cửa ngõ Thẩm Dương vẫn diễn ra bình thường. Ông Tôn Phúc Nghị, hướng dẫn viên Công ty lữ hành Koryo Tour, cho biết đoàn khách lần này gồm 8 người đến từ Trung Quốc, Hong Kong. Họ không có vẻ gì lo lắng, thậm chí còn háo hức khi sắp được đặt chân lên đất nước kỳ lạ bậc nhất thế giới.

Lúc 13h55, chuyến bay mang số hiệu JB 156 cất cánh đưa họ đến Bình Nhưỡng.

Đ.TR.

TRỌNG THÙY (từ Bình Nhưỡng, CHDCND Triều Tiên)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên