21/05/2015 09:34 GMT+7

Tôi đang “định đoạt” tương lai của con?

TRỌNG DŨNG NGUYỄN (Thanh Hóa)
TRỌNG DŨNG NGUYỄN (Thanh Hóa)

TT - Dưới đây là tâm sự của một phụ huynh khi đọc tâm sự “Hãy để con tự lựa chọn” và “Mẹ khỏi cần băn khoăn” trên báo Tuổi Trẻ ngày 19-5.

Hãy để con tự lựa chọn

Ngay từ khi con còn học THPT, tôi đã nhờ những mối quan hệ quen biết để gửi gắm con mình. Tất nhiên, khi con thi đại học cũng là thi theo ý muốn của bố mẹ chứ không phải nguyện vọng của bản thân con. Chưa bao giờ tôi hỏi con thích nghề gì. Tôi chỉ hỏi vừa để khẳng định chắc chắn như đinh đóng cột với con rằng: “Thi ngành quản trị kinh doanh của Đại học Kinh tế quốc dân ổn không con?”.

Khi ấy thấy con nghe lời nên tôi khá yên tâm. Tôi cứ nghĩ mình là một người cha tuyệt vời vì đã xây dựng cho con một nền móng vững chắc nhất. Con cứ đi trên tấm thảm bố mẹ trải sẵn. Tôi cũng nghĩ rằng con sẽ biết ơn bố mẹ nhiều lắm vì đã tạo cho con một cuộc sống tốt nhất, giúp con thành công nhất mà bao bạn trẻ khác mơ ước.

Khi con thi đỗ vào Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội với số điểm 26, tôi rất tự hào. Tôi thấy gần như con đã hoàn thành được một nửa chặng đường. Nhưng sự thật sau khi con bước chân vào học kinh tế,  tôi mới nhận ra con đang ngồi nhầm lớp, nhầm trường, nhầm sở thích, nhầm thế mạnh của mình. Nhưng vì sự bảo thủ của một người cha cộng với việc đã “mua” sẵn một chỗ làm tốt sau khi con ra trường nên dù con than thở, không hứng thú đến giảng đường tôi vẫn bỏ ngoài tai. Tôi sửng sốt khi con nói rằng con muốn sau này được làm thầy giáo dạy lịch sử. Con học các môn tự nhiên rất tốt, hà cớ gì bỗng nhiên lại đòi học lịch sử?

Tôi gào lên như muốn lấn át lời con: “Con định đùa bố mẹ đấy à? Học mấy chuyên ngành ấy ra trường có mà đói nhăn răng, có khi cái bằng còn bị để mốc meo ấy chứ…”. 

Rồi tôi tìm hiểu những bạn trẻ bị thất nghiệp nằm nhiều ở các  ngành xã hội và cố khuyên con, xoa dịu con đừng có đứng núi này nhìn núi nọ. Tôi buộc con phải chấp nhận con đường đang đi dù không đúng sở thích của con.

Trong nhiều bữa ăn, tôi lại nhắc khéo cháu T. bị thất nghiệp, cháu H. bằng thạc sĩ vẫn đang ăn bám bố mẹ. Rồi tôi “chốt” lại một câu: “Phi thương bất phú, thời đại này muốn tồn tại được là phải làm kinh tế”. Những bữa cơm lặng lẽ trôi qua, con ngày ngày cắp sách đến giảng đường cho lấy lệ. Nhìn con lầm lũi đôi lúc tôi cũng thấy mủi lòng nhưng chẳng còn cách nào khác. Tôi không thể thả con ra được vì chắc gì con có thể tự bơi một mình?

Rồi bốn năm đại học cũng trôi qua, con đem cái bằng giỏi về đúng với tâm nguyện của vợ chồng tôi. Chưa để tôi đặt con vào chỗ làm đã "mua" từ trước, con đã nói: “Xin bố mẹ đừng thuê con đi học rồi bây giờ lại thuê con đi làm nữa. Con không thể sống mãi với nguyện vọng của bố mẹ được. Con đã suy nghĩ rất nhiều, con sẽ học thêm khoa lịch sử, con không muốn giết thời gian bằng việc học cho bố mẹ nữa. Bố mẹ có biết rằng bao lâu nay đã định đoạt tương lai của con hay không?…”. 

Đó là lần đầu tiên đứa con 22 tuổi của tôi dám cãi lời bố mẹ. Cả hai vợ chồng tôi đều sốc trước dự tính và nguyện vọng của con. Tôi không thể đồng ý với con được vì làm sao chúng tôi nỡ lòng bỏ xó tấm bằng kinh tế mà bao lâu nay tôi kỳ vọng? 

Có phải tôi là người cha quá bảo thủ, áp đặt con cái? 

TRỌNG DŨNG NGUYỄN (Thanh Hóa)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên