23/12/2020 13:16 GMT+7

Toàn cảnh mỹ thuật 2020: Triển lãm chật vật, nghệ sĩ 'đau đầu'

MAI THỤY
MAI THỤY

TTO - Có hai trạng thái đối nghịch nhau nhưng cùng phát triển song song trong năm 2020 của giới mỹ thuật: bùng nổ và lắng đọng. Cả hai đều bắt nguồn từ dịch COVID-19.

Toàn cảnh mỹ thuật 2020: Triển lãm chật vật, nghệ sĩ đau đầu - Ảnh 1.

Không tổ chức khai mạc, các triển lãm trong năm qua rơi vào tình trạng heo hút người xem - Ảnh: MAI THỤY

Một chuỗi ngày biến động vì dịch đã khiến những "mùa" triển lãm, sáng tác năm nay trở thành một bức tranh mosaic nhiều màu sắc.

Sự nhạy cảm với thời cuộc của giới họa sĩ đưa lại các tác phẩm về cuộc sống, xã hội trong đại dịch nhưng cũng có người chọn thu mình lại, suy ngẫm về con đường tiếp theo.

Bên cạnh đó, các sự kiện mỹ thuật nảy sinh nhiều câu chuyện mới về hình thức trưng bày, ý thức người xem.

Tranh vẫn treo, đèn vẫn sáng nhưng…

Mỗi năm, các triển lãm nghệ thuật vẫn thường nở rộ vào dịp đầu xuân với sức sáng tạo dồi dào của nghệ sĩ về chủ đề hoa trái, phong cảnh, hơi thở cuộc sống… Thế nhưng, đợt dịch kéo dài hồi đầu năm đã "đóng băng" một loạt trại sáng tác, triển lãm.

Tình hình dịch diễn biến phức tạp khiến các bảo tàng mỹ thuật hủy hàng loạt chương trình trưng bày.

Năm 2019, trung bình mỗi tháng Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đều có ít nhất 2-3 triển lãm. Tuy nhiên, giờ đây bảo tàng này chỉ bày biện lại tác phẩm trong kho lưu trữ hoặc tổ chức các chuyên đề nhỏ chứ không thể khôi phục lại tần suất như giai đoạn trước.

Vì vậy, 2020 đã trở thành năm bùng nổ của triển lãm, đấu giá online.

Toàn cảnh mỹ thuật 2020: Triển lãm chật vật, nghệ sĩ đau đầu - Ảnh 2.

Năm 2020 chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của hình thức triển lãm trực tuyến - Ảnh: BTC

Ngay từ tháng 3, các cộng đồng họa sĩ trên Facebook như Indochine Art, Viet Art Exchange, Vietnam Art Space đã tổ chức đấu giá tranh trực tuyến và quyên góp được hơn 300 triệu đồng để trao cho các bác sĩ, điều dưỡng ở tuyến đầu.

Sự kiện triển lãm online Art for World Peace gồm 201 nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế với mục đích cầu nguyện cho hòa bình thế giới cũng cho thấy sự kết nối mạnh mẽ của các họa sĩ bất chấp khó khăn vì dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, triển lãm thực tế ảo Thống nhất non sông do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II tổ chức và triển lãm online Đà Nẵng qua đôi mắt người nghệ sĩ ở Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã cho thấy sự linh động, nhạy bén của các thiết chế thuộc khu vực nhà nước.

Những triển lãm "ba không" (không khai mạc, không tập trung đông người, không quảng bá rộng rãi) đã tạo nên nét riêng cho mỹ thuật năm qua. Tranh vẫn treo ở gallery, đèn trong các bảo tàng vẫn sáng nhưng lại không có sự kiện khai mạc để hút công chúng.

Phải đến gần cuối năm nay, tình hình mỹ thuật mới trở nên sáng sủa với hai triển lãm ken đặc người xem, một ở Hà Nội (triển lãm điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn), một ở TP.HCM (triển lãm Nát giỏ còn bờ tre của nghệ sĩ Trung Nghĩa).

Toàn cảnh mỹ thuật 2020: Triển lãm chật vật, nghệ sĩ đau đầu - Ảnh 3.

Triển lãm Nát giỏ còn bờ tre của nghệ sĩ Trung Nghĩa - Ảnh: MAI THỤY

Nghệ sĩ "đau đầu" vì người xem

Sự phục hồi của giới mỹ thuật vào giai đoạn nửa sau năm 2020 kéo theo những câu chuyện đáng tiếc và cho thấy không phải khi nào triển lãm được nhiều người chú ý cũng là điều đáng mừng.

Vào tháng 6, tác phẩm Vùng lên trước trong triển lãm cá nhân của nghệ sĩ Hương Ngô bị hỏng hoàn toàn vì một bạn trẻ vấy mực lên.

Triển lãm điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn còn bị xâm phạm nặng nề hơn. Để có những bức ảnh check-in, không ít người trẻ đã bước hẳn vào khu vực trưng bày, đụng chạm vào tác phẩm, thậm chí chạy nhảy trong khu vực triển lãm.

Sự việc bị đẩy lên căng thẳng đến mức tạo thành một làn sóng phẫn nộ nhằm vào những người này trên mạng xã hội.

Toàn cảnh mỹ thuật 2020: Triển lãm chật vật, nghệ sĩ đau đầu - Ảnh 4.

Tác phẩm bị hư hỏng sau khi gửi đến Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 - Ảnh: NVCC

Theo họa sĩ Phạm Huy Thông, người trẻ quan tâm đến nghệ thuật là một tín hiệu tích cực. Thế nhưng, họ còn phải trang bị thêm kiến thức và thái độ trân trọng khi xem một tác phẩm nghệ thuật.

Chuyện hỏng tác phẩm trong năm qua không chỉ đến từ người xem, mà đáng kinh ngạc hơn là đến từ các cơ quan quản lý mỹ thuật.

Vốn là một sự kiện mỹ thuật lớn nhất cả nước trong 5 năm qua, được công chúng trông đợi, Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 chỉ còn để lại trong lòng nghệ sĩ sự bức xúc bởi tình trạng các tác phẩm bị gãy vỡ, trầy xước.

Họa sĩ Nguyễn Quốc Huy đã mang tranh về ngay trước thềm triển lãm vì cách ứng xử vô trách nhiệm của ban tổ chức.

Toàn cảnh mỹ thuật 2020: Triển lãm chật vật, nghệ sĩ đau đầu - Ảnh 5.

Họa sĩ Trương Bé - Ảnh tư liệu gia đình họa sĩ

Người về cội, kẻ về trời

Năm 2020, giới mỹ thuật đã chịu nhiều mất mát trước sự ra đi của các họa sĩ lão thành. Họa sĩ Phan Hoài Phi, Trần Lưu Hậu, Trần Khánh Chương, Trương Bé, Phạm Cung… đều là những người đã để lại dấu ấn mạnh mẽ không chỉ trong sáng tác mà còn ở sự nghiệp giáo dục.

Trước khi mất vài tháng, họa sĩ Phan Hoài Phi đã có triển cá nhân đầu tiên của mình do những người học trò tổ chức. Họa sĩ Trương Bé với triển lãm Nhịp điệu vũ trụ (2019) đã giã từ thế giới nghệ thuật bằng những tác phẩm thăng hoa.

Họa sĩ Trần Khánh Chương, người nắm giữ vai trò chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam lâu nhất - 20 năm, cũng kịp thời bàn giao vị trí lại cho người sau trước khi qua đời. Họ đã tận hiến cuộc sống của mình cho nghệ thuật đến những giây phút cuối cùng.

Sân khấu 2020: Dù COVID-19 hành thì người Sài Gòn vẫn thương sàn diễn lắm! Sân khấu 2020: Dù COVID-19 hành thì người Sài Gòn vẫn thương sàn diễn lắm!

TTO - Sân khấu trước giờ vẫn là lĩnh vực gặp nhiều khó khăn. Năm qua, đụng đến ba trận COVID-19, nhiều sân khấu mướt mồ hôi để vượt khó. Tuy nhiên, không vì thế mà chùn bước, họ vẫn nỗ lực ra mắt các sản phẩm mới để phục vụ khán giả.

MAI THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên