22/04/2022 16:32 GMT+7

Tọa đàm về sản xuất sạch, tìm cách có đầu ra bền vững, giá trị cao

CHÍ QUỐC - ĐẶNG TUYẾT
CHÍ QUỐC - ĐẶNG TUYẾT

TTO - Sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngay lúc này có được không? Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng trước khi nghĩ tới sản xuất hữu cơ thì hãy sản xuất sạch trước rồi hãy tiến tới sản xuất hữu cơ.

Tọa đàm về sản xuất sạch, tìm cách có đầu ra bền vững, giá trị cao - Ảnh 1.

Ông Lê Quốc Phong - phó chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ - phát biểu tại hội thảo - Ảnh: CHÍ QUỐC

Chiều 22-4, tại hội trường Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã diễn ra tọa đàm "Sản xuất sạch - Nông dân khỏe - Giá trị cao", do Báo Tuổi Trẻ, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp phối hợp tổ chức. Công ty cổ phần phân bón Bình Điền là đơn vị đồng hành.

Ngoài 20 nông dân địa phương được mời dự trực tiếp tại hội trường, ban tổ chức cũng kết nối trực tuyến để truyền tải nội dung buổi tọa đàm với 11 điểm cầu tại các huyện, thành phố với sự tham dự của các lãnh đạo ngành nông nghiệp và hàng trăm chủ nhiệm HTX, hội quán, nông dân tỉnh Đồng Tháp.

Mở đầu buổi tọa đàm, nhà báo Trần Xuân Toàn - ủy viên Ban biên tập Báo Tuổi Trẻ - chia sẻ: "Chúng ta đang hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ, và trong giai đoạn này chúng tôi mong muốn có được những sản phẩm nông sản mang tính bền vững.

Vậy sản xuất sạch như thế nào, làm thế nào chúng ta xây dựng được nền nông nghiệp sản xuất theo hướng giá trị cao? Ngày hôm nay ở góc độ chuyên gia, các doanh nghiệp, những người trực tiếp bán sản phẩm sẽ chia sẻ với bà con nông dân chúng ta về phương thức kinh nghiệm cũng như là các vùng thị trường".

Tọa đàm về sản xuất sạch, tìm cách có đầu ra bền vững, giá trị cao - Ảnh 2.

Quang cảnh buổi tọa đàm tại điểm cầu hội trường Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Tam Nông - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ngoài ra thời gian vừa qua giá đầu vào, không chỉ ngành nông nghiệp mà các ngành khác tăng rất cao. Đứng trước bối cảnh đó chúng ta sẽ làm như thế nào để làm nông có lãi?

Buổi tọa đàm có nhiều chuyên gia, đại diện lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật và đại diện các doanh nghiệp chia sẻ câu chuyện hướng tới sản xuất sản phẩm mang giá trị, cũng như định hướng chính sách hỗ trợ cho cho bà con nông dân, làm thế nào có đầu ra bền vững mang lại giá trị cao.

"Góc độ ban tổ chức, chúng tôi tiếp nhận và thể hiện thông qua các sản phẩm báo chí, hướng tới thông điệp sản xuất sạch, xa hơn nữa là sản xuất hữu cơ mang lại giá trị cho nền nông nghiệp của chúng ta", ông Trần Xuân Toàn nói.

Sản xuất sạch, an toàn, tiến tới hữu cơ

Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến thống nhất việc phải hướng tới nền sản xuất hữu cơ nhưng đó là việc lâu dài, trước mắt cần hướng tới nền sản xuất sạch, an toàn. 

Ông Nguyễn Quang Chơn (tiến sĩ về khoa học đất) cho biết ông lo ngại việc nhiều người nông dân nhầm lẫn sản xuất hữu cơ sẽ tạo ra nông sản hữu cơ. Vì thế, ông đồng quan điểm với nhiều ý kiến trước mắt chỉ sản xuất "cận hữu cơ", khuyến cáo bà con nông dân cố gắng làm theo hướng sạch, giảm thiểu tồn dư thuốc bảo vệ thực vật mà các nước nhập khẩu không chấp nhận, là được.

Tọa đàm về sản xuất sạch, tìm cách có đầu ra bền vững, giá trị cao - Ảnh 3.

Nhà báo Trần Xuân Toàn (ủy viên ban biên tập Báo Tuổi Trẻ) cho rằng mục tiêu của tọa đàm hướng tới nền sản xuất sạch, an toàn và sau đó là hữu cơ - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ông Chơn cho rằng do nền nông nghiệp Việt Nam là nền nông nghệp thâm canh, lạm dụng phân bón vô cơ từ bấy lâu nay, nhất là khi phân bón còn rẻ, vì vậy năng suất có cao thật nhưng vô tình bà con đã mua phân bỏ vào đất mà không biết trong đất đang thừa gì, thiếu gì, sinh ra phí phân bón.

"Tôi cảm nhận việc bà con bón phân vô cơ, chuyển dần sang hữu cơ kết hợp với vô cơ là điều rất mừng. Về mặt chuyên môn nếu kết hợp vô cơ với hữu cơ sẽ tạo ra nhiều lợi ích, ngoài giảm thiểu yếu tố tác động môi tường còn giảm trừ được sâu bệnh bởi khi bón phân hữu cơ bón vào đăt, cây không ăn được hữu cơ mà hữu cơ là cái nền gián tiếp cung câp dinh dưỡng cho cây", ông Chơn phân tích.

Ông Nguyễn Chánh Trung - phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long - cho rằng yêu cầu của thị trường trong nước hay xuất khẩu đều muốn định hướng việc giám sát, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không đòi hỏi phải "lên" hữu cơ bởi nếu sản xuất theo hướng này thì phải bán giá cao, nhiều người tiêu dùng khó tiếp cận được. 

"Chúng ta không đặt mục tiêu ngay từ đầu lên hữu cơ mà nên canh tác theo hướng cận hữu cơ, loại trừ triệt để những chất để lại dư lượng và về lâu dài thì dần dần chuyển sang hữu cơ. Hiện nay tất cả các tổ chức nước ngoài làm chương trình với doanh nghiệp thì họ quan tâm chương trình bền vững, giảm vô cơ, tăng hữu cơ lên", ông Trung đề xuất.

GS Võ Tòng Xuân (hiệu trưởng Trường đại học Nam Cần Thơ) cũng bày tỏ mong muốn người nông dân từng bước sản xuất sạch trước hết là an toàn cho gia đình, cho cộng đồng mình, sau đó doanh nghiệp xuất khẩu cũng an tâm, không lo hàng bị trả về. 

"Tôi mong rằng bà con nông dân Đồng Tháp và các nơi sẽ thấy được rằng buổi tọa đàm bổ ích, đưa tới cái lợi nhất, đưa tới nền sản xuất sạch, an toàn cho sức khỏe của mình và cộng đồng", ông chia sẻ.

Ông Ngô Văn Đông - tổng giám đốc Công ty cổ phần phân bón Bình Điền - cũng đánh giá "Sản xuất sạch - nông dân khỏe - giá trị cao" là xu thế khách quan". 

Tọa đàm về sản xuất sạch, tìm cách có đầu ra bền vững, giá trị cao - Ảnh 4.

Ông Ngô Văn Đông - tổng giám đốc Công ty cổ phần phân bón Bình Điền - phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: CHÍ QUỐC

Theo ông Đông, từ thập niên 1990 năng suất lúa gạo tăng đột biến, Việt Nam từ một đất nước nghèo, nhập khẩu tới một đất nước xuất khẩu thuộc hàng đầu thế giới, trong đó phân bón vô cơ đóng một vai trò rất quan trọng. Khi cuộc sống phát triển thì nhu cầu con người về sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn là nhu cầu chính đáng, đặc biệt là khi chúng ta tham gia vào thị trường quốc tế.

Thực tế cho thấy nông nghiệp vô cơ vẫn chiếm một tỉ trọng rất lớn trên thế giới, vấn đề là chúng ta sản xuất như thế nào ra sản phẩm an toàn. 

"Chúng tôi đang tìm cách làm sao nâng cao hiệu suất sử dụng phân bón trên đồng ruộng, để giảm lượng phân phải bón xuống, qua quy trình đó sẽ giảm được lượng giống và cây khỏe, phát triển tốt thì giảm được cả  thuốc bảo vệ thực vật. Và qua đó thì năng suất cao, có hiệu quả kinh tế, nói cho cùng đây mới là cái quan trọng đối với người nông dân", ông nói. 

Ông Lê Quốc Điền - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp - cho biết tỉnh đang xây dựng mã vùng trồng, quy hoạch cụ thể cho từng loại cây xuất đi thị trường nào. Cụ thể hóa từng mã vùng, tuân thủ quy trình, hiểu sản phẩm của mình đạt chuẩn ở đâu. 

Đối với thị trường EU, tỉnh đang đứng trước thềm sản xuất theo hướng hữu cơ. Tỉnh cũng thực hiện mô hình trên cây lúa bằng cách thử nghiệm giảm thuốc phun trên đồng, sử dụng phân vi sinh để phân hủy các chất độc còn tồn. Sau 12 tháng đủ điều kiện sẽ tiến hành sản xuất hữu cơ. 

"Đây là hành trình gian nan, mong bà con kiên trì. Nếu bà con nào đạt được chứng nhận EU, sẽ được trả phí môi trường 3%, tạo nguồn làm đường sá cho con em có điều kiện tốt hơn, tạo môi trường đáng sống, từng bước tạo cho người nông dân đi đúng hướng", ông Điền nói. 

Ông Lê Văn Thiệt, phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật: Loại bỏ dần thuốc BVTV có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người

Le Van Thiet 1

Ông Lê Văn Thiệt - phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật phát biểu tại buổi tọa đàm - Ảnh: CHÍ QUỐC

Hiện chúng tôi đang siết chặt từ việc đăng ký đến nhập khẩu và phân phối thuốc bảo vệ thực vật, ưu tiên cho các loại thuốc sinh học, cũng như các loại thuốc thế hệ mới ít gây ảnh hưởng đến người, vật nuôi và môi trường đưa vào danh mục để sử dụng hằng năm.

Và định kỳ theo quý hoặc 6 tháng sẽ có kỹ sư kiểm định chất lượng, có hội đồng tư vấn rà soát các loại thuốc có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái, môi trường để loại bỏ dần ra khỏi danh mục các loại thuốc đang lưu hành hiện nay.

Từ năm 2017 đến nay, chúng tôi đã loại 14 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật với 1.706 sản phẩm nằm trong nhóm độc I và II theo phân loại của tổ chức WHO và một số loại thuốc có thời gian cách ly trên 14 ngày. Hiện tại đa số thuốc trong danh mục đều nằm trong nhóm III, IV và có thời gian cách ly dưới 14 ngày.

Về quản lý thuốc nhập khẩu vào Việt Nam, khi còn ngoài cảng, các doanh nghiệp phải đến làm thủ tục tại các cơ quan kiểm định được Cục bảo vệ thực vật cho phép chỉ định, kiểm tra chất lượng đầu vào đạt đúng quy định thì mới cho đem về nhà máy phân phối ra thị trường.

Tọa đàm về sản xuất sạch, tìm cách có đầu ra bền vững, giá trị cao - Ảnh 7.

Nông dân tham gia tọa đàm rất quan tâm về bài viết về sản xuất sạch được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày 22-4 - Ảnh: CHÍ QUỐC

Tọa đàm về sản xuất sạch, tìm cách có đầu ra bền vững, giá trị cao - Ảnh 8.

Tọa đàm có sự tham gia của GS Võ Tòng Xuân - một nhà khoa học nổi tiếng về nông nghiệp trong và ngoài nước - Ảnh: CHÍ QUỐC

Tọa đàm về sản xuất sạch, tìm cách có đầu ra bền vững, giá trị cao - Ảnh 9.

Ông Nguyễn Văn Chơn (tiến sĩ về khoa học đất) cho rằng nhiều nông dân bón phân vô cơ vào đất nhưng chưa nắm rõ đất thiếu gì, thừa gì - Ảnh: CHÍ QUỐC

Tọa đàm về sản xuất sạch, tìm cách có đầu ra bền vững, giá trị cao - Ảnh 10.

Sáng cùng ngày, các đại biểu đã tham quan, tìm hiểu một mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ tại huyện Tam Nông - Ảnh: CHÍ QUỐC

Nâng cao chất lượng nông sản Việt:  Kỳ 1: Nông dân đổ bỏ, xuất khẩu thiếu hàng Nâng cao chất lượng nông sản Việt: Kỳ 1: Nông dân đổ bỏ, xuất khẩu thiếu hàng

TTO - Các thị trường cao cấp không ngừng được mở rộng, nhưng nhiều doanh nghiệp than khó khi nông sản vẫn còn được sản xuất theo thói quen dùng nhiều phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật.

CHÍ QUỐC - ĐẶNG TUYẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên