22/04/2022 14:20 GMT+7

Hỗ trợ tối đa nông dân sản xuất nông nghiệp

HOÀNG TRÍ DŨNG - CHÍ QUỐC thực hiện
HOÀNG TRÍ DŨNG - CHÍ QUỐC thực hiện

TTO - Ông Hoàng Trung - cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) - đã chia sẻ những giải pháp trước mắt và lâu dài hỗ trợ nông dân khi giá phân, thuốc bảo vệ thực vật liên tục tăng cao.

Hỗ trợ tối đa nông dân sản xuất nông nghiệp - Ảnh 1.

Ông Hoàng Trung - cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Ảnh: CHÍ TUỆ

Ông Trung cho biết từ đầu năm 2021 đến nay, giá phân bón trên thị trường thế giới và trong nước liên tục tăng cao, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, sức cạnh tranh của hàng nông sản và đời sống người nông dân, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn do tác động của thiên tai, dịch bệnh thời gian qua. 

* Thưa ông, giá phân bón, vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp liên tục tăng cao trong thời gian qua gây ra rất nhiều khó khăn cho người sản xuất, ở góc độ là cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT, Cục Bảo vệ thực vật đã và sẽ triển khai những giải pháp gì giúp bà con tiếp tục ổn định sản xuất?

- Ngay từ đầu tháng 3-2021, Cục Bảo vệ thực vật đã chủ động tổ chức hội nghị trao đổi, làm việc với Hiệp hội Phân bón Việt Nam và một số doanh nghiệp sản xuất phân bón chủ lực để đánh giá, tìm giải pháp cho vấn đề này.

Giải pháp ứng phó trước mắt là tập trung chỉ đạo, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước tiếp tục duy trì, tối đa hóa công suất, sản xuất và cung ứng kịp thời, ưu tiên tối đa lượng phân bón đáp ứng nhu cầu trong nước.  

Về lâu dài, căn cơ và hiệu quả nhất vẫn là các giải pháp thay đổi quy trình sản xuất theo hướng tiết kiệm nguyên liệu đầu vào, tăng cường sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương (phụ phẩm trồng trọt, chế biến nông sản, chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt...). Thực hiện việc này, từ đầu năm 2022 Bộ NN&PTNT đã ban hành chỉ thị về sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả.

Một số giải pháp mà Cục Bảo vệ thực vật đã và đang triển khai, cụ thể: tập huấn hướng dẫn sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả gắn với xây dựng các mô hình thực tế cho từng địa phương như An Giang, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Đồng Nai…

Sau mỗi lớp tập huấn, cục phối hợp với Sở NN&PTNT cùng với các nhà khoa học, nhà sản xuất phân bón và hộ nông dân tổ chức triển khai các mô hình trình diễn sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo hướng tiết kiệm, hiệu quả trong điều kiện canh tác thực tế tại mỗi địa phương nơi đã được cấp và quản lý theo mã số vùng trồng.

Với việc chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, trong đó nâng cao chất lượng và giá trị nông sản qua việc tăng ứng dụng khoa học công nghệ, giảm lạm dụng phân, thuốc được cho là vấn đề rất quan trọng. Cục đã có tham mưu gì cho Bộ NN&PTNT trong vấn đề này?

- Cục Bảo vệ thực vật đã phê duyệt kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của ngành bảo vệ thực vật với mục tiêu chung là công tác bảo vệ thực vật được tổ chức thực hiện theo hướng hiện đại, nhanh chóng, chủ động, an toàn và hiệu quả; đẩy mạnh sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học; mở rộng diện tích ứng dụng các biện pháp quản lý dịch hại và quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPM/IPHM), sử dụng tác nhân phòng trừ sinh học…

* Thưa ông, hiện nay ở ĐBSCL - vùng trọng điểm sản xuất lương thực của cả nước - đã xuất hiện nhiều mô hình hay, nhiều sự sáng tạo trong giảm sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật, nhưng vẫn đảm bảo năng suất và chất lượng nông sản. Làm sao có thể lan tỏa những mô hình này?  

- Đã có rất nhiều mô hình được đánh giá là hiệu quả và đã nhân rộng ở nhiều địa phương. Có thể kể đến các mô hình sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả của chương trình "Canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL" gắn với tiến bộ kỹ thuật "1 phải 5 giảm".

Hỗ trợ tối đa nông dân sản xuất nông nghiệp - Ảnh 2.

Người trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long đang đối diện khó khăn bởi giá phân, thuốc bảo vệ thực vật liên tục tăng cao - Ảnh: CHÍ QUỐC

Chương trình được thực hiện bởi Công ty cổ phần phân bón Bình Điền với sự hợp tác tích cực của Trung tâm Khuyến nông 13 tỉnh ĐBSCL theo hệ thống rộng khắp tới từng người dân để cung cấp những giải pháp đồng bộ đến nhà nông, từng bước xây dựng và hoàn thiện quy trình canh tác lúa giúp giải quyết các khó khăn cho bà con nông dân khi canh tác ở ĐBSCL, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng lúa gạo.

Kết quả cho thấy, lượng giống đã giảm được 65kg/ha (từ 145kg/ha xuống còn 80kg/ha), giảm lượng phân đạm là 25kg/ha (tương đương 20%) và tiền thuốc bảo vệ thực vật giảm 653.000 đồng/ha nhưng đảm bảo năng suất 6 tấn/ha, lợi nhuận trung bình thu tăng 26%. Đặc biệt, giảm ô nhiễm môi trường do giảm lượng phân đạm và giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật.  

Các mô hình sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả đều đã được thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, đại chúng. Đồng thời, các cơ quan chuyên môn cũng thường xuyên thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn người dân thực hiện. Kết quả của các mô hình này cũng đã được đăng tải trên website của Cục Bảo vệ thực vật và đang được cập nhật thường xuyên để các địa phương, doanh nghiệp tham khảo, áp dụng. 

Nâng cao chất lượng nông sản Việt:  Kỳ 1: Nông dân đổ bỏ, xuất khẩu thiếu hàng Nâng cao chất lượng nông sản Việt: Kỳ 1: Nông dân đổ bỏ, xuất khẩu thiếu hàng

TTO - Các thị trường cao cấp không ngừng được mở rộng, nhưng nhiều doanh nghiệp than khó khi nông sản vẫn còn được sản xuất theo thói quen dùng nhiều phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật.

HOÀNG TRÍ DŨNG - CHÍ QUỐC thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên