09/01/2022 11:32 GMT+7

Tòa án sẽ sử dụng 'trợ lý ảo' để giúp việc cho thẩm phán, tư vấn pháp lý cho dân

DANH TRỌNG
DANH TRỌNG

TTO - Theo chánh án TAND tối cao, trong thời gian tới tòa án sẽ đưa ứng dụng 'trợ lý ảo' vào hoạt động nghiệp vụ, đóng vai trò như một thư ký làm việc thường xuyên, tư vấn ứng dụng, điều khoản pháp luật cho các thẩm phán.

Tòa án sẽ sử dụng trợ lý ảo để giúp việc cho thẩm phán, tư vấn pháp lý cho dân - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hòa Bình, chánh án Tòa án nhân dân tối cao, phát biểu tại hội nghị - Ảnh: DANH TRỌNG

Sáng 9-1, Tòa án nhân dân (TAND) tối cao tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai công tác tòa án năm 2022.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hòa Bình, chánh án Tòa án nhân dân tối cao, cho biết năm 2021, ngành tòa án đã làm tốt các nhiệm vụ, công tác đề ra, tạo ra những chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt công tác.

Trong nghiệm kỳ 2021-2026, tòa án sẽ có một số ứng dụng về công nghệ thông tin theo nghị quyết của Quốc hội, bao gồm việc xét xử trực tuyến. Đây là xu thế toàn cầu, trong điều kiện COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động xét xử, nhiều phiên tòa phải hoãn, dừng.

"Quốc hội đã có nghị quyết cho tòa án triển khai xét xử trực tuyến... Và ngành tòa án phải có trách nhiệm triển khai hoạt động này", ông Bình nhấn mạnh.

Ngoài ra, ngành tòa án cũng phải đưa ứng dụng "trợ lý ảo" vào hoạt động nghiệp vụ và sẽ có một đợt tập huấn toàn quốc cho các thẩm phán về sử dụng công nghệ "trợ lý ảo".

"Trợ lý ảo đóng vai trò như một người thư ký làm việc thường xuyên với các thẩm phán, sẽ tư vấn ứng dụng pháp luật, đến điều khoản pháp luật cho các thẩm phán. Chúng ta sẽ sử dụng trợ lý ảo này trong vòng 2 năm, khi ứng dụng "trợ lý ảo" hoàn thiện hơn sẽ mở rộng phạm vi ứng dụng", ông Bình cho hay.

Cũng theo ông, có thể cuối nhiệm kỳ này, tòa án cho phép người dân sử dụng "trợ lý ảo" làm tư vấn pháp lý. Khi người dân gặp tình huống pháp lý tương tự (các vụ án tương tự tòa đã xét xử) vụ án của mình, họ sẽ tự tham khảo từ "trợ lý ảo" để đưa ra quyết định có nên tiếp tục kháng cáo, khiếu kiện hay không...

Cuối nhiệm kỳ này, tòa án cũng sẽ nghiên cứu để người dân sử dụng "trợ lý ảo" như là một dịch vụ tư pháp công để nâng cao trình độ pháp lý cho người dân.

Cũng, tại hội nghị, Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết từ ngày 1-10-2020 đến ngày 30-9-2021, các tòa án đã thụ lý 537.577 vụ việc, đã giải quyết được 436.660 vụ việc (đạt tỉ lệ 81,2%). Tỉ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của tòa án là 0,81% (giảm 0,25%), đáp ứng yêu cầu Quốc hội và tòa án đề ra.

Đã xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng do những người có chức vụ, quyền hạn thực hiện như: vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm xảy ra tại dự án Ethanol Phú Thọ, vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường, Công ty Gang thép Thái Nguyên…

Bên cạnh các kết quả đạt được, hoạt động của các tòa án còn tồn tại một số hạn chế, thiếu sót như: tỉ lệ giải quyết các loại vụ việc và tỉ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đạt chỉ tiêu đề ra.

Tỉ lệ các bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của tòa án vẫn còn cao; tỉ lệ giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp còn thấp, tiến độ giải quyết còn chậm...

Theo TAND tối cao, các hạn chế, thiếu sót trên là do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp; mỗi năm trung bình các tòa án thụ lý hơn 600.000 vụ việc, trong khi đó số lượng biên chế cán bộ, thẩm phán chưa đủ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ...

Tòa án nhân dân tối cao đề nghị có quy chế xét xử trực tuyến Tòa án nhân dân tối cao đề nghị có quy chế xét xử trực tuyến

TTO - Dịch COVID-19 đã khiến nhiều vụ án đến hạn nhưng không thể đưa ra xét xử theo quy định, một số vụ án bị kéo dài thời hạn giải quyết.

DANH TRỌNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên