Học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Khai Nguyên, quận 5 (TP.HCM) ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2020 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 3-8, ông Nguyễn Hữu Độ - thứ trưởng Bộ GD-ĐT - cho biết:
- Để đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19, ngày 30-7 Bộ GD-ĐT đã gửi văn bản tới UBND các tỉnh thành đề nghị tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Bộ đã có hướng dẫn cụ thể các giải pháp đối với từng đối tượng thí sinh thuộc diện F0, F1, F2 (nếu có) và các cán bộ, giáo viên làm công tác thi.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch, thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, bộ đã xây dựng phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT trong tình huống đặc biệt.
Ông Nguyễn Hữu Độ - thứ trưởng Bộ GD-ĐT
* Hiện tại nhiều địa phương đang gặp khó khăn trong việc rà soát, phân loại thí sinh F1, F2. Với diễn biến dịch phức tạp như hiện nay có thể còn có những phát sinh thí sinh diện F1, F2 trước khi thi. Bộ GD-ĐT có hướng dẫn cụ thể gì cho các địa phương về vấn đề này?
- Tại các địa phương bộ kiểm tra đều đã có phương án cho việc phòng chống dịch bệnh. Các địa phương đã sớm rà soát các đối tượng trở về từ nước ngoài, từ nơi có nguy cơ dịch bệnh để phối hợp với cơ quan chức năng khoanh vùng, cách ly.
Tại các điểm thi đều bố trí phòng cách ly để dự phòng trường hợp thí sinh có biểu hiện bất thường như ho, sốt, khó thở, có liên quan tới người đi về từ vùng dịch được cách ly ngay, không ảnh hưởng đến những thí sinh khác trong thời gian diễn ra kỳ thi.
Trong tình hình dịch phức tạp hiện nay, Bộ GD-ĐT tiếp tục đề nghị các địa phương tăng cường các biện pháp phòng chống dịch. Việc rà soát, phân nhóm thí sinh theo diện F0, F1, F2 được triển khai để thông tin cho các đối tượng thí sinh sẽ được xét đặc cách (F0) và các đối tượng sẽ dự thi đợt sau (F1, F2). Kết quả rà soát thí sinh thuộc diện F1, F2 (nếu có) của các địa phương phải gửi về Bộ GD-ĐT trước ngày 12-8.
Ngoài ra, địa phương cũng phải rà soát kỹ đội ngũ làm công tác thi, không để những người có nguy cơ lây nhiễm (là F1, F2) làm công tác thi. Các điểm thi cần phải có lực lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên dự phòng sẵn sàng thay thế trong tình huống cần thiết.
Học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú số 2 Nghệ An ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2020 - Ảnh: DOÃN HÒA
* Việc tập trung phòng dịch có thể sẽ để xảy ra sơ hở trong phòng ngừa tiêu cực thi cử. Bộ có lưu ý gì đặc biệt cho các địa phương?
- Việc phòng chống dịch COVID-19 chỉ là một trong những nhiệm vụ quan trọng phải triển khai để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn, nghiêm túc, hiệu quả. Năm nay ngoài ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, các địa phương đều thành lập ban chỉ đạo thi cấp huyện, thị xã với sự vào cuộc của các lực lượng: công an, quân đội, y tế, giáo dục, điện lực, thông tin truyền thông, Đoàn thanh niên...
Bộ GD-ĐT cũng lưu ý các địa phương chú ý đến đối tượng học sinh khó khăn, có phương án hỗ trợ thí sinh nếu xảy ra thiên tai như mưa bão, lũ quét ở khu vực miền núi.
Vấn đề phòng chống tiêu cực thi cử vẫn luôn được đặt lên hàng đầu. Ngoài các giải pháp kỹ thuật và ứng dụng công nghệ trong kiểm soát, ngăn ngừa tiêu cực, đội ngũ tham gia công tác thi năm nay phải tập huấn kỹ và phải hoàn thành các bài test, đạt yêu cầu thì mới được phân công nhiệm vụ.
Ngày 3-8, bộ cũng có quyết định điều chỉnh việc điều động cán bộ trường đại học tham gia kiểm tra coi thi trên cả nước. Theo đó, sẽ không bố trí cán bộ, giáo viên của các trường đóng tại Quảng Nam, Đà Nẵng tham gia công tác thi ở các địa phương khác. Hiện lực lượng cán bộ, giáo viên trường đại học đủ, kể cả số lượng dự phòng, sẵn sàng tham gia công tác kiểm tra các khâu của kỳ thi.
Tình huống phát sinh dịch bệnh dẫn tới một số biện pháp phòng dịch tại các điểm thi cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ xảy ra gian lận thi cử. Bộ đã yêu cầu các địa phương tăng cường cảnh giác, phối hợp với cơ quan an ninh tập huấn kỹ cho cán bộ coi thi để kịp thời ngăn chặn các hành vi này.
* Đối với các điểm thi đợt 1, Bộ GD-ĐT có yêu cầu cụ thể gì cho việc phòng chống dịch để ngăn ngừa dịch có thể bùng phát trong thời gian diễn ra kỳ thi?
- Ban chỉ đạo thi các địa phương cần phối hợp chặt chẽ và thực hiện đầy đủ các hướng dẫn của cơ quan y tế. Cụ thể là khử khuẩn phòng thi, điểm thi, thực hiện nghiêm việc giãn cách, nhắc nhở thí sinh đeo khẩu trang, sử dụng bình nước cá nhân. Các điểm thi có thể chuẩn bị thêm chậu rửa tay, nước sạch, dung dịch sát khuẩn cho thí sinh, cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ thi, đo thân nhiệt cho thí sinh trước khi vào phòng thi...
TP.HCM: ít nhất 10 máy đo thân nhiệt mỗi điểm thi
Ngày 3-8, Sở GD-ĐT TP.HCM có văn bản gửi các quận huyện, các trường triển khai một số nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Theo đó, các điểm thi cần chuẩn bị đầy đủ để phòng chống dịch COVID-19 cho mỗi phòng thi, phòng làm việc các vật dụng cần thiết như dung dịch sát khuẩn tay; mỗi điểm thi có tối thiểu 10 máy đo thân nhiệt; khẩu trang... phục vụ cho kỳ thi. (THẢO THƯƠNG)
Những thí sinh nào thi đợt 2?
Các địa phương thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị số 16 như Đà Nẵng và một số huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Nam (bao gồm: thành phố Hội An, thị xã Điện Bàn, huyện Đại Lộc, huyện Quế Sơn, huyện Duy Xuyên và huyện Thăng Bình)... sẽ lùi thời gian tổ chức kỳ thi vào thời điểm thích hợp.
Thời gian tổ chức thi do địa phương đề xuất sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, bảo đảm an toàn cho công tác tổ chức thi. Các địa phương còn lại tổ chức kỳ thi theo kế hoạch từ ngày 8 đến 10-8 và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh trong quá trình tổ chức thi, các thí sinh thuộc diện F1, F2 trong cả nước (nếu có) sẽ dự thi cùng thời gian với thí sinh của các địa phương phải lùi thời gian tổ chức kỳ thi do thực hiện cách ly xã hội để phòng chống dịch vì khi đó các thí sinh này cũng đã hết 14 ngày cách ly.
Đại học dành chỉ tiêu cho thí sinh thi đợt 2
* Nhiều ý kiến băn khoăn về việc các thí sinh thi đợt 2 sẽ ít cơ hội xét tuyển vào các trường ĐH, nhất là các trường ĐH có uy tín. Bộ có chỉ đạo các trường ĐH trực thuộc thế nào về phương án tuyển sinh cho đối tượng này?
- Đối với các thí sinh dự thi sau ngày 10-8 có nguyện vọng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển sinh, Bộ
GD-ĐT sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục ĐH có phương án tuyển sinh phù hợp để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh trên tinh thần tự chủ ĐH.
Cụ thể, bộ đề nghị các trường ĐH tăng cường các phương thức xét tuyển đa dạng, xét tuyển nhiều đợt trong năm tuyển sinh, đảm bảo quyền lợi tối đa cho thí sinh. Trong đó, các trường xem xét dành tỉ lệ chỉ tiêu nhất định để xét tuyển đối với các thí sinh thuộc diện F1, F2 và các thí sinh tại các địa phương có nguy cơ cao về dịch COVID-19 phải tham gia thi tốt nghiệp THPT đợt sau. Nhưng cần đảm bảo tính công bằng giữa các thí sinh về điều kiện được xét tuyển và chất lượng đầu vào nguồn tuyển sinh.
Trường hợp đặc biệt cần thiết, bộ xem xét đặc cách bổ sung thêm chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo năng lực đào tạo theo quy định hiện hành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận