08/11/2018 09:04 GMT+7

Tổ chức giao thông chưa hợp lý, cả trăm người dắt xe máy ngược chiều

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Những ngày qua, cảnh tượng hàng trăm người đi xe máy nối hàng dài dắt bộ ngược chiều trên vỉa hè vào giờ cao điểm trên đường Tố Hữu (Q.Nam Từ Liêm và Q.Hà Đông, Hà Nội) đã gây ra dư luận trái chiều.

Tổ chức giao thông chưa hợp lý, cả trăm người dắt xe máy ngược chiều - Ảnh 1.

Người dân dắt bộ ngược chiều trên vỉa hè đoạn đường Tố Hữu - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, trên đường Tố Hữu đoạn từ ngõ 19 Tố Hữu đến ngã ba Tố Hữu - Trung Văn vào giờ cao điểm có hàng trăm người dân dắt xe máy ngược chiều trên vỉa hè.

"Lách luật" để rút ngắn quãng đường

Theo tìm hiểu của PV, đường Tố Hữu hiện nay thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm. Để di chuyển từ đoạn ngõ 19 tới đoạn Trung Văn - Tố Hữu, người dân sẽ phải đi vòng xa hơn khoảng 400m và mất 15-20 phút để thoát được điểm đen này. 

Thay vì đi đúng quy định, nhiều người đã "lách luật" để rút ngắn quãng đường, thời gian di chuyển.

Anh Sinh, một người dân sống ở một chung cư trên đường Tố Hữu, cho biết đoạn đường Tố Hữu - Lê Văn Lương lâu nay đã trở thành điểm đen về ùn tắc giao thông. 

"Vào giờ cao điểm, đoạn đường này thường xuyên rơi vào tình trạng hỗn loạn vì số lượng phương tiện tham gia giao thông quá đông, độ rộng lòng đường không đủ đáp ứng vì hiện nay chỉ còn có hai làn xe. 

Nhiều xe máy buộc phải đi lên vỉa hè, len lỏi qua đầu ôtô để nhích lên từng chút một. 

Một số người không đủ kiên nhẫn để đi qua đoạn đường tắc nghẽn đã di chuyển rẽ sang làn đường ngược chiều rồi đi lên vỉa hè. 

Tuy nhiên, khi thấy lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ, họ xuống xe dắt bộ để tránh bị xử phạt" - anh Sinh nói.

Thiếu chế tài xử phạt người dắt bộ ngược chiều

Thiếu tá Nguyễn Đức Thắng - đội trưởng Đội CSGT số 7 (Công an TP Hà Nội) - cho biết gần đây đường Tố Hữu hay xảy ra ùn tắc nên nhiều người dân thường đi xe máy ngược chiều trên vỉa hè với mật độ khá lớn vào các giờ cao điểm. 

"Ngày nào các phương tiện cũng đi ngược chiều trên hè để tránh đoạn ùn tắc. Đơn vị đã bố trí lực lượng túc trực để xử lý các trường hợp vi phạm. 

Nhưng khi thấy chúng tôi, họ xuống dắt xe máy đi qua, hoặc quay lại để tránh. Chúng tôi đã xử lý một số người nhưng những người dắt bộ thì chưa có chế tài xử phạt".

Theo trung tá Nguyễn Mạnh Hùng - phó Phòng CSGT TP Hà Nội, cung đường đó có tổ chức điểm quay đầu phương tiện, nhưng vì phải đi thêm một đoạn nữa mới đến điểm quay đầu nên theo tâm lý, người dân "đốt cháy giai đoạn" bằng cách đi ngược chiều trên vỉa hè.

Nhận thấy việc vi phạm tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, Phòng CSGT TP Hà Nội đã phân công lực lượng CSGT túc trực ở cung đường này để phân luồng, hạn chế vi phạm. 

Tuy nhiên, một số người tham gia giao thông lại dắt xe đi trên vỉa hè ngang qua ngay trước mặt lực lượng chức năng. 

Đây thực chất là hành vi chống đối, thách thức cơ quan chức năng. Tuy nhiên, việc này cũng xuất phát từ góc độ tổ chức giao thông ở cung đường này chưa được hợp lý.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Sở GTVT Hà Nội nghiên cứu, tổ chức lại giao thông, làm sao cho nhân dân đi lại thuận tiện, đảm bảo an toàn, vừa tuân thủ Luật giao thông đường bộ, vừa không phải đi quá xa" - trung tá Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm.

Sở GTVT Hà Nội: hẹn

Liên hệ với Sở GTVT Hà Nội qua điện thoại về việc sở đã có phương án tổ chức lại giao thông để khắc phục câu chuyện cười ra nước mắt tại tuyến đường Lê Văn Lương cũng như một số điểm giao thông khác, phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn cho biết ông đang đi họp và yêu cầu phóng viên đến sở này để làm việc.

Nhưng khi PV Tuổi Trẻ đến liên hệ làm việc tại văn phòng Sở GTVT Hà Nội, cán bộ văn phòng cho biết tất cả lãnh đạo đều đi họp nên sẽ trả lời sau. 

PV cố gắng liên hệ qua điện thoại một lần nữa với ông Ngô Mạnh Tuấn nhưng ông này nói để lại câu hỏi tại văn phòng sở và đợi đơn vị này liên hệ lại khi họ có câu trả lời.

Không thể xử phạt người dắt bộ

Một chuyên gia về Luật giao thông đường bộ cho rằng khi người dân dắt bộ phương tiện có nghĩa là không tham gia giao thông nên lực lượng chức năng không thể xử phạt như quy định xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe môtô, xe gắn máy.

Để xử phạt người dân trong trường hợp này, lực lượng chức năng phải chứng minh được họ đã vi phạm từ trước khi dắt bộ như có bằng chứng camera, có hình ảnh chụp lại hoặc có người làm chứng...

CHÍ TUỆ - DƯƠNG LIỄU

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên