03/09/2012 09:50 GMT+7

Tổ chức đối lập của Syria mở rộng thành phần

TẤN KHOA (AFP, BBC)
TẤN KHOA (AFP, BBC)

TTO - Hội đồng dân tộc Syria (SNC) - tổ chức lớn nhất trong số phe đối lập Syria - sẽ cải tổ và mở rộng với sự tham gia của nhiều tổ chức chống đối Tổng thống Bashar al-Assad hơn.

pHkvaDyS.jpgPhóng to
Hiện trường hoang tàn sau một vụ đánh bom tại quận Jaramana ở thủ đô Damascus, Syria - Ảnh: Reuters

Kết thúc cuộc họp của SNC cuối ngày 2-9 tại Stockholm (Thụy Điển), phát ngôn viên SNC George Sabra cho biết các lãnh đạo SNC thống nhất tiếp nhận thêm nhiều thành viên và sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu vào cuối tháng này để bầu ra lãnh đạo mới.

Ông Sabra cho biết ít nhất năm hoặc sáu nhóm đối lập mới ở bên trong và ngoài Syria sẽ gia nhập SNC. Hội đồng sẽ tăng số lượng thành viên từ 300 lên 400, mỗi nhóm đối lập sẽ có 20 thành viên đại diện tại SNC.

Hiện SNC không có kế hoạch hợp nhất với một tổ chức đối lập nổi bật khác là Ủy ban điều phối quốc gia vì thay đổi dân chủ (NCC). NCC theo đường lối ủng hộ một cuộc lật đổ bất bạo động và phản đối can thiệp quân sự từ bên ngoài.

SNC được thành lập từ tháng 8-2011 ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Tổ chức này nhận được sự ủng hộ của các quốc gia trong phong trào Những người bạn của Syria gồm Mỹ, Anh, Pháp… cũng như được nhiều cường quốc phương Tây công nhận là đại diện hợp pháp cho người dân Syria.

Tuy nhiên, động thái thúc đẩy cải tổ diễn ra sau những lời chỉ trích từ cả bên ngoài lẫn bên trong SNC rằng tổ chức này không thể hoàn thành sứ mệnh thống nhất các đơn vị đối lập lẻ tẻ chống lại Tổng thống Assad trong cuộc xung đột đã kéo dài hơn 17 tháng.

Trong diễn biến khác, lực lượng binh sĩ nổi dậy Syria tuyên bố nhận trách nhiệm trong vụ cài bom vào trụ sở chính của Bộ Tổng tham mưu quân đội tại thủ đô Damascus hôm 2-9. Truyền hình nhà nước gọi đây là “cuộc tấn công khủng bố”, chỉ có bốn người bị thương nhẹ sau vụ nổ.

Tân đặc phái viên về Syria phản đối can thiệp quân sự

Sau khi nhận nhiệm vụ đặc phái viên chung của Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn Ả Rập (AL) về Syria từ cuối tuần qua, ông Lakhdar Brahimi thúc giục phe chính phủ và quân nổi dậy kết thúc cuộc giao tranh đẫm máu.

Ông Brahimi khẳng định chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad phải chịu trách nhiệm lớn nhất, đồng thời nhấn mạnh sự thay đổi chế độ là điều “khẩn cấp” và “cần thiết”, đáp ứng yêu cầu chính đáng của người dân Syria.

o8ZWcwjF.jpgPhóng to
Tân đặc phái viên chung về Syria, ông Lakhdar Brahimi (trái) và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon - Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, ông Brahimi phản đối một cuộc can thiệp quân sự từ bên ngoài vào Syria, vì cho rằng đó sẽ là một thất bại hoàn toàn đối với các nỗ lực ngoại giao từ trước đến nay đã được thực hiện để giải quyết xung đột ở Syria.

Trong cuộc phỏng vấn với BBC, ông Brahimi tỏ ra bi quan về sứ mệnh mới của mình. “Tôi biết rõ công việc này khó khăn như thế nào, gần như là bất khả thi” - ông Brahimi nói. Thừa nhận một số lo lắng về vai trò đặc phái viên, ông Brahimi nói có thể hiểu được suy nghĩ của những người thất vọng vì không có một hành động quốc tế nào tại Syria. “Người ta đã nói về việc người dân Syria đang thiệt mạng, trong khi chúng tôi chẳng làm được gì nhiều. Đó thật sự là một gánh nặng lớn”.

Người phát ngôn của ông Brahimi cho biết tân đặc phái viên sẽ sớm bay đến Damascus (Syria) và Cairo (Ai Cập) để thảo luận về tình hình Syria với các quan chức Syria và Liên đoàn Ả Rập.

TẤN KHOA (AFP, BBC)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên