Con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM sáng 23-7 - Ảnh: TỰ TRUNG
Khi Sài Gòn - miền đất đang ôm trọn biết bao đứa con từ khắp mọi miền Tổ quốc đến mưu sinh - "trở bệnh", từ nhạc sĩ chuyên nghiệp cho đến người sáng tác không chuyên đã cho ra đời các ca khúc viết cho mảnh đất phương Nam này.
Những lời ca cất lên từ chính tấm chân tình dành cho thành phố khiến chúng ta thấy được "Sài Gòn mình" đang được yêu thương biết bao nhiêu.
Tất cả những sáng tác của các bạn dù hay, dù chưa hay... cũng đều là tiếng lòng chân thành, lời tâm sự thực tế trước hiện thực cuộc sống. Đó là liều thuốc tinh thần rất cần thiết lúc này, vừa cổ vũ những người ở tuyến đầu phòng chống dịch bệnh, vừa đem lại hơi ấm để sưởi ấm tình người khi xã hội đang bị tê lạnh vì đại dịch.
Nhạc sĩ Minh Châu
Nhớ da diết những thứ từng làm ta ám ảnh
Tác giả Nguyễn Bá Hùng sáng tác ca khúc Thương nhớ Sài Gòn từ một lời hứa rất đỗi đáng yêu: "Hứa với bản thân sau này ra đường có kẹt xe mấy cũng sẽ không bực bội". Có lẽ đó cũng là tâm sự của rất nhiều người ở thời điểm hiện tại.
Sự hiu quạnh của đường phố hôm nay bỗng làm ta nhớ da diết những điều từng rất "ám ảnh" như ồn ào, kẹt xe... - thứ đặc sản không thể trộn lẫn của đô thị sầm uất nhất cả nước: "Tôi nhớ chiều thành phố, ồn ào tiếng xe cộ/ Tôi nhớ chiều ngoại ô, rộn ràng diều căng gió...".
Có những thứ phải xa rồi mới nhớ, mới tiếc, mới thương, như lời ca của Sài Gòn tôi sẽ mà thầy giáo Thái Dương sáng tác: "Hàng quán hay chợ búa hay là cổng trường/ Rạp hát hay là công viên rồi giáo đường/ Cửa đóng then cài để bao người nhớ thương".
Không riêng những đứa con sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn mà nhiều thị dân chọn nơi đây làm miền đất hứa cũng đã viết ra lời ca tình nghĩa dành tặng cho thành phố thân yêu.
Nhạc sĩ Khắc Việt giãi bày qua tiếng hát của Tuấn Hưng: "Tôi yêu hết từng con đường những hàng cây nối dài nhau/ Tôi yêu những cơn mưa đến rồi chợt qua mau/ Tôi yêu lúc bình minh dậy đoàn người chen chúc vào nhau/ Tôi yêu những khi đêm về vỉa hè đông ghê/ Sài Gòn ơi! Xin lỗi, cảm ơn".
Bản nhạc Sài Gòn thở đi em
Sài Gòn, nghĩa là không dừng lại
"Con tàu ra khơi cũng có khi lạc sóng/ Ngày xót xa để mai sau nhìn lại/ Cây táo vui vì biết nở hoa/ Sài Gòn vui em biết thở hơi thở hiền hòa/ Sau trăm năm tất bật thở cho núi sông người đi kẻ ở... Bão đâu đến nổi đất này/ Dông sẽ qua cho mưa phùn trở về bay bay trong thành phố/ Sài Gòn thở ra hít vô nhè nhẹ/ Phổi ấm lên vươn mình từng chút một thôi em".
Đó là lời thơ trong bài Sài Gòn thở đi em của nhà báo Trương Bảo Châu, viết lúc thành phố đang căng mình trước dịch bệnh. Như một lời hồi đáp của những người con thành phố, cả ba nhạc sĩ Kỳ Anh, Nguyễn Văn Hiên và Nguyễn Quốc Đông đã cảm tác ý thơ rồi phổ nhạc, để lời ủi an "Sài Gòn thở đi em" đến được với nhiều người hơn.
Một độc giả đồng cảm: "Nếu không phải là một tình yêu mãnh liệt dành cho Sài Gòn, hẳn tác giả sẽ khó lòng viết nên những lời thơ trìu mến như thế. Phản ánh được cái đìu hiu của thành phố những ngày bị trọng thương, nhưng vẫn đặt trọn một niềm tin mãnh liệt vào sức sống của đô thị 300 tuổi này".
Và cảm nhận ấy lại vô tình giống như tâm tư tác giả Trương Bảo Châu: "Sống ở thành phố không ngủ này, cái để con người có thể hy vọng chính là nhịp sống mà chính hàng triệu người Sài Gòn tạo ra, giúp nhau, giúp nhau, giúp nhau và tìm cách...
Bằng cách nào đó, người ta vẫn phải tạo ra một nhịp sống. Bác sĩ và tiểu thương vẫn vươn lên trong gian nan để làm việc, nhà báo, nhạc sĩ và đội ngũ shipper cũng vậy, tạo ra luồng khí cho lá phổi đau ốm hô hấp không ngừng. Sài Gòn, nghĩa là không dừng lại".
Lời ca xóa tan muộn sầu
Tuần qua, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung sáng tác Mong sao hết dịch dành tặng những ai đang phải chống chọi với dịch bệnh, giúp mọi người hướng đến một tâm trí bình tĩnh hơn.
Trước đó, đầu tháng 7, nhạc sĩ Quốc An sáng tác ca khúc bolero Cách ly. Ở cuối bài hát, nhạc sĩ thể hiện sự trân trọng dành cho tình người Sài Gòn sẵn sàng đùm bọc nhau vượt qua khó khăn: "May mà ở đây, mọi người luôn rất sẵn lòng, sớt chia cơm sẻ áo...".
Còn Trần Dũng Khánh và VP Bá Vương xoa dịu những mất mát mà Sài Gòn đang gồng gánh bằng nhịp điệu trẻ trung và vui nhộn hơn với ca khúc Biệt phủ.
Mới đây nhất, nhạc sĩ Võ Hoài Phúc cũng phổ nhạc lại bài thơ Tôi ở lại Sài Gòn của tác giả Bụi. Đó là lời tâm sự của một đứa con xa quê hương lên thành phố lập nghiệp và quyết định ở lại cùng mảnh đất này vượt qua sóng gió...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận