Câu chuyện chung sống trước hôn nhân (mạn phép gọi như vậy về hiện tượng "sống thử") đã thu hút hàng trăm email phản hồi. TTO gửi đến bạn đọc chia sẻ sau đây như một lời kết tạm khép lại diễn đàn.
![]() |
Nhưng nếu nhìn về phương diện của lớp trẻ ngày nay thì mỗi người sẽ có cách nhìn riêng. Sống thử - có thể là tốt, nhưng cũng có thể là xấu.
Tôi là một người trẻ, nếu như được phép phân tích hai từ này, tôi sẽ nhìn nhận nó xét cả về hai mặt: tích cực và tiêu cực.
Có thể sẽ rất nhiều người dị ứng khi người ta dùng từ “sống thử” để ám chỉ tình trạng sống chung trước hôn nhân. Họ phản đối vì cho rằng sống chung trước hôn nhân vẫn là sống thật, mối quan hệ thật, những xung đột, va chạm thật… chỉ khác là thiếu một đám cưới rình rang và một tờ giấy hôn thú mỏng manh thì sao có thể gọi là sống thử! Tôi nghĩ bất cứ ai khi nhận xét một vấn đề đều có lý của họ.
Sau khi chung sống cùng nhau, một khi hoàn cảnh cho phép và hai người vẫn cảm thấy cần nhau, yêu thương nhau thì một đám cưới diễn ra sau đó, một tờ hôn thú được ký kết để họ chính thức được xã hội thừa nhận là vợ, là chồng, sẽ là kết thúc có hậu.
Tuy nhiên nếu sau thời gian chung sống, những va chạm, xung đột làm cả hai mệt mỏi, chán nản, họ cảm thấy không hợp nhau thì chia tay cũng không phải là vấn đề phức tạp so với việc đã là vợ chồng.
Xét về tình cảm, khi là vợ chồng nếu không còn tình yêu với nhau, người ta phần lớn thường vẫn cố gắng chịu đựng nhau để sống vì cái nghĩa, vì mối quan hệ con cái, vì không muốn những đứa trẻ phải mất mẹ hay ba, vì danh dự gia đình hai bên. Và rồi họ cứ sống cùng nhau trên danh nghĩa vợ chồng nhưng chỉ như hai người bạn trọ chung một căn nhà bất kể tình cảm, sự yêu thương có thể không còn tồn tại.
Nhưng khi quyết định sống thử trước hôn nhân, hai người sẽ ý thức rõ ràng về vấn đề con cái. Họ thường không muốn sinh con trước khi một đám cưới diễn ra (ngoại trừ bất đắc dĩ).
Như thế khi cảm thấy không còn tình yêu tồn tại thì việc chia tay giữa hai người sống thử sẽ đơn giản hơn.
Thứ hai, xét về mặt tiêu cực. Bỏ qua các vấn đề như vi phạm truyền thống dân tộc, ảnh hưởng đến danh giá gia đình… tôi nghĩ đó là vấn đề tình dục. Nếu kết quả của việc sống thử không thành thì thường người con gái sẽ chịu thiệt thòi hơn vì quan niệm của người Á Đông vẫn rất nặng về trinh tiết. Liệu người con gái có mặc cảm, tự ti, dằn vặt về lỗi lầm quá khứ khi đến với người sau?
Dẫu cho người đàn ông sau này của họ có rộng lượng, tha thứ, không nhắc đến quá khứ của vợ thì có chắc rằng không một lúc nào đó khi va chạm xảy ra chẳng hạn, người ta không mang cái tì vết ấy ra đay nghiến? Có người đàn ông nào không mong vợ đến với mình khi vẫn còn trong trắng? Quan niệm trinh tiết vẫn rất khắt khe với phụ nữ dù cho xã hội có hiện đại như thế nào chăng nữa.
Còn riêng người đàn ông? Cũng không hẳn là họ sẽ không bị mất gì khi chia tay mối tình sống thử. Liệu người yêu họ, người bạn đời sau này của họ, niềm tin và tình yêu có bị xói mòn không khi phát hiện bạn trai mình, chồng mình từng chung sống trước hôn nhân với một người con gái khác? Tôi tin chắc chắn là có bởi bản chất tình cảm vẫn luôn bao hàm sự ích kỷ, duy nhất và chiếm hữu…
Như vậy, với tôi, sống thử như là một con dao hai lưỡi. Vấn đề quan trọng là ai có thể biết cách sử dụng nó để không bị đứt tay mà thôi…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận