30/05/2015 09:59 GMT+7

Tình yêu học trò tiểu học

HƯƠNG GIANG
HƯƠNG GIANG

TT - Con trai tôi học lớp 5, bé thường kể với tôi chuyện trong lớp. Trong đó có chuyện bạn này “cặp” với bạn kia, bạn này “bắt cá hai tay” bị phát hiện và ghen ra sao...

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) làm bánh trong buổi ra mắt CLB “Khéo tay hay làm” - Ảnh: Xuân Bình
Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) làm bánh trong buổi ra mắt CLB “Khéo tay hay làm” - Ảnh: Xuân Bình
Cô bạn tôi dạy tiểu học khoe năm nào dạy lớp 4, lớp 5 cũng thu được cả đống “thư tình” của học trò. Ngoài những câu ngây ngô kiểu “chắc tớ thích cậu rồi đó” hoặc “tụi mình làm bạn ha” thì không thiếu những câu có thể khiến các bậc phụ huynh “đứng hình” như “làm bà xã mình nhe”,  “kiss you, baby”…

Tôi hỏi sao con biết thì con trả lời hồn nhiên “lớp con ai cũng biết, mấy cặp đó công khai hết mà”. Công khai theo kiểu hay tìm cách quay lên quay xuống trong lớp nhìn nhau cười, nắm tay nhau hoặc đi cùng nhau xuống căngtin, hẹn hò ngồi nói chuyện ở sân thể thao...

Nếu những rung động đầu đời chỉ dừng ở đó, chúng ta có thể chỉ tặc lưỡi “trẻ con bây giờ phát triển sớm quá”.

Những ngày cuối năm học này, bọn trẻ tặng nhau những món quà kỷ niệm khi ra trường, các “cặp đôi” cũng vậy. Con tôi cho biết “lớp con có bốn cặp đôi, các bạn mua nhẫn cặp tặng cho nhau, có ba cặp thành công, đeo luôn rồi”.

Rõ ràng cặp nhẫn ấy có vai trò khác hẳn những con thú bông, những que kem trước đó chúng thường dành cho nhau bởi vì có cặp đã khẳng định “lớn lên sẽ cưới nhau vì đã quen nhau từ năm lớp 4”.

Thế còn cặp đôi thứ tư? “Cặp thứ tư ban đầu đã chịu nhận nhẫn cặp nhưng đến khi bạn gái tặng quần cho bạn trai thì bạn trai từ chối luôn”. Quần gì mà làm bạn phải từ chối? “Quần sịp mẹ à, mua quần cặp luôn. Một cặp quần màu đỏ tươi luôn, rất đẹp, bạn nói mặc cho giống nhau mới dễ thương”.

Dù biết trước về những “mối tình học trò tiểu học” nhưng tôi vẫn bất ngờ vì món “quà độc” này khi người tặng và người nhận mới chỉ 11 tuổi. Có thể cô bé ấy bắt chước những gì xem được trong phim, truyện, hoặc nghe bạn bè gợi ý về những món quà gắn kết tình yêu và khẳng định “chủ quyền”...

Và thậm chí chỉ là do cô bé ấy đang vô tư tập làm người lớn theo kiểu quá con nít, xem cái quần be bé xinh xinh ấy như một con thú bông đem đi tặng bạn mình, mà thật lòng thì tôi cũng mong em ấy lựa chọn món “quà độc” vì lý do này.

Bất giác tôi thấy thương cho những cô bé, cậu bé “sớm lớn” và phải “tự lớn” ấy. Hẳn là phụ huynh của các em ấy thiếu quan tâm hoặc không đủ thân thiết nên không biết về “ý tưởng” của con mình để góp ý, định hướng cho con.

Cô giáo không đủ thời gian chạy giáo án môn khoa học trên lớp (có những bài đầu tiên về giới tính) thì làm sao có thể chuyện trò, hướng dẫn học sinh những câu chuyện giáo dục giới tính, tình bạn, tình yêu tuổi học trò rất đời thường.

Từ câu chuyện món quà của các cặp đôi tiểu học, tôi giật mình nhìn lại. Các em phải học lỏm từ người lớn khi mới chỉ là đứa trẻ nên chắc chắn sẽ có những bỡ ngỡ, những thiếu sót mà nếu người lớn không kịp hướng dẫn thì sẽ rất khó cho những “người lớn 10 tuổi” này.

Tôi thiết nghĩ, cha mẹ không thể tăng cường quản lý con theo kiểu siết chặt mà cần gần gũi con hơn, hiểu con hơn để hướng dẫn con từng điều nhỏ nhất. Chưa biết vài năm tới con tôi sẽ tập làm người lớn thế nào, nhưng ít ra tôi thấy an tâm hơn khi đồng hành cùng con trong chặng đường chuyển đổi không đơn giản này.

HƯƠNG GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên