03/12/2015 08:22 GMT+7

Tình yêu chiến thắng “tình báo”

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TT - Quyển tiểu thuyết gián điệp được xem là “hay nhất mọi thời đại” của John le Carré vừa được tái ngộ với bạn đọc Việt Nam qua ấn bản của Nhã Nam liên kết với NXB Hội Nhà Văn.

Cơn địa chấn trong làng xuất bản sách gián điệp

Tác phẩm lọt vào danh sách 100 cuốn tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại do tạp chí Time bình chọn - Ảnh: L.Điền
Tác phẩm lọt vào danh sách 100 cuốn tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại do tạp chí Time bình chọn - Ảnh: L.Điền

Sự vĩ đại của một tiểu thuyết tình báo bậc thầy không hẳn nằm ở nghệ thuật tổ chức chiến dịch gián điệp, mà lòng nhân văn đã thức tỉnh nhiều cộng đồng độc giả. Đến nỗi Graham Greene - tác giả Người Mỹ trầm lặng - cũng nhận định về Điệp viên từ vùng đất lạnh là “Truyện tình báo hay nhất tôi từng đọc”.

Còn nhà báo Yên Ba thì ghi nhận rằng Điệp viên từ vùng đất lạnh chỉ được viết trong sáu tuần, nhưng khi ra mắt đã “thật sự là một cơn địa chấn trong làng xuất bản sách gián điệp, vốn nhan nhản những sách best-seller”.

Gọi là tái ngộ, vì Điệp viên từ vùng đất lạnh (The spy who came in from the cold) từng xuất hiện tại miền Nam trước đây qua bản dịch của Bồ Giang, nay bản của Nhã Nam tổ chức có thêm một dịch giả cùng tham gia nữa là Đoàn Lạc Anh Xuân.

Tiểu thuyết lấy bối cảnh thời chiến tranh lạnh với bức tường Berlin chia đôi nước Đức. Và khi đọc xong trang cuối cùng đồng nghĩa với việc theo dõi xong điệp vụ cuối cùng của Alec Leamas - một thành viên trong mạng lưới gián điệp Anh chống Đông Đức, người đọc có thể sẽ lật lại đọc một lần nữa đoạn cuối...

John le Carré đã dẫn người đọc theo diễn tiến một điệp vụ thoạt đầu không có mấy phức tạp, nhưng càng đọc càng thấy bút pháp của tác giả quả là bậc thầy trong việc thiết kế tình tiết truyện - với đầy đủ thủ thuật lớp lang của một chiến dịch gián điệp thâm sâu không lường hết được. 

Bạn đọc sẽ tìm thấy ở đây đầy đủ các mánh khóe của nghề gián điệp, từ lý tưởng cao cả đến hành động đê tiện. Nhưng cao thủ đáng kể là nghệ thuật bẫy người trong nghề tình báo. 

Câu nói của cô gái Liz thốt lên trong chuyến vượt thoát định mệnh với Leamas cũng chính là một tiết lộ của John le Carré về đỉnh điểm của nghề tình báo: “Trời ơi, anh không hiểu. Anh không muốn hiểu. Anh đang cố tự thuyết phục chính mình. Việc họ đang làm còn khủng khiếp hơn nữa: Tìm nhân tính nơi con người, ở em và bất cứ ai mà họ sử dụng, biến nó thành một thứ vũ khí trong tay họ, rồi dùng nó để hãm hại, để giết người...”.

Nếu phải phân tích về yếu tố tình yêu trong tiểu thuyết này của John le Carré, phải cần đến một tiểu luận bề thế. Vấn đề quan trọng là tác giả đã đưa tình yêu chân thật vào trong một điệp vụ kinh khủng, để độc giả thấy rằng lòng thiện lương và tình cảm của con người cũng bị những bậc thầy tình báo lợi dụng cho mục đích cụ thể như thế nào, và họ lợi dụng thành công thật. 

Nhưng John le Carré có vẻ không phải là tín đồ của nghề tình báo, cho nên vượt lên trên mọi mánh khóe và thủ đoạn tột cùng của chuyên ngành gián điệp, sau khi chiến thắng những bộ óc vĩ đại, hóa ra vẫn còn một điều mà các bậc thầy tình báo không thắng nổi, thậm chí không lường nổi, đó là tình yêu và tính nhân văn của con người. 

Chỉ có điều đó mới khiến Leamas bỏ ra ngoài tai tiếng kêu của đồng đội “Alec! Trời ơi, nhảy xuống đi!” ở phía tây bức tường và anh nhảy trở về phía đông..., nơi cô Liz vô tội vừa bị bắn chết trong tay anh. Leamas chết, như bao cái chết bình thường của nghề điệp viên từng chết từ thời cổ đại đến nay, nhưng quyết định đến với cái chết của anh đã làm cho tình yêu và tinh thần nhân văn sống mãi.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên