17/12/2018 11:41 GMT+7

Tính toán chi mấy chuyện thiện nghĩa

THÀNH NHƠN
THÀNH NHƠN

TTO - Họ là dân lao động nghèo tại huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp), tập hợp nhau đi xây nhà tình thương cho những “chiếc lá rách” hơn mình.

Tính toán chi mấy chuyện thiện nghĩa - Ảnh 1.

Tổ cất nhà tình thương chở vật liệu đi xây nhà cho một người nghèo ở vùng xa - Ảnh: T.N.

Trong ba năm qua, gần 400 căn nhà tình thương đã đến với nhiều hoàn cảnh nghèo khó trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp. Từ nỗ lực của Tổ cất nhà tình thương số 2 Định Yên (xã Định Yên, huyện Lấp Vò), các căn nhà tre xập xệ, rách nát được thay thế dần bằng những mái ấm chắc chắn, tinh tươm.

Cứ lấy niềm vui của người khác làm niềm vui cho mình là có thể quên đi mọi mệt nhọc.

Anh Nguyễn Hoàng Minh

"Hai lúa" xây mái ấm cho người nghèo

Chúng tôi gặp các thành viên tổ cất nhà tình thương khi họ đang phân công nhau đổ cột ximăng, cắt, hàn sắt, nhôm cho đợt cất nhà sắp tới. Đợt này, tổ đi xa, cất nhà cho 5 hộ dân ở huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau. Nhìn cảnh các thành viên trong tổ mồ hôi nhễ nhại, người lấm lem vữa bêtông mới thấy hết nỗi vất vả của các anh em "Hai lúa" miệt vườn.

Theo ông Huỳnh Phú Quán - tổ phó, với những trường hợp cất nhà ở xa, anh em phải chuẩn bị từ nhiều ngày trước. Đội hậu cần chịu trách nhiệm thuê xe vận chuyển vật liệu để có thể "tác chiến" ngay khi đến nơi. 

"Năm rồi chúng tôi cất được 32 căn nhà ngoài tỉnh. Đến nay anh em trong tổ đã xây dựng gần như đủ cả 13 tỉnh đồng bằng. Ở đâu có người nghèo, có nhà lụp xụp cần một mái ấm là chúng tôi cố gắng có mặt" - ông Quán nói.

Nói về lý do thành lập tổ, ông Quán cho biết trước kia gia cảnh bản thân ông hết sức khó khăn, mấy đợt mưa bão ở trong nhà mà cứ phập phồng lo nhà sập, lo cho tính mạng của người thân. Xuất phát từ đó, ông tập hợp thêm anh em trong xã và các xã lân cận đứng ra thành lập tổ cất nhà tình thương. 

"Tưởng đâu một năm xây được có vài căn nhà, vậy mà đến giờ năm nào cũng ngót nghét gần 150 căn. Chừng ấy mái ấm đến với người nghèo là chừng ấy niềm vui với anh em trong tổ" - ông Quán hào hứng nói.

Trước đây tổ làm nhà bằng gỗ tạp, tuy nhiên chỉ sau vài năm sử dụng nhà xuống cấp phải tu sửa. Nhận thấy điều đó, những năm gần đây tổ chuyển sang xây nhà cột ximăng, lợp tôn cho người dân. Chi phí một căn nhà hoàn chỉnh khoảng 20 triệu đồng, quyên góp từ các nhà hảo tâm. 

Anh Phạm Thanh Vũ (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp), một trong những trường hợp được cất nhà tình thương, cho biết anh phải chạy ăn từng bữa, chưa bao giờ nghĩ đến việc cất mái nhà che nắng mưa. "May nhờ có tổ cất nhà đến khảo sát mà hiện giờ tôi và cả gia đình có thể tập trung đi mần, bớt lăn tăn lo chuyện nhà sập" - anh Vũ cảm kích nói.

Tính toán chi mấy chuyện thiện nghĩa - Ảnh 3.

Tổ cất nhà tình thương dựng nhà cho người dân

Đoàn kết, yêu thương nhau

Trong tổ, nhiều thành viên có hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhưng không vì thế mà cái tâm dành cho người nghèo vơi bớt. Như trường hợp của anh Trần Văn Hài (ngụ xã Định Yên) mưu sinh bằng nghề chở mùng mền đi bán dạo, thu nhập hằng ngày chỉ khoảng 100.000 đồng nhưng vẫn tích cực tham gia tổ từ ngày đầu thành lập. 

"Ngày tham gia tổ, căn nhà tui cũng xập xệ lắm, nhưng tui chưa bao giờ có ý định xin tổ cất nhà cho mình cả. Xã hội còn nhiều người nghèo hơn mình, giúp được hoàn cảnh nào thì cố gắng giúp, tính toán chi mấy chuyện thiện nghĩa" - anh Hài tâm tình.

Trong khi đó, anh Nguyễn Hoàng Minh (ngụ xã Tân Thành, huyện Lai Vung) là "thợ đụng", tức đụng gì làm đó. Anh Minh đảm nhận khâu hàn nhôm, sắt trong tổ và là tay ngang đi theo tổ bởi thấy nghĩa cử cao đẹp vì người nghèo mà tổ mang lại. 

Vợ anh Minh bị tật, anh là trụ cột chính trong gia đình nhưng từ ngày thành lập tổ, anh chưa bỏ sót đợt cất nhà tình thương nào. 

"Cứ lấy niềm vui của người khác làm niềm vui cho mình là có thể quên đi mọi mệt nhọc. Anh em trong tổ rất đoàn kết và yêu thương lẫn nhau. Khi người này bận công chuyện thì có anh em khác phụ giúp" - anh Minh hào hứng cho biết.

Theo ông Huỳnh Phú Quán, tổ cất nhà hoạt động tự nguyện, các thành viên tham gia tổ góp công sức không nề hà khó nhọc. Nhiều đợt đi cất nhà xa, anh em dựng chòi nghỉ ngơi, nấu mì gói ăn. 

Mặc dù cực khổ, lại mang tiếng làm chuyện bao đồng nhưng anh em vẫn quyết tâm gắn bó với tổ. "Hiện tổ có 52 thành viên, nhà hảo tâm đóng góp khoản nào mình minh bạch khoản đó, bởi vậy anh em rất tin tưởng. Có như vậy tổ mới có thể hoạt động lâu dài, bền vững" - ông Quán chia sẻ.

Nhận thấy anh em trong tổ đối mặt nhiều nguy hiểm, có thể gặp tai nạn lao động nên tổ đã mua bảo hiểm cho tất cả anh em phòng khi xui rủi ngoài ý muốn. Trong năm qua đã có nhiều anh em trong tổ được hỗ trợ thiết thực từ chính sách này.

Tính toán chi mấy chuyện thiện nghĩa - Ảnh 4.

Cất nhà tình thương cho cụ bà ở Long An - Ảnh: T.N.

Đi đến đâu, được dân thương đến đó

Ông Thái Minh Tân - chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Lấp Vò, người có thời gian gắn bó lâu dài với tổ từ những ngày đầu - cho biết bà con xung quanh vùng và các tỉnh khác rất quý mến tổ.

"Đợt rồi tổ đi xây nhà cho một cụ bà 84 tuổi ở Long An, cụ tâm sự cả cuộc đời mới có được căn nhà khang trang như vậy. Nghe cụ nói, anh em ai cũng cảm động, vui mừng vì việc làm của mình giúp đỡ được cho cụ. Tổ cất nhà tình thương đi đến đâu được người dân thương đến đó" - ông Tân đánh giá.

15 năm đi chia sẻ tình thương 15 năm đi chia sẻ tình thương

TTO - 15 năm trước, chị Ngô Phương Loan (ở Hà Nội) tham gia một nhóm từ thiện của các mẹ. Các thành viên đều đang làm mẹ, nên bàn với nhau chọn cái tên “Chia sẻ tình thương”, với hàm ý chia sẻ tình thương cho những người nghèo khó.

THÀNH NHƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên