Hiện JICA đang duy trì bảy tình nguyện viên mảng này, hoạt động tại các địa điểm du lịch trên khắp dải đất hình chữ S như Đà Nẵng, Đà Lạt, Cần Thơ...
Tình nguyện viên Nhật và duyên lành với Việt Nam
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ba trong số bảy tình nguyện viên Nhật Bản tham gia chương trình xúc tiến du lịch Việt của JICA đều khẳng định đã "bén duyên" với Việt Nam nhờ yêu thích cảnh sắc, con người, văn hóa Việt.
Chị Tsuruta Shiki (33 tuổi), tình nguyện viên hỗ trợ phát triển du lịch Đà Lạt (Lâm Đồng), kể rằng đã đến Việt Nam từ năm 2011 khi còn là sinh viên đại học. Khi ấy, chị tham gia đoàn tham quan học tập đến TP.HCM và có cơ hội giao lưu với các em nhỏ tại một trung tâm dành cho trẻ khó khăn.
Sau khi hoàn thành việc học, năm 2016 chị quay lại Việt Nam để làm việc cho một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực giáo dục môi trường. Chị Tsuruta đã có ba năm sống tại Huế, thường xuyên thực hiện các dự án hỗ trợ nông dân tại đây.
Trong lần thứ ba đến Việt Nam, chị mong muốn hỗ trợ TP Đà Lạt phát triển du lịch nói chung và du lịch bền vững nói riêng. "Tôi rất thích cuộc sống ở Việt Nam. Tôi cảm thấy mình có mối duyên lành với Việt Nam. Tôi mong muốn tiếp tục có thêm mối quan hệ với những người bạn Việt", Tsuruta chia sẻ.
Trong khi đó, chị Nagai Junko (41 tuổi), TNV tại Đà Nẵng, cho biết từng đi du lịch tại Hà Nội và TP.HCM, cũng như đến Đà Nẵng công tác khoảng 10 năm trước. Trong chuyến đi ấy, chị cảm thấy rất thích ẩm thực, con người cũng như bầu không khí ở Việt Nam.
Vài năm gần đây, số người Việt sinh sống ở Nhật Bản tăng mạnh, thôi thúc chị muốn tìm hiểu sâu hơn về văn hóa Việt Nam và học tiếng Việt. Chị nói sẽ sử dụng những gì học được tại Việt Nam để giúp đỡ cộng đồng người Việt ở Nhật.
Trước khi đến Việt Nam vào đầu năm 2023, anh Kamiji Shota (29 tuổi - tình nguyện viên tại Cần Thơ) từng làm chuyên viên marketing cho một sàn thương mại điện tử lớn ở Đông Nam Á. Khi biết đến chương trình tình nguyện dài hạn tại Việt Nam, anh đăng ký và trải qua một khóa tập huấn ngắn hạn về đất nước, văn hóa Việt.
Sau hơn một năm ở Cần Thơ, anh Kamiji đã phát triển kỹ năng nói tiếng Việt khá thành thạo và có thể giao tiếp dễ dàng với người dân TP.
Nỗ lực mang du lịch Việt Nam ra thế giới
Anh Kamiji cho biết anh và các đồng nghiệp có ba nhiệm vụ chính: khảo sát, nghiên cứu các địa điểm du lịch tiềm năng tại địa phương sinh sống; quảng bá du lịch địa phương trên mạng xã hội (Facebook, Instagram)...; tổ chức hoặc tham gia các hoạt động xúc tiến du lịch quốc tế. Mỗi TNV sẽ ở Việt Nam liên tục trong hai năm, chung sống với người bản địa để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
"Công việc của tôi tập trung vào việc quảng bá, xúc tiến du lịch cho người nước ngoài, đặc biệt là người Nhật. Cần Thơ là TP nổi tiếng với người Việt Nam, nhưng lại chưa thật sự được người Nhật biết đến. Do đó, tôi đi khảo sát các điểm du lịch, sau đó chia sẻ với các công ty du lịch và đăng thông tin lên mạng xã hội", anh Kamiji chia sẻ.
Về phần mình, chị Tsuruta cho biết trong quá trình ở Đà Lạt, chị nhận thấy tiềm năng phát triển của hình thức du lịch trải nghiệm gắn với thiên nhiên nơi đây. Chị Tsuruta dự định trong thời gian còn lại ở Việt Nam, chị sẽ kết nối với các công ty du lịch Nhật Bản để thiết kế tour tham quan nông trại cà phê. Dự kiến khi tour này được triển khai, du khách sẽ được trải nghiệm chăm sóc cây cà phê và giao lưu với người nông dân ở đây.
Sau bảy tháng ở Đà Lạt, chị Tsuruta nhận thấy vùng đất này rất có tiềm năng trong việc thu hút du khách Nhật Bản.
Chị nhận xét: "Đà Lạt có quang cảnh thiên nhiên đẹp mà nhiều người Nhật không nghĩ Việt Nam sở hữu. Nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, Đà Lạt có cao độ mà hầu hết người Nhật chưa từng trải nghiệm. Ngoài ra, Đà Lạt còn trồng được đa dạng loài hoa, khí hậu cũng rất dễ chịu".
Trong khi đó, chị Nagai nhận thấy Đà Nẵng sở hữu thế mạnh là một đô thị du lịch ven biển với hạ tầng phát triển và nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng sang trọng. Ngoài ra, TP này còn nằm gần nhiều di sản văn hóa như phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam)...
"Người Nhật nhìn chung thích các khu di sản thế giới. Du khách Nhật có thể dễ dàng đi đến các địa điểm này từ Đà Nẵng. TP cũng có rất nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng ven biển. Giá phòng ở đây còn rẻ hơn ở Nhật Bản", chị Nagai nói.
Để phát triển du lịch Đà Lạt, chị Tsuruta đề xuất cơ quan chức năng tập trung phát triển các thế mạnh sẵn có, nguyên bản của TP và không cần xây mới thêm nhiều công trình phục vụ du lịch. Chị Tsuruta cũng mong muốn chính quyền địa phương đẩy mạnh các kênh quảng bá đa ngôn ngữ, giúp người nước ngoài - đặc biệt là người Nhật - biết về TP này.
Tô đậm giao lưu văn hóa
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, Phó trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam Hiraoka Hisakazu cho biết JICA bắt đầu gửi tình nguyện viên hợp tác quốc tế của Nhật Bản (JOCV) đến Việt Nam từ năm 1995. Tình nguyện viên trong lĩnh vực du lịch đã được gửi lần đầu vào năm 2000.
Theo ông Hiraoka, sau đại dịch COVID-19 gây gián đoạn đi lại, nhờ hoạt động của các tình nguyện viên trong lĩnh vực du lịch như vẽ bản đồ du lịch đa ngôn ngữ, quảng bá các điểm du lịch Việt Nam trên mạng xã hội, thị trường Nhật Bản đã quan tâm Việt Nam trở lại. Các tình nguyện viên đã có ảnh hưởng tích cực giúp thúc đẩy du lịch giữa hai quốc gia.
"Việc hỗ trợ của JOCV cho ngành du lịch không chỉ bao gồm quảng bá du lịch và phát triển du lịch cộng đồng, mà còn nhằm bảo tồn di sản văn hóa và phát triển nhân lực. Các JOCV đang hỗ trợ phục hồi chùa Cầu tại Hội An - vốn do thương nhân Nhật xây dựng. Chúng tôi hy vọng những hoạt động do JOCV thực hiện sẽ tô đậm sự giao lưu giữa hai nền văn hóa", lãnh đạo JICA Việt Nam chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận