![]() |
Những phút thảnh thơi, ông bà thường ngồi thủ thỉ với nhau những chuyện của ngày xưa, rồi cười móm mém - Ảnh: T.Lụa |
Đôi vợ chồng ấy là ông Phạm Văn Cần và bà Nguyễn Thị Một (ngụ ấp 2, xã Phước Khánh, Nhơn Trạch, Đồng Nai).
Trong căn nhà tình thương xiêu vẹo ở cuối ấp 2, mỗi khi trời mưa bà phải dìu ông ra mái hiên trước nhà để tránh dột. Nhưng cả ông và bà cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì luôn có nhau tuổi về chiều. Trong căn nhà ấy, chỉ vỏn vẹn có hai chiếc giường sắt đã cũ lắm rồi. Những chiếc chiếu đã rách nát, bà đưa mấy tấm bao cũ may lại, lót dưới chỗ ông nằm cho đỡ bị đau lưng. “Hai chiếc giường này người ta vứt từ thời chiến tranh, tụi tui xin về dùng cho tới ngày hôm nay” - bà nói.
Ông bà có sáu người con đều đã trưởng thành, lập gia đình nhưng thiếu trước hụt sau nên ông bà không muốn làm gánh nặng thêm cho con mà cố tự lo cho nhau. Ông bị dị tật chân bẩm sinh từ ngày còn nhỏ, chuyện đi lại vốn dĩ đã khó khăn.
Những lúc không bệnh tật, ông bà chèo thuyền đi dọc các con rạch lượm ve chai, mỗi ngày kiếm được vài chục ngàn đồng, cùng với một ít tiền chính quyền địa phương hỗ trợ, hai vợ chồng sống đắp đổi qua ngày.
Những khi ông bệnh nặng, sợ bà vất vả, ông chỉ nằm yên trên giường, không dám đi lại, bà vừa lo việc mưu sinh vừa lo thuốc thang cho ông. Nhưng bà bảo vợ chồng yêu nhau rồi mới cưới, sống với nhau mấy chục năm vẫn cảm thấy dạt dào cảm xúc, hạnh phúc như thời còn son trẻ. Bà bảo vợ chồng quan trọng là tình nghĩa lúc về già nương tựa nhau khi con cái đã trưởng thành.
“Hạnh phúc ấy đôi khi sâu sắc và ý nghĩa hơn cả thời yêu nhau tuổi trẻ” - bà nói. Còn ông thì bảo: “Tôi sợ bà mất trước mình thì tuổi già sẽ cô đơn lắm, có nhau tuy cực khổ nhưng vui và đầm ấm”. Mỗi chiều, ông bà lại ngồi trước hiên nhà ôn lại những kỷ niệm ngày trước rồi chăm chút cho nhau từng miếng ăn, giấc ngủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận