Phạm Đình Nguyên - doanh nhân mua thị trấn MỹBuford sẽ là “showroom” giới thiệu hàng Việt
Phóng to |
Có người đã bình luận: “Vị doanh nhân người Việt kia nếu muốn có thể bỏ ra thêm ít tiền nữa để sở hữu thành phố Detroit (bang Michigan) và một chút nữa để mua luôn cả thành phố Cleveland của bang Ohio”.
Nước Mỹ đang bị “rao bán”, hãy thức tỉnh đi!
Lời cảnh báo này khiến không ít người Mỹ sốc!
Nếu chỉ xét trên giá tiền 900.000 USD hay trên diện tích của Buford, chắc hẳn cuộc mua bán này không làm quá nhiều người “phát sốt” và giới truyền thông Mỹ cũng chẳng việc gì ồn ào tốn nhiều giấy mực đến vậy. Sức mạnh chính nằm ở từ “thị trấn” (mặc dù là nhỏ nhất nước Mỹ).
Cho dù đó có là “thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ” với chỉ một công dân đi nữa thì cụm từ ấy vẫn lập tức khiến người ta giật mình tỉnh hẳn như thể mình vừa lỡ hớ hênh, trong cơn “lãng đãng” bán đi mất một-thứ-đầy-giá-trị!
Thật sự thì trước khi xảy ra “sự kiện Buford”, từng có những lúc giới truyền thông Mỹ lên tiếng về việc nhiều người Trung Quốc lùng sục bất động sản của Mỹ. Tạp chí “triệu phú” Hurun (Trung Quốc) thống kê hiện Trung Quốc đã có đến 960.000 triệu phú - những người có trong tay vào khoảng 1,5 triệu USD trở lên. Và khoảng một nửa số này đều muốn ra nước ngoài sinh sống, làm ăn.
Không cần nói cũng biết Mỹ sẽ là giấc mơ số 1. Điều đó chứng tỏ qua việc tính đến tháng 9-2011 các hồ sơ xin định cư tại Mỹ (dưới dạng visa EB-5) của các Hoa kiều đại lục chiếm đến 78%.
Việc lùng sục bất động sản Mỹ cũng nảy sinh từ đây, bởi theo quy định ai muốn có thẻ xanh phải đầu tư từ 500.000 - 1 triệu USD, đủ để tạo ra 10 công ăn việc làm cho dân Mỹ. Ngoài ra, một khi đã có ý định sinh sống tại Mỹ, việc mua nhà cửa, đất đai được xem là tất yếu. Vậy thì tại sao không nhắm đến thị trường bất động sản của nước Mỹ, khi họ được lợi đến đôi ba chiều như thế?
Người Trung Quốc và không ít quốc gia khác đủ tiềm lực để mua cũng như không ngừng lùng sục để mua. Người Mỹ bán, cứ bán! Và đến lúc này báo chí lẫn dư luận Mỹ mới “la ó” đặt ra vấn đề là: nếu nước Mỹ không tỉnh thức, cứ “rao bán” và thoải mái cho phép người nước ngoài lùng sục, tìm mua bất động sản, liệu đến một ngày nào đó nhìn lại có xảy ra tình huống rất nhiều thị trấn, rất nhiều vùng đất của Mỹ sẽ “về tay” những cư dân đến từ các quốc gia khác - nhất là các quốc gia châu Á không?
Đây chính là điều đang làm sốt các diễn đàn, khiến người Mỹ phải tỉnh dậy khỏi sự “chủ quan” của mình.
Theo thống kê tại Mỹ, Trung Quốc hiện đứng thứ hai sau Canada trong việc mua bất động sản. Các công ty từ Trung Quốc đại lục và Hong Kong đã chi ra 1,7 tỉ USD để mua các dự án thương mại trong năm 2011, gấp đến bốn lần so với năm 2008. Cũng cần nhấn mạnh thêm con số này chỉ mới là “bề nổi của tảng băng chìm”, bởi lẽ rất nhiều bất động sản ở Mỹ đã mua dưới tên các công ty Mỹ gốc Hoa.
New York là thành phố có những bất động sản thương mại được các công ty đại lục dòm ngó nhiều nhất. Năm rồi, Tập đoàn HNA, sở hữu Hãng hàng không Hainan, đã bỏ ra 265 triệu USD để mua cao ốc văn phòng 23 tầng sang trọng ở Manhattan và 126 triệu USD để mua khách sạn 5 sao Cassa gần quảng trường Thời Đại.
“Cách đây năm năm, các tập đoàn bất động sản của Mỹ tiếp cận với tôi để tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Trung Quốc. Bây giờ đã khác. Các tập đoàn này cũng đến chỗ tôi nhưng lại hỏi cách tiếp cận các công ty đại lục đầu tư tại Mỹ!” - giáo sư Patrick Randolph, chuyên về Luật bất động sản, Đại học Missouri-Kansas City, cho biết.
Không ít ý kiến cho rằng chẳng có việc gì phải “tỉnh dậy” cả, “Người Mỹ vẫn thường mua đất tại các nước khác nên việc người Việt Nam mua đất ở Mỹ là chuyện rất bình thường”. Nhiều độc giả còn dẫn lại lịch sử nhiều quần đảo như Hawaii, Puerto Rico hay Samoa trước đây cũng là do Mỹ mua về. Tuy nhiên, kỳ thực mà nói chuyện một doanh nhân người Việt - một đất nước bé nhỏ, giờ đây đủ sức mua “thị trấn của Mỹ” đã như giọt nước tràn ly.
“Tỉnh dậy nước Mỹ ơi!” trở thành tựa đề xuất hiện trên không ít trang mạng nổi tiếng và những tờ báo của Mỹ. Người Mỹ đang được thúc giục về sự “tỉnh dậy” sau những tháng ngày “ngủ quên trên chiến thắng”.
Còn với những người Việt Nam, việc thắng cuộc đấu giá “thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ” của doanh nhân Phạm Đình Nguyên, tổng giám đốc Công ty IDS - đã tạo ra niềm cảm hứng bất tận cho một cộng đồng doanh nhân từ một “nước Việt nhỏ bé”. Bỏ qua một bên quyết định mua Buford là “khôn hay dại”, “người Việt mua thị trấn Mỹ” đang gởi đi một thông điệp “không có gì là không thể”.
Và nếu điều này đúng như vậy thì nước Mỹ cần phải thức dậy ngay!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận