23/05/2017 11:58 GMT+7

Sự thích nghi ngoài sức tưởng tượng của người Mông

NGỌC HIỂN - 
THÁI LỘC
NGỌC HIỂN - 
THÁI LỘC

TTO - Tập quán trồng cây ngô cây đậu trong những hốc đá nằm trên những triền núi dựng đứng cao chót vót vừa là một đặc trưng, vừa là sự thích nghi ngoài sức tưởng tượng của người Mông.

*** Error ***
Canh tác nương ngô trên núi đá ở thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc - Ảnh: NGỌC HIỂN

Có chứng kiến phụ nữ Mông cõng từng gùi đất băng lên ngọn núi cao để đổ vào những hốc đá mới biết trong từng hạt ngô thấm đẫm mồ hôi nước mắt của tộc người này.

Vắt vẻo nương ngô

Bản Sủng Pờ B, xã Sủng Trà, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang trong buổi sáng sớm, khi những làn sương còn giăng đặc trên mấy chục mái nhà, những đàn ông, đàn bà người Mông trong thôn đã cõng gùi lên núi chăm ngô.

Đứng từ xa nhìn lên Sủng Pờ B, không ai nghĩ triền núi ken đặc đá tai mèo này là nơi trồng lương thực chính cho mấy chục hộ dân trong thôn. Tập trung tại bãi đá đầu thôn có hơn 10 người đang dùng cuốc làm cỏ và bón phân cho từng gốc ngô trong các hốc đá.

Đó là nương ngô của ông Sùng Dúng Nô, rộng khoảng 300m2 với hàng trăm ô đất nhỏ xíu xen lẫn trong những hốc đá tai mèo nhọn hoắt lởm chởm.

Chúng tôi thắc mắc vì sao đông người tập trung ở một vạt nương như thế thì con trai của ông Nô là Sùng Mí Xín cho biết ngoài người nhà còn có gia đình ông Sùng Chứ Lầu bên cạnh qua làm nữa.

“Đổi công anh ạ, người dân ở đây không làm nương một mình mà cùng nhau làm đám nương nhà này xong, sang làm đám nương nhà khác”.

Nương ngô ông Lầu được người dân Sủng Pờ B xem là đẹp nhất trong xóm. Cha của ông Lầu đến định canh ở đây khá sớm, giành được chỗ tốt, có vài khoảnh khá bằng phẳng và ít đá.

Trong quá trình canh tác, họ cải tạo bằng cách sắp những bờ đá để vừa hứng đất sau những đợt mưa từ trên đỉnh núi tràn xuống. Có khi họ cùng nhau đi gùi đất từ nơi khác đến đổ và san ra, được đám phẳng nào hay đám ấy.

Từ vạt nương ông Nô, chúng tôi nhìn lên đỉnh núi cao, thấy một phụ nữ trang phục sặc sỡ đang thoăn thoắt bước đi trên từng phiến đá lởm chởm, thoắt ẩn thoắt hiện sau những tảng đá lớn, sau những khóm cải hoa vàng đang độ trổ bông.

Đó là bà Sùng Thị Giằng đang đi bón phân cho rẫy ngô của mình. Rẫy của bà Giằng trải hơn trăm mét theo triền núi đá dựng đứng với hàng vạn tảng đá sắc nhọn, chỉ cần sẩy chân ngã thì không biết chuyện gì xảy ra. Nhưng xen kẽ giữa những tảng đá ấy là những hốc đất, mỗi hốc rộng vài bàn tay, thỉnh thoảng có hốc rộng lên đến 1-2m2.

Tất cả nước tưới đều... nhờ trời. Kể từ đầu tháng 3, khi bắt đầu có ít mưa, bà gieo ngô và chăm bón cho đến khi thu hoạch, cũng là lúc nắng hạn. Hạt ngô là lương thực chính, thân ngô làm chất đốt chủ yếu của gia đình trong năm.

Gia đình bà Giằng lập rẫy trồng ngô hơi muộn nhưng được cái là rẫy gần nhà. Có rất nhiều cặp vợ chồng mới cưới trong xóm Sủng Pờ B muốn lập rẫy mà không tìm ra triền núi nào có đất để lập.

Những thửa đất gần xóm đã kín chủ, kể cả những triền núi cao, buộc họ phải đi xa tìm những triền núi chưa có chủ. Để tìm lập rẫy mới, đôi vợ chồng trẻ mất cả vài năm trời.

Bà Ly Thị Kía cõng đất đổ vào những hốc đá trên núi ở thôn Há Hơ, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn. Ảnh: NGỌC HIỂN( ảnh vi nhét)
Bà Ly Thị Kía cõng đất đổ vào những hốc đá trên núi ở thôn Há Hơ, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn - Ảnh: NGỌC HIỂN

Cõng từng gùi đất

Chiều muộn, sau khi làm việc từ xã về, bà Ly Thị Kía (phó chủ tịch UBND xã Sà Phìn) thay vội bộ váy trắng, quấn khăn lên đầu, cầm cuốc và gùi ra nương.

Nhà bà Kía ở cuối thôn Há Hơ của xã Sà Phìn, ngay đầu con dốc, sang bên kia dốc là địa phận xã Sủng Là, nơi có làng Lũng Cẩm - bối cảnh đóng bộ phim Chuyện của Pao mà nhiều người biết tiếng.

Trước sự ái ngại bộ váy áo mới tinh tươm, rất đẹp sẽ bị làm bẩn bởi đất đá, bà Kía cười: “Phụ nữ Mông (trắng) vẫn vậy mà, dù có đi chợ, ra đường hoặc lên nương đều mặc thế cả thôi!”.

Chọn một đám đất tốt, bà cuốc lên, đập cho tơi ra, vun thành đống rồi cào vào gùi tre. Bà gùi lên dốc, băng qua các nương ngô của người ta rồi leo lên triền núi với hàng vạn tảng đá tai mèo lởm chởm. Đôi chân rắn chắc giẫm lên những đầu đá sắc nhọn như mũi giáo.

Đến lưng chừng núi, bà đổ gùi đất xuống một hốc đá nhỏ. Vài hôm trước, những hốc đá này đã được bà Kía lựa chọn, cài và xếp đá lại để giữ được đất, tránh xói mòn do mưa.

Sau đất đến phân, bà cõng những gùi phân chuồng đã ủ hoai lên đổ vào hốc đá, trộn đều với đất. Vài hạt ngô sẽ được trỉa ngay sau đó...

Bà Kía nói: “Nếu muốn trồng lâu phải biết cách xếp đá kỹ; bắt đầu từ những cục lớn, rồi chen vào những cục nhỏ hơn, rồi nhỏ hơn nữa sao cho thành võm khít, đất không bị trôi đi. Chỉ cần mỗi ngày vài hốc, cứ làm từ từ thì lên cả nương!”.

Xã Sà Phìn có 407ha ngô của 639 hộ dân, hầu hết đều ở trên núi đá, và nhiều diện tích tương tự được người dân cõng đất từ chân núi đổ vào hốc đá như kiểu bà Kía. Công việc nặng nhọc này được làm từ từ, từng ngày, cần mẫn và chủ yếu là việc của phụ nữ.

Hình ảnh mang từng gùi đất lên các hốc đá trên đỉnh núi cao của người phụ nữ Mông khiến nhiều người dân vùng cao ngạc nhiên về sức bền, sức chịu đựng, sự cần mẫn và chăm chỉ của họ.

Người dân sống bám vào hốc đá hầu hết chỉ trồng một vụ, vì tất cả nước tưới phụ thuộc vào ông trời. Sau mùa ngô, khi thời tiết khô hạn, đất trong hốc rắn lại như đá, không trồng nổi cây gì.

Nhiều gia đình đem tam giác mạch, loại cây chịu tốt nắng hạn lên gieo để chăn nuôi gia súc và một phần lấy hạt làm bánh cho người ăn.

Tuy nhiên cây tam giác mạch làm cho đất chua, thoái hóa, nhanh chóng bạc màu khiến cho vụ ngô sau thường không ra gì, cho nên hốc đá để không.

Trong mấy năm trở lại đây, trước tình trạng thiếu lương thực triền miên, chính quyền huyện Đồng Văn khuyến khích và làm thí điểm trồng hai vụ ngô nhưng vụ sau không có nước, nên ngô chẳng ra gì.

Người ta có sáng kiến khuyến khích người dân trồng cỏ voi nuôi bò vỗ béo bù đắp mấy tháng nông nhàn. Mô hình này thực hiện trong vài năm xem ra thích hợp vì đem lại thu nhập khá cho dân, mà cỏ voi cũng là loại cây không phá đất, giữ ổn định cho vụ ngô sau.

“Thổ canh hốc đá”

Là cách gọi của các nhà nghiên cứu đối với việc trồng trọt tại các hốc đá trên núi cao, được xem là đặc trưng chủ yếu của người Mông. Tập quán canh tác này được xem là sự chịu khó và thích nghi tuyệt vời với điều kiện hiện tại để duy trì cuộc sống.

Ông Sùng Đại Hùng, giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Giang, cho rằng dân tộc Mông của ông vốn gốc gác nông nghiệp trồng lúa nước. Trải qua thời gian và nhiều điều kiện thay đổi phải đến sống trên đỉnh núi, buộc lòng phải nghĩ cách mới mà trồng trọt để có cái ăn.

Ý kiến này dựa trên kết quả nghiên cứu về người Mông của các nhà khoa học, rằng tổ tiên của người Mông vốn trồng lúa. Tộc danh của người Mông (Miêu) theo tiếng Hán chiết tự gồm có bộ “thảo” nghĩa là “mạ non” với bộ “điền” là đồng ruộng.

“Đổi công anh ạ, người dân ở đây không làm nương một mình mà cùng nhau làm đám nương nhà này xong, sang làm đám nương nhà khác

 

Anh SÙNG MÍ XÍN

>> Kỳ tới: Cuộc chiến với nước

-----------

Kỳ 1: Những 'pháo đài' cheo leo trên đỉnh núi của người Mông

NGỌC HIỂN - 
THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên