15/08/2017 15:56 GMT+7

Trong hôm nay có phương án giải quyết trạm thu phí Cai Lậy

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Trước chất vấn trực tiếp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết các cơ quan chức năng đang khẩn trương xử lý vụ việc trạm Cai Lậy và ngay hôm nay có thể có kết quả.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT - Ảnh: LÊ KIÊN

Chiều 15-8, tiếp tục phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong các dự án giao thông theo hình thức BOT, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa giải trình về dự án này.

“Đề nghị giám sát ngay trạm thu phí Cai Lậy”

“Mấy hôm nay dư luận chú ý chuyện ở trạm thu phí Cai Lậy. Trên đoạn quốc lộ như thế mà làm thêm 12km đường tránh, rồi lại thu phí cao hơn cả cao tốc Trung Lương thì người dân bức xúc là đúng rồi” - Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc bình luận.

Mặc dù đánh giá cao chủ trương về BOT và kết quả mà các dự án BOT mang lại, ông Phúc cho rằng “có nhiều tuyến đường chính không còn chỗ làm BOT, tự nhiên lại làm thêm tuyến đường tránh, rồi thu phí trên tuyến đường chính”.

“Tôi thấy xảy ra vụ Cai Lậy như thế thì phải giám sát ngay dự án này để làm rõ, như thế giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới có hiệu quả” - Tổng thư ký kiến nghị.

Đồng tình với kiến nghị này, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nói: “Trong trường hợp trạm thu phí Cai Lậy, đoàn giám sát còn hoạt động thì nên giám sát để thêm chất liệu cho báo cáo”.

Bà Hải đề nghị làm rõ việc tại sao quy định khoảng cách tối thiểu các trạm thu phí là 70km nhưng trên thực tế chỉ 10% số trạm đáp ứng được quy định này. Báo cáo của đoàn giám sát cho thấy trong 88 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ, có 10 trạm có khoảng cách 60 - 70km, 20 trạm dưới 60km và 3 trạm nằm ngoài phạm vi dự án.

Các trạm thu phí tập trung chủ yếu trên quốc lộ 1 (34 trạm chiếm khoảng 40%) và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên (7 trạm).

“Tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT báo cáo trước thường vụ vấn đề Cai Lậy là vấn đề gì, tại sao để xảy ra như thế. Tôi cũng đã đi qua đường Cai Lậy và được biết nhà đầu tư bỏ ra khoảng hơn 1.000 tỉ đồng sửa đường cũ, sau đó bỏ tiền làm đường tránh, rồi lập trạm thu phí cả hai đường.

Quy định buộc phải hỏi ý kiến người dân, nên tôi muốn hỏi đã lấy ý kiến người dân chưa?” - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình hỏi.

“Nhiều tỉnh muốn làm đường tránh”

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: LÊ KIÊN

Phúc đáp các ý kiến trên, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết Về dự án Cai Lậy, bao gồm 26km quốc lộ 1A và 12km đường tránh, trong quá trình làm thì phải xử lý 14 cây cầu.

"Đối với các địa phương phần lớn có nhu cầu làm tuyến tránh thành phố, vừa có cơ hội phát triển giao thông, lại vừa có cơ hội mở rộng thành phố” - ông nói.

Người đứng đầu Bộ GTVT cũng khẳng định theo quy trình, tuyến tránh Cai Lậy đã lấy ý kiến rất đầy đủ, từ HĐND, đoàn ĐBQH, hiệp hội vận tải ở địa phương.

“Khi sự việc xảy ra, chúng ta cứ nghĩ đến lỗi của nhà đầu tư. Tôi muốn nói rằng cách thức tiếp cận như thế là thiếu công bằng. Bởi không có địa phương và Bộ GTVT không đồng ý thì nhà đầu tư làm thế nào được. Về sự việc cụ thể, chúng tôi thấy rất buồn” - Bộ trưởng Nghĩa nói.

Ông cho biết qua tìm hiểu câu chuyện cụ thể ngay tại địa phương thì hiệp hội vận tải, người dân không phản đối và có những hành động cản trở thu phí, nhưng có chuyện bảy doanh nghiệp vận tải ở địa phương khác có các cách làm để phản đối.

“Họ dàn ngang các xe ra để gây ách tắc, gây sức ép để buộc phải tháo khoán trạm” - ông Nghĩa nói thêm.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết ngay trong chiều nay, các cơ quan chức năng của Bộ GTVT vẫn làm việc tích cực với địa phương để tiếp thu ý kiến các bên liên quan.

“Bây giờ địa phương có kiến nghị phương án giảm phí, ví dụ từ 35.000 đồng xuống 25.000 đồng, cục tiền thì vẫn thế nhưng thời gian phải kéo dài ra, dự án lẽ ra thu phí 7 năm thì phải kéo dài ra 12-13 năm.

Trong chiều nay, sau khi tiếp thu ý kiến của địa phương và người dân, chúng ta có thể giải quyết được” - ông Nghĩa khẳng định.

“Không hiểu tại sao lại có quy định 70km”

Vẫn theo Bộ trưởng Nghĩa, với một dự án BOT được thực hiện thì 5 bộ phải có ý kiến. Quy định của pháp luật rất chặt chẽ.

“Theo quy định, dự án chỉ được khẳng định thời gian thu phí khi dự án đã được quyết toán, kiểm toán, nhưng cách thông tin làm cho xã hội hiểu lệch lạc vấn đề. Làm gì có chuyện là giảm mấy chục năm. Các dự án lúc đầu chỉ là tạm tính thời gian thu phí, sau đó quyết toán xong thì mới ra con số cụ thể” - ông giải thích.

Người đứng đầu ngành GTVT cũng cho biết "trên thế giới làm gì có quy hoạch về trạm thu phí, chỉ có dựa vào các dự án và tính toán trên từng dự án cụ thể ấy".

"Tự nhiên chúng ta đưa ra 70km, tôi không hiểu dựa trên căn cứ nào để đưa ra quy định ấy? Ở Singapore, xe cứ ra khỏi nhà là bị tính tiền, dựa trên số km lưu hành thực tế" - ông nói thêm.

Chính sách BOT là đúng đắn

Trong dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan này khẳng định chính sách BOT là đúng đắn, cần tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT nói riêng và theo hình thức PPP nói chung.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần có giải pháp tích cực để xử lý kịp thời những tồn tại, yếu kém, kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên