01/10/2005 19:39 GMT+7

"Tôi đã hai lần bị kỷ luật cảnh cáo"

TTCN
TTCN

TTCN - Phóng viên TTCN đã gặp ông Trần Thanh Sử (ảnh), giám đốc Lâm trường U Minh 2 - người có thâm niên hàng chục năm giữ cương vị giám đốc lâm trường.

zYNFJ5De.jpgPhóng to
TTCN - Phóng viên TTCN đã gặp ông Trần Thanh Sử (ảnh), giám đốc Lâm trường U Minh 2 - người có thâm niên hàng chục năm giữ cương vị giám đốc lâm trường.

* Là người nhiều năm giữ cương vị giám đốc Lâm trường U Minh 2, theo ông, vì đâu mà người dân ở ấp 4, Khánh Hòa kêu dữ quá?

- Không phải chỉ bây giờ mới phức tạp mà khu vực ấp 4, Khánh Hòa, huyện U Minh vốn đã phức tạp rồi. Do việc xác định ranh giới hành chính giữa hai tỉnh có “chuệch choạc” kéo dài nhiều năm, có lúc dân người ta nghe đồn ầm lên chuyện một phần đất lâm trường (tiểu khu 018-019, ấp 4, Khánh Hòa) sẽ giao về cho Kiên Giang quản lý, nhiều người đã nhanh tay sang nhượng đất cho một số hộ dân ở An Minh qua.

Nhưng sau đó khoảng giữa năm 2003 kế hoạch bàn giao một phần đất của lâm trường về Kiên Giang “bị vỡ”, phía Kiên Giang không nhận phần đất này. Và tình hình tranh chấp phức tạp từ đây kéo dài cho đến nay.

Giải quyết chuyện tranh chấp giữa người dân hai tỉnh ngoài tầm của lâm trường. Tôi đã nhiều lần báo cáo chuyện này với các anh ở tỉnh nhưng các anh chưa có ý kiến chỉ đạo.

* Người dân “kêu” việc giao khoán của lâm trường có vấn đề tiêu cực, người dân thì bị thu hồi trắng tay, còn cán bộ công bộc của dân lại được cấp đất?

- Không có tiêu cực gì đâu, trước đây lâm trường có thành lập hẳn một hội đồng quản trị (gồm UBND huyện, lâm trường và UBND xã) để xét duyệt giao khoán đất cho dân, nhưng sau đó thấy không hiệu quả nên thôi. Dân không có đất chủ yếu là diện do tách hộ ra riêng mà lâm trường lại không còn quĩ đất để cấp thêm (?!). Chuyện cưỡng chế nhà dân là do bà con cất nhà trái phép trên bờ kênh.

uAw9agTU.jpgPhóng to
* Không chỉ bị cưỡng chế mà dân nói rằng họ trồng vài cây rau, cọng hành, khoan cây nước cũng bị lập biên bản, vì sao vậy thưa ông?

- Chuyện đó do các tiểu khu làm, chúng tôi chỉ lập biên bản tạm thời đối với các hộ trồng cây lâu năm trái phép trên bờ kênh với mục đích chiếm đất. Còn khoan cây nước cũng thế vì chúng tôi đã khoan cho khu vực này bảy cây nước rồi, bà con khoan làm gì nữa cho tốn kém.

* Gia đình ông Phan Văn Thái ở Khánh Hòa, U Minh phản ánh lâm trường thu hồi đất của ông để giao khoán cho ông Trần Hoàng Đệ, cán bộ lâm trường, có đúng vậy không?

- Không phải vậy đâu, tôi xin khẳng định không có cán bộ lâm trường nào được giao khoán cấp đất ở ấp 4, Khánh Hòa cả. Miếng đất thu hồi của ông Thái chúng tôi đã cấp cho người khác, nhưng bây giờ anh hỏi ngang xương tôi không nhớ rõ cấp cho ai thôi.

* Nhưng thưa ông, chúng tôi có trong tay một bản danh sách (rất nhiều) cán bộ lâm trường của ông có đất tại đây, một số cán bộ đã sang bán (cụ thể là các ông Thọ, trưởng phòng kỹ thuật, An, Trường, Chánh, Dũng... là cán bộ của lâm trường)?

- (Im lặng một lúc) Ờ có đấy, nhưng những người này chưa có đất sản xuất, họ cũng có nhu cầu sản xuất thật sự như dân chứ.

* Thưa ông, không chỉ có những chuyện đã nêu mà mới đây chúng tôi còn được người dân cung cấp hàng loạt biên nhận thu tiền của dân (khoảng vài chục triệu đồng) rất kỳ lạ.

Chẳng hạn biên nhận thu tiền hợp đồng bán cả một đoạn mặt nước dưới kênh xáng để bà con giăng lưới kiếm sống, thu tiền hợp đồng sản xuất nông nghiệp nhưng không có lai thu mà chỉ ghi biên nhận bằng một tờ giấy xé từ vở học sinh, vỏ thuốc lá(ảnh), thậm chí lâm trường còn tổ chức thu cả vàng 24k. Kiểu thu như vậy có đúng không và số tiền ấy đi vào túi ai?

- Chuyện này là do anh em ở các tập đoàn và tiểu khu làm nhưng anh em đều nộp về cho lâm trường cả (?!). Chủ trương trên là sai rồi, cho nên cũng vì chuyện này, tỉnh đã kiểm tra và năm 2000 tôi đã bị tỉnh xử lý kỷ luật cảnh cáo Đảng và năm 2001 bị cảnh cáo về chính quyền rồi, đau lắm. Hiện nay chúng tôi đã chấn chỉnh không còn chuyện lôm côm này nữa đâu.

TTCN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên