31/07/2023 06:32 GMT+7

Tin tức thế giới 31-7: Ukraine tham vấn Mỹ về đường vào NATO; Pakistan ngập trong nợ với Trung Quốc

Ukraine tham vấn Mỹ để đảm bảo an ninh trong lúc hoàn tất quá trình gia nhập NATO; Ông Trump chi 40 triệu USD chi phí pháp lý; Đánh bom liều chết ở Pakistan khiến ít nhất 42 người chết... là những tin tức thế giới đáng chú ý sáng 31-7.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thăm tiền tuyến gần thành phố Bakhmut, ngày 29-7 - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thăm tiền tuyến gần thành phố Bakhmut, ngày 29-7 - Ảnh: REUTERS

Chiến sự Nga - Ukraine

* Ukraine tham vấn Mỹ để đảm bảo an ninh trong lúc hoàn tất quá trình gia nhập NATO. Thông tin do một quan chức cấp cao của Ukraine cung cấp cho Hãng tin Reuters ngày 30-7.

Các cuộc đàm phán, do chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky công bố, là sự tiếp nối các cam kết do nhóm các nước G7 đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng này ở Litva, nhằm xây dựng và tôn trọng các đảm bảo an ninh.

"Chúng tôi bắt đầu đàm phán với Mỹ trong tuần này - ông Andriy Yermak viết trên Telegram - Các đảm bảo an ninh cho Ukraine sẽ là những nghĩa vụ cụ thể, lâu dài nhằm đảm bảo khả năng của Ukraine trong việc đánh bại và kiềm chế Nga trong tương lai".

Ông Yermak cho biết đảm bảo an ninh từ Mỹ "sẽ có hiệu lực cho đến khi Ukraine có tư cách thành viên NATO".

Hội nghị thượng đỉnh NATO đã đề nghị hỗ trợ Ukraine trong việc chống lại các động thái quân sự của Nga. Các quốc gia riêng lẻ đã cam kết cung cấp vũ khí mới cho Ukraine, nhưng cũng thống nhất rằng Ukraine sẽ không là thành viên NATO chừng nào chiến tranh vẫn tiếp diễn.

Các thành viên của G7 đã đồng ý cho mỗi quốc gia đàm phán các thỏa thuận nhằm đảm bảo an ninh và giúp Ukraine củng cố quân đội.

10 năm hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan

* Trung Quốc và Pakistan kỷ niệm 10 năm thiết lập hành lang kinh tế (CPEC). Kể từ khi bắt đầu vào năm 2013, hàng chục tỉ USD được đổ vào các dự án giao thông, năng lượng và cơ sở hạ tầng lớn ở Pakistan.

Tuy nhiên, CPEC cũng khiến Pakistan phải vật lộn để duy trì các nghĩa vụ tài chính. Ông Azeem Khalid, làm việc tại Đại học COMSATS (Islamabad), nhận định CPEC đã mang lại nhiều kết quả khác nhau trong một thập kỷ sau khi thành lập.

Trong đó, mục tiêu chính của Trung Quốc là kết nối với biển Ả Rập, còn Pakistan cũng đạt được tiến bộ trong các mục tiêu ngắn hạn.

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh là một trong những đối tác nước ngoài đáng tin cậy nhất của Islamabad, sẵn sàng hỗ trợ tài chính để giải cứu người láng giềng đang gặp khó khăn.

Đầu tuần qua, Trung Quốc đã cho Pakistan gia hạn 2 năm đối với khoản vay 2,4 tỉ USD, giúp quốc gia đang ngập trong nợ nần này có không gian để xoay xở.

Báo cáo của Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố năm ngoái cho biết Trung Quốc và các ngân hàng thương mại của nước này nắm giữ khoảng 30% tổng số nợ nước ngoài của Pakistan.

Ông Trump và cái giá của cuộc chiến pháp lý

* Ông Trump đã chi khoảng 40 triệu USD chi phí pháp lý trong nửa đầu năm 2023. Theo tờ Washington Post, ủy ban vận động chính trị của ông Trump chi số tiền khủng nói trên để bảo vệ cựu tổng thống và các cố vấn của ông.

Ông Trump phải đối mặt với hàng chục cáo buộc ở bang Florida về việc lưu giữ hồ sơ mật của chính phủ tại nhà riêng. Cựu tổng thống Mỹ cũng đối mặt với cáo buộc của bang New York về khoản tiền bịt miệng diễn viên khiêu dâm Stormy Daniels.

Diễn biến mới nhất trong vụ tài liệu mật đó là phía công tố cáo buộc ông Trump đã ra lệnh cho nhân viên tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida xóa video an ninh.

Ngày 27-7, công tố viên đặc biệt Jack Smith đã đệ trình ba tội danh mới chống lại ông Trump, nâng tổng số tội danh lên 40.

Một nạn nhân trong vụ đánh bom liều chết ở Pakistan, ngày 30-7 - Ảnh: REUTERS

Một nạn nhân trong vụ đánh bom liều chết ở Pakistan, ngày 30-7 - Ảnh: REUTERS

* Đánh bom liều chết ở Pakistan, ít nhất 42 người chết và hơn 130 người bị thương. Theo Hãng tin Reuters, vụ việc diễn ra tại một buổi vận động chính trị ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Tây Bắc Pakistan, ngày 30-7.

Vụ đánh bom xảy ra tại buổi vận động của đảng bảo thủ Jamiat Ulema Islam-Fazl (JUI-F). Người bị thương được đưa tới bệnh viện ở huyện Bajaur, còn người bị thương nặng được trực thăng quân sự chở từ Bajaur đến Bệnh viện thành phố Peshawar, thủ phủ của tỉnh Khyber Pakhtunkhwa.

Cảnh sát trưởng tỉnh nói với Hãng tin Reuters rằng vụ nổ là do đánh bom liều chết.

Các cuộc tấn công của các chiến binh Hồi giáo đã gia tăng ở Pakistan kể từ năm ngoái, khi lệnh ngừng bắn giữa Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP) và Islamabad bị phá vỡ. Một vụ đánh bom nhà thờ Hồi giáo ở Peshawar hồi đầu năm nay đã giết chết hơn 100 người.

Đại sứ quán Mỹ tại Islamabad và cựu thủ tướng Pakistan Imran Khan cũng lên án vụ nổ trong các bài đăng trên nền tảng X, trước đây gọi là Twitter.

* Đan Mạch tìm cách cấm đốt kinh Koran hoặc các văn bản tôn giáo trước các đại sứ quán nước ngoài. Trong một cuộc phỏng vấn với Đài DR ngày 30-7, Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen cho rằng việc đốt kinh văn tôn giáo "chỉ nhằm mục đích tạo ra sự chia rẽ trong một thế giới thực sự cần sự thống nhất".

Đó là lý do Đan Mạch sẽ tìm cách cấm các hành vi mang tính chế giễu các nước khác, nhằm đảm bảo lợi ích của đất nước và sự an toàn của người dân.

Gần đây, một loạt các nhà hoạt động chống Hồi giáo ở Đan Mạch và nước láng giềng Thụy Điển đã công khai xúc phạm kinh Koran. Hành động này làm dấy lên các cuộc biểu tình lớn ở các nước Hồi giáo.

Quyền tự do ngôn luận là một trong những giá trị quan trọng nhất trong xã hội Đan Mạch. Tuy nhiên, nó nói thêm việc báng bổ kinh thiêng Hồi giáo ở Đan Mạch đã dẫn đến việc quốc gia này bị nhiều nơi trên thế giới coi là "một quốc gia tạo điều kiện cho sự xúc phạm và bôi nhọ các nền văn hóa, tôn giáo và truyền thống của các quốc gia khác".

Nụ cười trong mưa bão

Một gia đình lội nước trong một khu vực ngập do mưa lớn và ảnh hưởng của bão Doksuri ở thành phố Balagtas, tỉnh Bulacan (Philippines) ngày 29-7 - Ảnh: REUTERS

Một gia đình lội nước trong một khu vực ngập do mưa lớn và ảnh hưởng của bão Doksuri ở thành phố Balagtas, tỉnh Bulacan (Philippines) ngày 29-7 - Ảnh: REUTERS

Tin tức thế giới 30-7: Nga cấm xuất khẩu gạo; Nghi vấn Trung Quốc cài phần mềm "nằm vùng" ở MỹTin tức thế giới 30-7: Nga cấm xuất khẩu gạo; Nghi vấn Trung Quốc cài phần mềm 'nằm vùng' ở Mỹ

Ông Putin nói về kế hoạch hòa bình do châu Phi đề xuất; Ông Zelensky thăm tiền tuyến gần Bakhmut; Nghi vấn Trung Quốc cài phần mềm độc hại vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ; Nổ súng ở Hà Lan... là những tin tức thế giới đáng chú ý sáng 30-7.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên