22/10/2005 04:02 GMT+7

Động não

HỮU KHÁNH
HỮU KHÁNH

TT - Trong cuốn Sức sáng tạo của bạn (Your creative power) năm 1948, Alex Osborn (Mỹ) lần đầu tiên trình bày kỹ thuật thu thập các ý tưởng cho một chủ đề bằng động não (brainstorming), dựa trên nguyên lý: giữa các ý tưởng khác nhau, quan trọng hay ít quan trọng, phổ biến hay không phổ biến đều có mối liên kết với nhau (associationism).

Một ý tưởng này được đưa ra thì liền có một hay nhiều ý tưởng khác gắn với nó, cùng chiều hay nghịch chiều. Toàn bộ những ý tưởng đó sẽ cung cấp cho nhà lãnh đạo - quản lý một cái nhìn tổng thể (biết mười chứ không phải chỉ biết một), lắng nghe các ý kiến phản biện (nhờ đó loại trừ những ý kiến cơ hội nêu lên để lấy lòng cấp trên), trên cơ sở đó chọn lựa ý tưởng hay nhất, thích hợp nhất cho một giải pháp tối ưu.

Khi công nghệ vi xử lý phát triển trong những năm 1970 thì công cụ thông tin phản hồi (feedback) nâng động não lên một trình độ cao hơn. Cả về phạm vi và phương thức tiến hành, feedback có nhiều ưu thế hơn: thu thập ý kiến trên địa bàn rộng hơn, cả trong nước và ngoài nước; ý kiến được diễn giải chi tiết, sâu sắc hơn; thời gian thu thập ý kiến về một chủ đề không hạn chế…

Với tư cách là một khoa học, feedback science trở thành một công cụ khoa học lợi hại. Bắt đầu ở Mỹ, Canada, Anh, dần dần nó được triển khai ở nhiều nước phát triển khác. Ở Đông Nam Á, Singapore là nước áp dụng công cụ khoa học này sớm nhất. Tháng 4-1985, Singapore chính thức lập ra cơ quan “feedback unit” (tạm dịch cơ quan trưng cầu ý kiến - F.U). Đến nay F.U phát hành ba tạp chí chuyên về vấn đề này (Perspective, Policy Digest, Feedback News) và lập ra một trang web.

Bất cứ ai ở bất cứ đâu trên thế giới muốn góp ý về bất cứ vấn đề gì thuộc bất cứ lĩnh vực nào cho Singapore thì vào trang web và viết ý kiến của mình.

Tính minh bạch và dân chủ của F.U ở nước này được bảo đảm bởi hai yếu tố: một là bất cứ câu hỏi, đề nghị nào gửi đến cũng được trả lời và công bố trên trang web của F.U, ai ai cũng có thể xem chứ không rơi vào im lặng, không mang dấu mật chỉ những người có liên quan được xem, và nếu ai đó chưa đồng ý thì có quyền yêu cầu hỏi lại, chất vấn lại; hai là cơ quan chịu trách nhiệm giám sát việc này (feedback unit supervisory panel) bao gồm hai thành phần: đại biểu quốc hội với số lượng ngang bằng số đại biểu không phải là đại biểu quốc hội.

Bên cạnh cơ quan F.U, chính phủ nước này còn lập ra tám nhóm cố vấn bên cạnh F.U trong việc tư vấn tham mưu cho chính phủ. Chủ tịch và các thành viên của tám nhóm (thuộc các lĩnh vực kinh tế, xã hội, chủng tộc, y tế, giáo dục, nhà đất, môi trường, giao thông vận tải, các xí nghiệp vừa và nhỏ) đều là người thuộc khu vực tư nhân. Tất cả những kiến nghị, việc làm của tám nhóm này đều công bố cho toàn dân để biết và giám sát.

HỮU KHÁNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên