07/08/2019 06:30 GMT+7

Tin 'thầy' trên mạng, có ngày bán mạng

THẢO LÊ - LẠT AN
THẢO LÊ - LẠT AN

TTO - Rất nhiều tài khoản cá nhân trên Facebook hiện nay tự xưng mình là các "cô đồng", "cậu đồng", "người được chọn" thường xuyên mở các buổi phát trực tiếp để bói toán cho mọi người.

Tin thầy trên mạng, có ngày bán mạng - Ảnh 1.

Chúng ta cần biết rằng khi tham gia các mạng xã hội là chúng ta đang "dâng hiến" mọi thông tin của mình. Vì vậy, mỗi người nên tự kiểm soát thói quen của mình trên Internet.

Ông Ngô Trần Vũ (giám đốc Công ty bảo mật NTS)

Điều đáng nói là những trang Facebook này có đến hàng trăm ngàn người theo dõi. Bên cạnh các trang do cá nhân lập ra còn có các hội nhóm với lượng thành viên lên đến hàng ngàn, thậm chí là hàng trăm ngàn người cùng nhau chia sẻ những chuyện "tâm linh".

Chỉ cần bình luận chữ "M" sẽ gặp may mắn

Các "thầy" xem vận mệnh bằng cách phát trực tiếp rồi đưa ra lời giải dựa vào các bình luận của tín đồ để lại.

Không chỉ tổ chức livestream, chủ tài khoản Nguyễn Tiến T. còn thường xuyên yêu cầu mọi người bình luận chữ "M" để gặp may mắn, hay chia sẻ bài đăng thì tài lộc sẽ đến.

Chị L.T.T.T. (21 tuổi) cho biết: "Facebook tôi dạo gần đây thường xuyên xuất hiện những cuộc livestream để xem bói toán. Những người này xem miễn phí và chỉ cần để lại xêri tờ tiền là có thể xem tài lộc. Vì tò mò nên tôi cũng xem thử thì được phán công danh sự nghiệp không ổn định. Tôi lấy một tài khoản Facebook khác và chụp hình tờ tiền để hỏi thì người này lại bảo sự nghiệp của tôi đang rất ổn định, không cần phải lo lắng".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những trang Facebook này ban đầu sẽ tổ chức xem bói miễn phí, nếu người dùng muốn biết sâu hơn thì được yêu cầu trả phí. Khách hàng xem bói phải chuyển khoản tiền trước để đặt lịch xem trực tuyến.

Tài khoản Đinh Ngọc Tr. có 93.000 người theo dõi nhận xem bói online với mức giá 500.000 đồng/lượt 40 phút. Chủ tài khoản Xem bói tâm linh còn công khai nhận "đệ tử" bói toán với giá 750.000 đồng/khóa, nếu học xem chỉ tay phải thêm phí.

Liên hệ với chủ tài khoản chuyên coi bói có tên "Ngô Việt Đ.", chúng tôi than rằng ngoại hình không tệ nhưng vẫn "ế" nhiều năm nay và nhờ được giúp đỡ chuyện tình duyên.

Sau khi trao đổi, người này bảo phóng viên đang có duyên âm theo, muốn có người yêu phải chuyển khoản 2,6 triệu đồng để cúng "cắt duyên âm", chỉ cần đưa tên tuổi, ngày tháng, địa chỉ để kêu âm hồn về.

Sau đó, tài khoản này sẽ gửi vòng đeo tay đã "hóa phù linh" cho khách hàng, đường tình duyên từ đó sẽ thuận lợi. Người này hứa hẹn nếu khách không thoát "ế" thì sau này sẽ cúng lại không tốn phí!

Nhiều kênh YouTube tuyên truyền mê tín

Không chỉ Facebook, một số kênh YouTube cũng thường đăng tải các video về việc giải bùa, trục ngải như P.B, T.N.T.D, D.Đ.G.B... Những kênh này có hàng trăm người đăng ký, mỗi video đăng tải có hơn triệu lượt xem. Trao đổi với chúng tôi, chủ kênh P.B nói rằng việc làm này không gây hại cho ai mà ngược lại các nhân vật được đăng trong video được nhiều người biết tới và ủng hộ, giúp họ thay đổi cuộc sống.

Bán son môi mang lại tài lộc?

Một cách thu lợi khác của các chủ tài khoản, trang trên sau khi đạt được lượt theo dõi lớn là mở bán những món đồ như vòng tay, dây chuyền, bùa chú, thậm chí là son môi đã được "yểm bùa".

Những chiếc vòng tay, dây chuyền, son môi... có giá thị trường chỉ vài chục ngàn được các cá nhân này rao bán với giá đắt đỏ. Ví dụ "dây chuyền trừ tà" với giá thỉnh là 700.000 đồng/dây, "son môi tài lộc" giá tầm 600.000 đồng/thỏi, "sáp yêu hồ ly" giá tầm 2,5 triệu đồng/hộp, mặt dây chuyền "thần Tứ Diện và mẹ Ngoắc" với giá 1,3 triệu đồng/cái, "đá phong thủy" giá 500.000 đồng/chiếc...

Đáng chú ý hơn, tài khoản "Ngô Thúy H." còn rao bán "dầu máu Nammanprai" với lời chào mời là được chế tạo từ giọt máu của pháp sư nổi tiếng nhất Thái Lan có giá 4 triệu đồng/chai 30ml. Một loại bùa chú khác đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng là búp bê Thái hay Kumathong được các "cô, cậu" rao bán với giá từ 2 triệu đến vài chục triệu đồng tùy loại.

Tác dụng của những món đồ này theo lời các "cô, cậu" là giúp bảo vệ chủ nhân khỏi bị yểm bùa hoặc nguyền rủa, thu hút người khác giới, loại trừ các loại tà ma, thay đổi vận mệnh, công danh phát đạt...

Bà Lê Thị B. (57 tuổi) chia sẻ: "Trước đây con gái tôi bị đau khớp gối, được người bạn giới thiệu một người bán bùa chú giải bệnh trên Facebook, tôi đã xin số đặt hàng với giá 150.000 đồng. Người này chỉ cách sử dụng là để tấm bùa này trên bàn thờ, tối ăn cơm xong thì đốt lấy than hòa vào rượu uống sẽ khỏi ngay. Tôi cũng cho con gái uống thử nhưng chẳng có tác dụng gì. Đến bệnh viện khám thì bác sĩ bảo là xương khớp bị đau nhức thôi, không có vấn đề gì nghiêm trọng cả".

Ông Ngô Trần Vũ (giám đốc Công ty bảo mật NTS):

Người dùng nên kiểm soát thói quen của mình trên Internet

Những nội dung mê tín dị đoan tràn lan trên mạng xã hội Facebook và YouTube hiện nay có sự tiếp tay của ba bên: nhà cung cấp dịch vụ (Facebook, YouTube), người cung cấp nội dung (phát tán các nội dung mê tín dị đoan) và người dùng mạng xã hội (xem, nghe, bình luận, chia sẻ...). Tôi cho rằng Facebook và YouTube không bao giờ cấm chặt các nội dung hái ra tiền như sex, bạo lực, điều kỳ lạ, bói toán, mê tín... Chính các nội dung này đang mang lại tiền rất nhiều cho họ thì cớ sao họ phải cấm? Họ còn tiếp tay cho các nội dung này tìm đúng người thích xem.

Cùng với sự buông lỏng của Facebook, YouTube, một thực trạng đi kèm là các bên cung cấp nội dung xấu cũng đang ngày càng nhiều hơn. Các nội dung xấu này đang kiếm tiền trên sự tò mò của người dùng để mời xem quảng cáo, mời mua hàng... và qua đó trục lợi từ người dùng.

Về phía người dùng, chúng ta cần biết rằng khi tham gia các mạng xã hội là chúng ta đang "dâng hiến" mọi thông tin của mình. Mỗi bước đi của bạn trên Internet đều có dấu chân. Vì vậy, mỗi người nên tự kiểm soát thói quen của mình trên Internet, nên tự mình giám sát sự an toàn cho chính mình. Nếu bạn không thích nội dung gì thì cảnh báo luôn với Facebook hay YouTube rằng đây là nội dung không phù hợp. Người dùng cần có bản năng tự vệ. Đó là kỹ năng phải học để bạn biết cách khai thác Internet chứ không phải bị Internet khai thác lại chính mình. (ĐỨC THIỆN ghi)

PGS.TS Bùi Hoài Sơn (viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam - thuộc Bộ VH-TT&DL):

Các nhà quản lý cần làm gương

Theo tôi, có 3 lý do khiến hiện tượng mê tín dị đoan trở nên phổ biến hiện nay. Thứ nhất, đó là những bất ổn trong cuộc sống xã hội khiến người dân lo lắng. Những bất ổn này có thể xuất phát từ những lý do kinh tế, luật pháp hay từ bất kỳ một lĩnh vực xã hội nào khác.

Thứ hai là sự phát triển của các phương tiện truyền thông mới, đặc biệt là mạng xã hội, đã khiến cho những thông tin liên quan đến hoạt động mê tín dị đoan dễ lan truyền hơn.

Thứ ba là từ phía quản lý nhà nước, chúng ta chưa có các chế tài cụ thể, chưa có những giải pháp phù hợp để xử lý những vấn đề mới này. Các văn bản quản lý chưa theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của xã hội khiến cho chúng ta luôn lúng túng khi tìm cơ chế quản lý, xử phạt, ngăn chặn các hành vi lệch chuẩn. Cách thức quản lý theo hướng không quản được thì cấm không phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay.

Để khắc phục các hiện tượng này, từ phía cơ quan quản lý nhà nước, theo tôi, nên có các giải pháp sau: Cần có những hành động làm gương, đặc biệt là của các nhà quản lý, trong việc không tham gia những hoạt động, sự kiện nhạy cảm, có thể tác động đến xã hội trong việc truyền bá những hành vi mê tín dị đoan.

Và cần xây dựng các văn bản quy định rõ ràng hơn nữa. Như nghị định 158 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, nghị định 159 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản đối với việc "đăng, phát thông tin truyền bá hủ tục, mê tín, dị đoan", cũng như điều 320 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về "tội hành nghề mê tín, dị đoan" cần có những thông tin rõ ràng hơn nữa để việc xử phạt dễ dàng và khả thi hơn. Việc xử lý nghiêm minh sẽ giúp cho hoạt động tuyên truyền trên thực tế dễ dàng hơn. (Thiên Điểu ghi)

Từ Khá Bảnh, nghĩ về văn hóa băng đảng và mạng xã hội Từ Khá Bảnh, nghĩ về văn hóa băng đảng và mạng xã hội

TTO - Graffiti - 'tờ báo' truyền thống của các băng đảng đường phố - từ lâu đã được sử dụng để đánh dấu lãnh thổ và truyền đi thông điệp. Nhưng giờ đây, với mạng xã hội, các băng đảng đã tìm được không gian và cách thức mới...

THẢO LÊ - LẠT AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên