Tiêm chủng cho học sinh lớp 6 tại tỉnh Quảng Ninh - Ảnh: TIẾN THẮNG
Ca mắc COVID-19 giảm thấp nhất trong gần 500 ngày qua
Báo cáo của Bộ Y tế ngày 23-10 cho biết số ca mắc đã giảm xuống rất thấp, còn 158 ca mới được báo cáo. Đáng chú ý, đây là ngày có số ca mới thấp nhất tính từ ngày 15-6-2021 cho đến nay.
Tính đến nay, Việt Nam đã ghi nhận gần 11,5 triệu ca mắc COVID-19, đứng thứ 13/230 quốc gia/vùng lãnh thổ, 43.159 ca tử vong, đứng thứ 26 về số ca tử vong do COVID-19 trên thế giới.
Thời điểm hiện nay, số ca mắc mới và ca chuyển nặng giảm thấp cũng cùng lúc các chuyên gia đã lên tiếng về việc cần công bố kết thúc giai đoạn đại dịch của dịch COVID-19, bởi hiện còn nhiều dịch bệnh cần ưu tiên phòng chống hơn như sốt xuất huyết, adenovirus, tay chân miệng... và mùa đông xuân sắp tới nguy cơ có thêm dịch cúm, sởi...
Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu loạt dự án quan trọng quốc gia chậm tiến độ
Trong báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022, dự kiến kế hoạch 2023 vừa gửi tới các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội đã nêu tên hàng loạt dự án quan trọng quốc gia chậm tiến độ.
Trong đó có các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đến nay mới giải ngân được 79,5% tổng kế hoạch vốn được giao (39.712,4 tỉ đồng); dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành giải ngân được 72,83% kế hoạch đã giao.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng đây là những dự án chuyển tiếp, được ưu tiên bố trí vốn để sớm hoàn thành, phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội. Tuy nhiên việc thực hiện kéo dài, đến nay vẫn chưa giải ngân hết số vốn được giao.
Vì vậy cơ quan này đề nghị Chính phủ tập trung đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước, bảo đảm thực hiện theo tiến độ, kế hoạch đề ra, đạt mục tiêu của dự án.
Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, tổng vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã giao khoảng 47.168,5 tỉ đồng, đến nay mới phân bổ vốn được khoảng 8.591 tỉ đồng, giải ngân được khoảng 203 tỉ đồng, đạt 2,4% kế hoạch.
Tương tự, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, sơ bộ tổng vốn đầu tư 109.111 tỉ đồng, công tác xây lắp khu vực cảng hàng không được chia làm bốn dự án thành phần, Bộ Giao thông vận tải đang triển khai các thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư, phần lớn vốn chưa giải ngân.
Một số dự án đầu tư xây dựng cao tốc khác như Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, đường vành đai 3 TP.HCM mới được phê duyệt chủ trương đầu tư trong năm 2022, đang trong giai đoạn đầu triển khai thực hiện, mới dừng ở việc giao vốn.
Theo ủy ban, có năm nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm. Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân việc các bộ, cơ quan trung ương, địa phương xin "trả lại" vốn đầu tư công năm 2022 do không có khả năng giải ngân, tổng hợp, báo cáo Quốc hội.
Nhà vườn trong nước đang bước vào vụ thu hoạch cà phê - Ảnh: N.TRÍ
Giá tiêu nguy cơ xuống đáy, giá cà phê giảm thêm
Theo nhiều nhà vườn phía Nam, giá hồ tiêu (loại đen khô) đang bán ra ở mức 55.500 - 58.000 đồng/kg, giảm 2.000 - 3.000 đồng so với tuần trước, giảm 25.000 - 30.000 đồng so với mức cao của các tháng trước đó. Với giá này, nhiều nhà vườn đang bị thua lỗ.
Theo đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, giá hồ tiêu giảm liên tục thời gian qua chủ yếu do thị trường tiêu thụ chậm vì ảnh hưởng lạm phát tăng cao, và nhiều nhà kinh doanh thế giới dưới áp lực lãi suất ngân hàng tăng cao nên buộc đẩy mạnh lượng tiêu bán ra để xử lý nợ. Nguồn cung tăng nhưng nhu cầu giảm khiến giá giảm.
"Khả năng giá tiêu còn giảm thêm, thậm chí có thể xuống mức 50.000 đồng/kg do quốc gia cung cấp hơn 50% lượng tiêu thế giới là Việt Nam sắp tới vào vụ thu hoạch, trong bối cảnh lạm phát và lãi suất ngân hàng tăng cao vẫn tiếp diễn", vị này nhận định.
Trong khi đó, sau thời gian tăng nóng với mức đỉnh 53.000 đồng/kg nhân, giá cà phê được nông dân trong nước bán ra đã quay đầu giảm lại trong nhiều tuần qua với hiện còn trên dưới 43.000 đồng/kg.
Theo nhiều nhà thu mua, giá cà phê giảm chủ yếu do sức mua thế giới có xu hướng chững lại, và nông dân trong nước vào vụ thu hoạch rộ. Tuy nhiên, diễn biến giá sắp tới khó nhận định vì nguồn cung từ quốc gia lớn nhất là Brazil đang giảm mạnh.
18% người béo phì sống ở Hà Nội, TP.HCM
Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị béo phì vừa được Bộ Y tế công bố, tần suất thừa cân, béo phì trên người lớn ở Việt Nam là 2,3% vào năm 1993, tăng lên đáng kể 15% vào năm 2015, tỉ lệ ở thành thị gấp gần hai lần so với nông thôn (22,1% so với 11,2%).
Ngoài ra, báo cáo cho rằng lối sống của người Việt Nam thay đổi rất nhiều trong những năm gần đây như ít vận động hơn, chế độ ăn có nhiều muối, ăn nhiều mì ăn liền, uống nhiều nước ngọt, ăn ít rau và nhiều hải sản.
Một thống kê năm 2021 cho kết quả tỉ lệ thừa cân, béo phì ở Hà Nội và TP.HCM chiếm 18% tổng số người thừa cân, béo phì trên toàn quốc.
Rất đáng lưu ý là tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tuổi học đường 5-19 tuổi tăng từ 8,5% năm 2010 lên thành 19% năm 2020, trong đó khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.
Hoạt động giao thông tại TP.HCM phát thải khí carbon rất lớn - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
TP.HCM phối hợp Nhật Bản hạn chế mức thải khí carbon vào môi trường
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã phối hợp Cục Môi trường thành phố Osaka, Nhật Bản tổ chức hội thảo quốc tế về "Chương trình phát triển thành phố phát thải carbon thấp". Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác với Nhật Bản để tạo ra những chuyển biến trong môi trường tại TP.HCM.
Lượng khí thải carbon cao ở TP.HCM chủ yếu đến từ ba nguồn chính: hoạt động giao thông, hoạt động công nghiệp và xây dựng. Một số điểm như ngã tư An Sương, Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh, Hàng Xanh, Gò Vấp… nồng độ bụi lúc nào cũng vượt mức cho phép.
Tương tự, tại các khu vực tập trung hoạt động sản xuất công nghiệp như khu vực quanh nhà máy thép Thủ Đức, xi măng Hà Tiên… chất lượng không khí cũng không tốt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận